Người Banar giao tế với các vị thần như thế nào?

546

Người Banar sinh sống lâu đời trên vùng đất Kon Tum thuộc 4 nhóm địa phương chính: Bơnâm, Gơlar, Rơngao và Giơlơng. Cũng như các dân tộc thiểu số khác sống trên dãy Trường Sơn, người Banar ở Kon Tum có một hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú. Trong đó, tín ngưỡng về thần linh đóng vai rất quan trọng – là nền tảng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ. Người Banar theo giáo đa thần, tức họ tin thờ nhiều thần, có thể kể tên như: thần tạo hoá (Bok Kơi Dơi, Iă Kon Keh), thần sấm sét (Bok Glaih), nữ thần (Iă Pom), thần lúa (Iang Xơri), thần nước (Iang Dak), thần núi ( Iang Kơng), cùng một số thần là cây cối, động vật…Điều thiết cốt là họ tin thần có thật và là những đấng diệu chí linh, có quyền phép giáng hoạ-phúc cho người, giữa thần và người có quan hệ chặt chẽ với nhau. Chính vì vậy, người Banar đã tiến hành hàng loạt nghi lễ, cái mà họ gọi là “Cuộc giao tế” để làm sợi dây liên lạc giữa các vị thần và con người. 

amh%20internet Nghi lễ đâm trâu của người Banar – Ảnh: Internet

 

Cầu khấn là một hình thức giao tế với thần được tiến hành thường xuyên nhất, là nghi lễ của người Banar trước khi làm những công việc hệ trọng, họ dâng lễ vật lên cho các vị thần để xin phù hộ cho mình làm được việc; đặc biệt, nghi lễ này không thể thiếu của mỗi gia đình trước ngày gieo trỉa lúa. Cũng có những việc họ chưa dâng lễ vật cho thần mà chỉ nguyện hứa với thần trong bụng, khi mọi việc đã được suôn sẽ, họ sẽ giết thị trâu, bò, heo, gà…để trả ơn vì thần đã giúp đỡ. Không những cầu xin thần giúp đỡ, người Banar còn nhờ các vị thần đứng ra làm chứng cho họ trong những lúc thề nguyền với nhau như trường hợp kết nghĩa cha con, anh em, vợ chồng, và cả trong khi kiện tụng nhau cũng nhờ thần đứng ra làm chứng…Trong cuộc sống, nếu có hiềm khích với ai đó, người Bannar thường trù rủa để nhờ thần hại lại người đó, họ tin rằng chỉ cần nộp rủa một lời là thần sẽ giúp mình, làm theo ý của họ, có khi họ còn dùng phép yểm hồn người mà họ định hại.

 

Trước khi làm việc gì tự nhiên trong người mình cảm thấy hớn hở hay buồn rầu thì người Bannar tin là thần cho biết trước sự thành công hay thất bại. Họ cho đó là điềm báo của thần nên họ theo đó mà làm hay không làm. Bói keo cũng là một nghi lễ của người Banar khi họ muốn thần báo tin cho biết trước việc lành hay việc giữ, nghi lễ này thường được tiến hành khi tìm đất lập làng, lập họ, làm nhà… Thực hiện nghi lễ này họ dùng phép bói hoặc xin keo mà hỏi, vật dụng là 3 miếng ngãi có 2 mặt sấp ngửa khác nhau (thường là những đồng xu bằng kim loại).

