Trải nghiệm hài hước nhất là Thương muốn có thời gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, nhưng lại đặt khách sạn gần phố Tây Bùi Viện.
Cô gái 9X Thương Đặng, sống tại Hà Nội, vừa có chuyến xuyên Việt 28 ngày, khởi hành từ 12/6 và kết thúc vào 7/7. Cô đi qua 31 tỉnh, thành, đến hai đảo Lý Sơn – Phú Quý, vượt 3.407 km. Chi phí cho chuyến đi gồm di chuyển, ăn ở là 30 triệu đồng. Công việc của Thương chủ yếu làm online, nên cô vừa mang laptop vừa đi phượt.
Hành trình xuyên Việt của cô gái Hà Nội.
Hành trình của nữ du khách 9X đi qua Hà Nội – Hòa Bình – Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình – Quảng Trị – Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi – Kon Tum – Gia Lai – Đồng Nai – Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa – Ninh Thuận – Bình Thuận – Đồng Nai – Bình Dương – TP HCM – Long An – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau – Hậu Giang – Cần Thơ – Vĩnh Long – Tiền Giang. Sau đó, cô quay về TP HCM, gửi xe máy ra Hà Nội bằng tàu, rồi bay về.
Trong suốt hành trình, Thương may mắn không gặp rắc rối hay nguy hiểm. Đổi lại, cô có cơ hội được gặp gỡ với những con người xa lạ nhưng dễ thương, tử tế dọc chiều dài đất nước.
Khi đến Vinh, Thương ghé qua mộ mẫu thân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên đường xuống mộ, cô gặp một người bán hàng rong mời mua. “Đeo balo nặng 7 kg, lại vừa leo xong mấy trăm bậc thang, tôi mệt quá ngồi thụp xuống. Tôi tâm sự với bác bán hàng rong là đang đi xuyên Việt. Thế là hai bác cháu ngồi trò chuyện một lúc. Sau đó, tôi mua ủng hộ bác cái bấm móng tay giá 10.000 đồng. Vậy mà bác ấy nằng nặc đòi tặng một gói tăm và cái quạt giấy. Bác bảo dọc đường quạt cho mát”, Thương kể về kỷ niệm đầu tiên với người lạ khiến cô cảm động.
Khi qua Cẩm Châu, Hội An, cô vào mua lọ thuốc nhỏ mắt cho đỡ buồn ngủ khi đi đường. Người bán hàng hỏi Thương đi đâu. Sau đó, còn dặn dò cô một số lời khuyên khi đi du lịch bụi và tặng hộp Oresol bù nước để đi đường dài cho đỡ mệt. “Lọ nhỏ mắt có 4.000 đồng thôi mà chị ấy tặng tôi hộp oresol 60.000 đồng”.
Đến Hậu Giang, khi trời sắp mưa, cô ghé quán xôi ven đường. Chủ quán ngạc nhiên khi biết cô phượt từ Bắc vào Nam, nên đã mang ra cho cô một bát xôi đầy ắp thịt. Giá niêm yết là 15.000 đồng, nhưng người chủ chỉ lấy cô 10.000 đồng, và tặng thêm chai nước suối. Trước khi cô đi, chủ quán còn dặn nếu gặp trời mưa thì nhớ tìm chỗ trú, và “mốt đi về nhớ rẽ vào đây”.
Trong 28 ngày đi phượt, Thương nhận ra rằng Hội An là thành phố đẹp nhất nước. “Đó là nơi có nét hoài niệm, đẹp nhẹ nhàng. Những ô cửa ngả màu điểm xuyết những bông hoa giấy rung rinh trong gió trong một buổi sáng vắng lặng. Khung cảnh thật tuyệt và nên thơ”, Thương giải thích.
Thương chụp ảnh lưu niệm tại Hội An.
