Phát huy chính sách dịch vụ môi trường rừng trên diện tích rừng cung ứng dịch vụ

    135


    18/10/2018 18:00


    ​Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách thể hiện sự công bằng và xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Phát huy chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tài nguyên rừng cung ứng dịch vụ ngày càng được quản lý bảo vệ tốt hơn trước, người dân giữ rừng có điều kiện cải thiện sinh kế.

    Thực tế cho thấy, kể từ khi thực hiện chính sách này, trên diện tích rừng cung ứng dịch vụ ở các địa phương trong tỉnh được các chủ rừng, người dân tham gia quản lý và bảo vệ tốt hơn trước. Người dân gắn bó với rừng có điều kiện để cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống.

    Theo ông Hồ Thanh Hoàng – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, toàn tỉnh hiện có 360.305,89ha rừng cung ứng dịch vụ, chiếm khoảng 63,5% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Trong diện tích rừng cung ứng, có 22 chủ rừng là tổ chức quản lý 288.430,37ha rừng; 74 UBND xã, thị trấn quản lý  27.211,22 ha rừng; 3.597 hộ gia đình, 21 cộng đồng dân cư được nhà nước giao đất, giao rừng quản lý 44.664,3ha rừng.


    Phát huy chính sách dịch vụ môi trường rừng trên diện tích rừng cung ứng dịch vụ
    Gắn bó với rừng, người dân ở thôn 1, thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) trồng được những vườn bời lời. Ảnh: V.N

     

    Không tính những năm trước, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh thu trên 160 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng và chi 158,67 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng là các tổ chức (các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng…), UBND các xã, thị trấn, cộng đồng và hộ gia đình.

    Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh còn tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng kết hợp với tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng nhằm giúp người dân ở các xã có rừng cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống.

    Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; các đơn vị chủ rừng chủ động nguồn tài chính triển khai các hoạt động bảo vệ rừng, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới.

    Chúng tôi về thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) để tìm hiểu việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng.

    Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Em (dân tộc H’rê ở thôn 1, thị trấn Đăk Rve) cho biết, năm 2016, gia đình ông được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kon Rẫy giao khoán 15ha rừng. Gia đình ông cùng với các hộ nhận khoán thành lập nhóm tuần tra quản lý bảo vệ rừng. Hàng tháng, ông cùng nhóm hộ tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. Từ đó đến nay, gia đình ông không để xảy ra cháy rừng, phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép.

    Không để xảy ra mất rừng, năm 2017, gia đình ông Em được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện chi trả 6 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Có tiền dịch vụ môi trường rừng, gia đình ông đầu tư mua phân bón chăm sóc cà phê, mì; mua sách, vở cho con đi học. Đồng tiền dịch vụ môi trường rừng góp phần cho gia đình ông ổn định sản xuất và nâng cao đời sống.

    Ở xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà), các hộ gia đình được huyện giao rừng và thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác quản lý bảo vệ rừng.


    1539861849 266 Phát huy chính sách dịch vụ môi trường rừng trên diện tích rừng cung ứng dịch vụ
    Từ đồng tiền dịch vụ môi trường, nhiều người dân ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà trồng được vườn cà phê có giá trị kinh tế cao. Ảnh: V.N

     

    Trao đổi về thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng, ông A Thuần (thôn 2, xã Đăk Ui) bộc bạch: Gia đình tôi được huyện giao 10ha đất rừng. Nhận đất nhận rừng và bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, năm 2017, gia đình được Ban chi trả dịch vụ môi trường rừng huyện chi trả 4 triệu đồng. Gắn bó quyền lợi và trách nhiệm, từ nhiều năm nay, gia đình không để xảy ra mất rừng.

    “Rừng có vai trò quan trọng trong việc chống xói mòn đất, hạn chế lũ lụt; duy trì nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt; cung cấp oxy cho con người… Nhận đất, nhận rừng, nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, gia đình ý thức được trách nhiệm bảo vệ rừng” – A Thuần chia sẻ.

    Ông Nguyễn Văn Quý – Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy đánh giá cao chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ông cho biết, kể từ khi thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy có điều kiện để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và tăng cường giao khoán rừng cho dân. Tài nguyên rừng được quản lý, bảo vệ và phục hồi tốt hơn so với các giai đoạn trước. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương.

    Có thể nói, phát huy chính sách dịch vụ môi trường trên diện tích rừng cung ứng, các chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng… ngày càng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng; người dân nhận đất, nhận rừng và nhận khoán bảo vệ rừng có cuộc sống ổn định và bền vững hơn.

    Văn Nhiên

    Đi đến nguồn bài viết