Đầu tư xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen – Kon Plông

473

Kon Plông là vùng đất có địa thế và cảnh quan đẹp, là nơi có điều kiện xây dựng đô thị sinh thái. Là cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh, có diện tích tự nhiên 138 ngàn ha, theo qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010 tính đến năm 2020, Măng Đen – Kon Plông là một trong 3 vùng kinh tế động lực gồm khu vực TP Kon Tum, vùng cửa khẩu quốc tế Bờ Y và vùng du lịch sinh thái Măng Đen.

5.8.2014.1%20ttdl

Khu du lịch sinh thái Măng Đen

 

Kon Plông có nguồn tài nguyên rừng với hệ sinh thái rừng phong phú, nguyên vẹn, hệ động thực vật nhiệt đới quí hiếm. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng cần được quan tâm khai thác hợp lý và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu kinh tế, quĩ đất chưa sử dụng còn khá nhiều. Măng Đen có có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ cả năm giao động từ 18-20 độ C, cảnh quan tự nhiên còn khá nguyên sơ, có nhiều loài cây cổ thụ, những loại gỗ quí hiếm, các loại cây dược liệu và động vật hoang dã…cùng với các khu rừng nguyên sinh, rừng thông, nhiều hồ nước như hồ Toong Đam, Toong Zơ ri, Toong Pô…các thác đá trong xanh như Đak Ke, Pa Sỹ, Lô Ba tạo thành một quần thể thác nước khá hấp dẫn, tạo nên những nét thơ mộng, kỳ ảo cho thiên nhiên vùng Măng Đen. 

 

5.8.2014.2%20ttdl Thác nước

 

Kon Plông có nhiều tộc người sinh sống, trong đó chủ yếu là người dân tộc Xê Đăng Mơ nâm, Ka Dong, H’rê với nhiều đặc trưng văn hóa khác nhau của từng dân tộc. Nhiều lễ hội văn hóa truyền thống được người dân địa phương tổ chức hàng năm như: Lễ đâm trâu, Mừng lúa mới, Cầu mưa…các sản phẩm văn hóa đặc sắc như văn hóa cồng chiêng, đan lát, thổ cẩm…còn được lưu giữ. Có nhiều thắng cảnh tự nhiên và hệ thống các di tích lịch sử cách mạng như: Di tích lịch sử văn hóa Măng Đen, Đài tưởng niệm Chiến thắng Măng Đen, Sân bay Măng Đen, Di tích lịch sử Măng Bút. Về văn hóa tâm linh có Tượng Đức Mẹ Măng Đen, Chùa Khánh Lâm thu hút khá nhiều khách du lịch đến thăm viếng.

 

5.8.2014.3%20ttdl Du khách đến Măng Đen

 

Ngày 5/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Qui hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Qui hoạch chung đô thị Kon Plông huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum đến năm 2030, đánh dấu bước ngoặt trong sự phát triển của Măng Đên, với tiềm năng của một đô thị nằm trong khu vực hệ sinh thái đa dạng và hấp dẫn, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư và khách du lịch trong nước và quốc tế.

 

