Đăk Tô: Phát triển lâm nghiệp bền vững

3

baokontum.com.vn

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Huyện ủy Đăk Tô, việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy về “phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (viết tắt Nghị quyết 06) trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực.

Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06, Huyện ủy ban hành Chương trình số 39-CTr/HU, ngày 10/5/2022 về việc thực hiện Nghị quyết số 06; đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phát triển rừng huyện giai đoạn 2021-2026 do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban và chỉ đạo kiện toàn Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng huyện do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Tổ trưởng.

Theo đồng chí Đặng Hoàng Nam- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn cụ thể hóa việc thực hiện các nội dung của Chương trình số 39 CTr/HU thành các chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; đưa nội dung quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vào hương ước, quy ước của cộng đồng khu dân cư; hoàn thành tốt các chỉ tiêu về trồng mới rừng, giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư để đảm bảo 100% diện tích đất rừng có chủ quản lý theo Luật Lâm nghiệp, bảo vệ tốt các diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.

Rừng trồng ở xã Văn Lem phát triển tốt. Ảnh: VN

 

UBND huyện giao Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu triển khai thực hiện và thành lập các tổ kiểm tra, giám sát, tuần tra, truy quét giúp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về Luật Lâm nghiệp; chỉ đạo các cơ quan đơn vị và UBND xã, thị trấn phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội của huyện tích cực tham gia và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, tham gia tích cực vào các phong trào trồng cây, trồng rừng trên địa bàn.

Theo đó, công tác quản lý bảo vệ rừng được triển khai và thực hiện tốt, vi phạm lâm luật ngày càng giảm dần và kiểm soát. Việc giao đất giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng được quan tâm. Qua đó, huyện giao được 991,47 ha rừng cho 5 cộng đồng dân cư trên địa bàn xã Văn Lem quản lý; đồng thời tiếp tục rà soát những diện tích đất có rừng phù hợp, giao đất gắn liền giao rừng cho các cộng đồng dân cư quản lý; đối với các diện tích đất chưa phù hợp còn lại tiếp tục tuyên truyền, vận động và yêu cầu các hộ dân khoanh nuôi trồng lại rừng để đưa vào kế hoạch giao đất, giao rừng trong thời gian tới.

Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, công tác trồng rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn huyện được quan tâm. Đến tháng 10/2024, toàn huyện trồng mới được hơn 2.000ha rừng trồng tập trung, đạt 107,3% mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025 và hơn 206.000 cây xanh phân tán các loại đạt 82,7% kế hoạch. Tổng diện tích rừng được cập nhật tăng từ năm 2021 đến nay từ nguồn gốc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên đủ tiêu chí thành rừng là 620,8ha; diện tích rừng được cập nhật giảm từ năm 2021 đến nay do khai thác trắng từ rừng trồng, cháy rừng là 223,9ha; diện tích rừng tự nhiên được khoanh nuôi, phục hồi đạt tiêu chí thành rừng là 368,78ha.

170728Bach%20%C4%91%C3%A0n%20c%E1%BB%B1%20v%C4%A9%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20%E1%BB%9F%20huy%E1%BB%87n%20%C4%90%C4%83k%20T%C3%B4

Bạch đàn cự vĩ phát triển ở huyện Đăk Tô. Ảnh: V.N

 

Để huy động nguồn lực thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức rà soát các nguồn ngân sách huyện, lồng ghép với nguồn dịch vụ môi trường rừng tại địa phương, vốn hỗ trợ từ kinh phí dịch vụ môi trường do tỉnh hỗ trợ và nguồn vốn tiểu dự án 1- Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, các nguồn vốn hỗ trợ khác từ công ty, doanh nghiệp, các hộ dân để tổ chức thực hiện các dự án trồng rừng, giao đất giao rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng rừng bổ sung trên 50 tỷ đồng.

Việc áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh trong việc triển khai phát triển lâm nghiệp tại địa phương như: Trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán, công tác giao đất giao rừng cộng đồng, khoán bảo vệ rừng góp phần giải quyết việc làm, thay đổi cảnh quan môi trường, sinh thái vùng và tạo sinh kế lâu dài cho nhân dân. Ý thức bảo vệ rừng, trồng rừng, nhất là các hộ dân sống ở khu vực gần rừng ngày càng được nâng cao và thực hiện hiệu quả.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06, đồng chí Đặng Hoàng Nam cho biết, trong thời gian đến, Đăk Tô tiép tục phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu trong công tác quản lý bảo và phát triển rừng; xử lý nghiêm các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho các tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác nắm bắt thông tin về tình hình quản lý, bảo vệ rừng, tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm; giám sát hoạt động các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, xử lý nghiêm khi có tình trạng vi phạm xảy ra.

Duy trì các chốt bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, triển khai có hiệu quả việc bảo vệ rừng tại gốc; giải quyết dứt điểm diện tích đất chồng lấn, lấn chiếm; rà soát lại hiện trạng rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp cho đúng với thực trạng; quản lý chặt chẽ diện tích đất lâm nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh ra ngoài quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn huyện.    

Văn Nhiên


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/dak-to-phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-44384.html