Đột phá vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh trong năm 2019

    153

    [Tin Kon Tum] –


    03/04/2019 17:17


    ​1 trong 3 lĩnh vực đột phá được tập trung triển khai nhằm tạo chuyển biến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm 2019 là phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, đồng thời bảo tồn, đầu tư phát triển có hiệu quả những loại cây dược liệu, nhất là dược liệu dưới tán rừng; có chiến lược đầu tư phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum, đẳng sâm Kon Tum và các sản phẩm đặc hữu khác.

    Thời gian qua, ngành NN&PTNT tỉnh đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành một số chính sách phát triển cây hàng hóa chủ lực gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Trong đó, có thể kể đến Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Đề án hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, phát triển cà phê xứ lạnh; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước; Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum; Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến; Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh…

    Tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành trên 74.000ha cây cao su, 20.500ha cây cà phê… Thực hiện Kế hoạch số 1478 của UBND tỉnh, đã có hơn 4.500ha được các đơn vị, địa phương đăng ký dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp, lâm nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”. Bước đầu, đã hình thành một số cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 100ha.

    Cùng với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, tại huyện Kon Plông, 5 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đã từng bước được hình thành. Bên cạnh đó, nỗ lực đầu tư các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện, thành phố trong tỉnh cũng được chuẩn bị và khởi động.

    Năm 2018 đánh dấu sự kiện nổi bật của tỉnh là tổ chức Hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác. Ngoài trên 600ha sâm Ngọc Linh và một số diện tích sâm dây, đương quy, đinh lăng, sa nhân tím… được trồng và phát triển; toàn tỉnh đã thu hút 17 dự án đầu tư cây dược liệu với tổng diện tích 7.800ha, tổng vốn đầu tư trên 11.000 tỷ đồng…


    Đột phá vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh trong năm 2019
    Thực hiện đột phá xây dựng chuỗi giá trị dược liệu

     

    Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng đạt kết quả đáng kể. Hiện nay, Công ty CP Thực phẩm Măng Đen đã phát triển trên 12.000 con dê sữa. Cải tạo giống đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được quan tâm tiến hành…

    Kết quả đạt được sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV là cơ sở để ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương ra sức thực hiện đột phá trong năm 2019 theo Chỉ thị số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình số 31 của UBND tỉnh.

    Theo ông Trần Văn Chương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quán triệt triển khai 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, ngành NN&PTNT tỉnh xác định, trước hết, tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với từng ngành như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản; gắn với tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đã ban hành nhằm thu hút đầu tư và các dự án khởi nghiệp để phát triển nông nghiệp đúng hướng, bền vững. Thứ hai, xác định phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây dược liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm là khâu đột phá trong năm 2019; phấn đấu hình thành vùng sản xuất chuyên canh, hình thành các hợp tác xã để đảm bảo vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu, tạo mối liên kết với các doanh nghiệp chế biến các nhóm ngành cà phê, mì, mía, cây dược liệu… Thứ ba, phát triển mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như mì và các sản phẩm chế biến từ mì; sản phẩm trồng trọt, sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; nhất là rau, hoa, quả, sâm Ngọc Linh và các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh cũng như các loại dược liệu có thế mạnh…           

    Đột phá vào nông nghiệp, mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thành và phát triển các chuỗi giá trị, nhất là các chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh là trọng tâm đã được xác định. Tuy vậy, thực tế đầu tư lĩnh vực này thời gian qua đang đặt ra không ít vấn đề, nếu không được tập trung giải quyết một cách hiệu quả, sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến nỗ lực thực sự tạo đột phá.

    Liên quan đến chính sách đất đai, ông Trần Văn Chương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp, hiện nay, doanh nghiệp thuê đất của bà con nông dân để phát triển cánh đồng lớn. Tuy vậy, quyền sử dụng đất vẫn thuộc về người dân. Doanh nghiệp không thể dùng đất đã thuê của nông dân để thế chấp vay vốn ngân hàng. Vì vậy, để tháo gỡ rào cản này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất; rất cần phải thay đổi tư duy, thay đổi chính sách, pháp luật về đất đai.

    Doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong quá trình xây dựng và phát triển chuỗi liên kết. Do đó, để hình thành cánh đồng lớn, cùng với chính sách về đất đai, cần vận dụng đồng bộ những ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Thực tế, hỗ trợ doanh nghiệp chính là gián tiếp hỗ trợ người dân.

    Mặt khác, liên kết để tạo ra những chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp không chỉ được quyết định bởi doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc vào bà con nông dân – những người trực tiếp tạo ra sản phẩm để tham gia vào chuỗi giá trị – thông qua mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác.

    Tuy vậy, do nhận thức về chuỗi giá trị cũng như hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn hạn chế; nên không ít hộ nông dân tại địa bàn tỉnh chưa chủ động, tích cực gia nhập hợp tác xã, để cùng nhau tạo nên sức mạnh thương hiệu nông sản.

    “Bên cạnh đó, cũng không loại trừ một thực tế là “năng lực của Hội đồng quản trị và giám đốc hợp tác xã một số nơi có hạn, chưa đáp ứng yêu cầu công tác”. Vì vậy, “cần lựa chọn những người có khả năng, tâm huyết với công việc; đồng thời quan tâm tập huấn, hướng dẫn, tạo điều kiện cho đội ngũ này công tác”” – ông Trần Văn Chương nhìn nhận.

      Bài, ảnh: Thanh Như