Hạ tầng giao thông ở Măng Đen đang ngày càng hoàn thiện, được đầu tư xây dựng các tuyến đường trọng điểm như đường Đông Trường Sơn, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 24, đường tránh đèo Măng Đen…tạo điều kiện thuận lợi phục vụ đi lại và kết nối các tuyến đường từ nơi khác đến với Măng Đen. Đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường Trường Sơn Đông, dự án đường Ngọc Hoàng – Măng Bút – Tu mơ Rông, đường tỉnh lộ 676 đi Ngọc Tem, đường du lịch từ Quốc lộ 24 vào thác Pa Sỹ, đường khu trung tâm hành chính huyện, cụm đường khu dân cư phía Bắc, cụm đường khu dân cư phía Nam trung tâm huyện, đường du lịch vào thác Đăk Ke, đường vào hồ Toong Đam, Toong Zơ ri, thác Lô Ba. Đầu tư tôn tạo phát triển làng văn hóa du lịch Kon Tu Rằng, kêu gọi thu hút đầu tư vào các điểm du lịch, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống điện phục vụ du lịch, khu thể dục thể thao trung tâm, khu vui chơi văn hóa thanh thiếu nhi trung tâm…Hệ thống các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ dưỡng đã thu hút đầu tư được 36 công trình đưa vào khai thác, đang xây dựng 96 công trình và đã cấp đất xây dựng 62 công trình khác. Hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch đang được hoàn thiện, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch tăng nhanh, các khu du lịch, khu giải trí được đầu tư xây dựng và đưa vào phục vụ du lịch, chất lượng nhân lực phục vụ du lịch qua đào tạo và thực tiễn đã được nâng lên, sản phẩm du lịch đã có sự đổi mới và đa dạng hơn. 

 

5.8.2014.4%20ttdl 5.8.2014.5%20ttdl Đường vào Thị trấn Măng Đen

 

Đã xây dựng qui hoạch chi tiết khu thị trấn huyện lỵ gắn với phát triển du lịch Măng Đen với diện tích 720 ha, bao gồm: Khu trung tâm thương mại và du lịch sinh thái hồ Đăk Ke, Khu du lịch sinh thái thác Đăk Ke và thác Lô Ba, Khu du lịch sinh thái hồ Toong Đam, Toong Zơ ri, Toong Pô, Khu du lịch sinh thái cảnh quan, leo núi, suối và thác Pa Sỹ…Hiện nay đã có 42 dự án du lịch sinh thái với tổng vốn đầu tư 3.238 tỷ đồng đã và đang được đầu tư xây dựng và đưa vào kinh doanh phục vụ như: Dự án tổ hợp khu du lịch sinh thái trị giá 1.196 tỷ đồng, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp trị giá 400 tỷ đồng, Dự án xây dựng 40 biệt thự trị giá 135 tỷ, đầu tư vườn hoa, cây cảnh và du lịch sinh thái trị giá 169 tỷ đồng… của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Các dự án đầu tư phát triển đưa vào kinh doanh như rau hoa xứ lạnh, nuôi cá tầm và cá nước lạnh đã được triển khai thực hiện và đạt kết quả bước đầu khá tốt, có giá trị cao và có đầu ra rất lớn.

 

5.8.2014.6%20ttdl Nuôi cá tầm ở Kon Plông

 

Măng Đen có vị trí quan trọng về giao lưu kinh tế, là vị trí trung chuyển của các tỉnh duyên hải miền Trung trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cách Quảng Ngãi khoảng 120 km, cách các trung tâm du lịch Đà Nẵng, Hội An chừng 250-300 km, cách Đà Lạt khoảng 400 km. Được nhìn nhận là điểm khởi đầu của tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, được kết nối với tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh” để hình thành tuyến du lịch xuyên quốc gia. Từ Măng Đen, “Con đường xanh Tây Nguyên” sẽ vượt qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y để hình thành tuyến du lịch “Con đường di sản Đông Dương” nối các di sản thế giới của Việt Nam với các di sản thế giới của 2 nước bạn Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan, do đó, Măng Đen đã và đang thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Việc liên kết phát triển tour du lịch giữa vùng du lịch sinh thái Măng Đen, Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với các tỉnh duyên hải miền Trung và các nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma tuy mới ở giai đoạn đầu nhưng trong tương lai không xa, với loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí mang tính chất sinh thái sẽ phát triển và hội nhập với nhau một cách tích cực vào Hành lang Đông – Tây và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo trong hành trình “Con đường xanh Tây Nguyên”, góp phần phát triển bộ mặt đô thị Kon Plông và vùng du lịch sinh thái Măng Đen, đồng thời góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Kon Tum trong những năm tới.

 

Trần Vĩnh

Đi đến nguồn bài viết