Với cô, thành phố đáng sống nhất là Tuy Hòa, Phú Yên. Nơi đây biển đẹp, trời trong, đồ ăn ngon, khách sạn rẻ đẹp. Cô nhớ nhất khoảnh khắc cuối ngày, ngồi cùng người bạn thân ở bãi Xép, gió lùa tận kẽ tóc và ngắm nhìn mặt nước phẳng lặng, trong xanh. Đó là một trong những khung cảnh đẹp nhất trong cuộc đời mà cô từng trải nghiệm. Cung đường ven biển Nam Trung Bộ là con đường đẹp nhất và món ăn yêu thích nhất là được thưởng thức đủ loại hải sản ngon – bổ – rẻ dọc bờ biển Việt Nam.
Những trải nghiệm đáng nhớ nhất của Thương là mở loa hát ngêu ngao, hét lớn “Tôi yêu Việt Nam” trên các cung đường ven biển không bóng người; chèo SUP ở Nha Trang; ngắm san hô, hoàng hôn ráng đỏ ở đảo Phú Quý; ăn tôm hùm giữa biển; ăn cua Cà Mau…
Trải nghiệm hài hước nhất chính là cô muốn có thời gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, nhưng lại đặt khách sạn gần phố Tây Bùi Viện, một trong những nơi ồn ào nhất TP HCM. Kỷ niệm đáng sợ nhất là khi cô gặp bão, mưa đá ở Tây Nguyên. Thương đi Tây Nguyên đúng mùa mưa, nên chưa thể khám phá hết vẻ đẹp đại ngàn. Cô hy vọng sẽ có dịp quay lại. Bỏ lỡ đáng tiếc nhất trong chuyến đi này là cô chưa kịp trekking cung Tà Năng – Phan Dũng và đến rừng tràm trà sư An Giang.
Chuyến đi này được Thương ấp ủ 5 năm. Trước đó, cô có nhiều chuyến phượt rong ruổi các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng ngắn ngày. “Đây là chuyến xuyên Việt đầu tiên, và thật lòng tôi không nghĩ rằng có thể đi lại lần nữa, vì rất khó sắp xếp công việc. Với những người đam mê xê dịch, xuyên Việt giống như một cột mốc quan trọng trong cuộc đời mà ai cũng muốn có. Tôi cũng không ngoại lệ”, Thương nói.
Ban đầu, khi biết con gái định xuyên Việt bằng xe máy, bố mẹ Thương khá lo lắng vì cô đi một mình, còn bạn bè thì ủng hộ. “Tôi đi một mình, nhưng đến bất kỳ tỉnh thành nào cũng có bạn bè tiếp đón. Nên tôi hầu như không đơn độc bao giờ”, Thương nói.
Để có chuyến đi thành công ngoài mong đợi, ngoài nỗ lực bản thân, cô đã được rất nhiều người trợ giúp. Nhiều thổ địa đã hướng dẫn cô tới những quán ăn ngon. Những người bạn Thương quen sẵn sàng tham gia cùng một đoạn đường ngắn tại nơi cô ghé thăm. Họ đón tiếp cô bằng sự nhiệt tình, sôi nổi và không vụ lợi của tuổi trẻ. Thậm chí có những người bạn, đã xin nghỉ phép hẳn 10 ngày để cùng cô rong ruối khắp các cung đường ven biển. “Có họ đi cùng thưởng thức cảnh đẹp, đồ ăn ngon, chuyến đi của tôi thêm trọn vẹn”.
Thương Đặng chụp ảnh tại Cà Mau. :
Khi chia sẻ lời khuyên cho những người muốn đi xuyên Việt sắp tới, Thương nói: “hãy kiên nhẫn”. Vì sự kiên nhẫn và nuôi dưỡng ước mơ sẽ giúp bạn đạt được mọi điều mong muốn, giống Thương. Kết thúc hành trình trong mơ, ngoài việc thỏa lòng mong ước được nhìn ngắm tổ quốc tươi đẹp, Thương cho biết chưa bao giờ ngừng biết ơn về những sự tử tế cô gặp trên suốt đường đi, những người bạn. “Và tôi cũng luôn cảm ơn chính bản thân mình, đã luôn kiên cường và nỗ lực”, cô gái Hà Nội nói.
Phương AnhẢnh: NVCC
Nguồn bài viết:
https://vnexpress.net/nhung-cai-nhat-trong-28-ngay-xuyen-viet-4500204.html