 

Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, người Banar bắt gặp những vật kỳ dị như gà 3 chân, gà đẻ trứng mềm, gà mái gáy, heo cạp máng…đều là những điều không lành, nhà ai có những vật ấy phải đem làm thịt ngay để tránh tai hoạ. Khi phát rẩy mà nghe tiếng chim hoặc tiếng mang kêu là điềm xấu; đi buôn bán gặp 2 con chim cắn nhau là điểm tốt, gặp đàn bà mang thai hoặc các con vật bị chết là điềm không tốt…Những dấu hiệu nói trên, người Banar gọi là điềm triệu mà thần dùng để tin cho người biết điều lành hay điều dữ. Người Banar còn tin rằng, có khi thần cũng báo hiệu điều tốt, điều xấu trong lúc nằm ngủ, tức báo mộng mà họ gọi là hình thức giao tế chiêm bao. Người Banar quan niệm lúc nằm ngủ mơ thấy điều gì đều tương ứng với tin báo của thần, nếu tự mình không đoán biết được thì phải nhờ thầy phù thuỷ giải nghĩa để biết đựoc điều gì nên làm, điều gì phải tránh.

 

Sau khi đã được các vị thần giúp đỡ, phù hộ cho một việc gì đó thành công thì người Banar sẽ dâng các lễ vật lên cho thần để tỏ lòng biết ơn, hình thức giao tế này họ gọi là tạ ơn. Thường niên, với người Banar có những lễ tạ ơn như: lễ ăn lúa mới, lễ lên nhà mới, lễ ăn sau khi đau ốm được lành mạnh lại; lại còn có những lễ tạ ơn chung của cả làng như lễ dâng sau khi lập làng, dời làng, làm nhà Rông, lễ ăn mừng thắng trận…lễ vật được dâng lên  bao gồm rượu và gan các con vật như trâu, bò, dê, heo, gà.

 

Người Banar quan niệm rằng nếu người nào có số mạng lớn sẽ có khả năng giao hoả được với các vị thần, hình thức giao tế này gọi là kết nghĩa giữa người với thần. Thần kết nghĩa với nguời bằng nhiều cách: kết nghĩa làm cha con, làm anh em. Ai kết nghĩa được với các vị thần thượng đẳng thì được giàu có, sống lâu, được mùa, đánh thắng giặc…Một trong những người được kết nghĩa gần gũi với các vị thần nhất là thầy phù thuỷ (Po’jâu), họ cho rằng thần ban cho phù thuỷ các phép thuật để chữa bệnh và đoán biết trước được mọi chuyện.

 

Một trong những hình thức giao tế thể hiện niềm tin và sự phục tùng tuyệt đối của người Banar đối với các vị thần đó là sự huý kỵ. Người Banar xưa tuyệt đối kiêng kỵ với những việc mà họ cho rằng đó là trái với ý thần, thần cấm như việc bắt trâu bò cày bừa (vì trâu bò là vật thần cho người ăn thịt chứ không được làm việc khác), dâng chó để cúng thần, con trai, con gái chưa thành vợ chồng mà đã ngủ với nhau, con gái chữa hoang…họ tin nếu ai phạm điều huý kỵ sẽ bị các vị thần trừng phạt như sấm sét đánh chết, đau ốm, hạn hạn, mưa lũ…và nếu ai có lỡ làm những điều huý kỵ thì phải dâng lễ cúng thần, xin tạ tội với các vị thần.

 

Từ xa xưa, người dân tộc Banar ở Kon tum sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, việc cải tạo và chinh phục thiên nhiên đang còn rất hạn chế. Trước sự bất lực đó, buộc họ phải tin vào một thế lực vô hình nào đó để được giúp đỡ, dựa giẫm về mặt tinh thần, từ đó tên gọi các vị thần xuất hiện cùng với những nghi thức để người với thần “thông tin” với nhau, mà trong tín ngưỡng gọi là “những cuộc giao tế với thần”. Ngày nay, qua quá trình lịch sử, đời sống xã hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều chịu sự biến động và có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo đó, một số phong tục, tín ngưỡng mang tính mê tín, lạc hậu đã dần được loại bỏ, và tất nhiên trong xã hội của người Banar cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên những hình thức tín ngưỡng truyền thống của họ vẫn còn được giữ gìn và phát huy, góp phần tạo nên những nét văn hoá độc đáo, đa dạng trong không gian văn hoá các dân tộc thiểu số ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

 

Minh Hải

Đi đến nguồn bài viết