19/10/2019 13:01
Say mê với những bài chiêng, tiếng cồng, từ tuổi niên thiếu, A Thu (ở thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) đã mày mò học cách sử dụng các nhạc cụ dân tộc từ các già làng, nghệ nhân trong thôn, trong xã… Gần 20 năm miệt mài như thế, A Thu đã trở thành nghệ nhân đánh cồng chiêng giỏi và hiện tại đang “truyền lửa” đam mê cho thế hệ trẻ trên địa bàn để gìn giữ văn hóa truyền thống cho mai sau.
Khi ông mặt trời khuất sau dãy núi xa tít cuối thôn Đăk Rô Gia cũng là lúc ngôi nhà của nghệ nhân A Thu chật kín lũ con nít đến học đánh cồng chiêng.
Em A Ka Minh (ở thôn Đăk Rô Gia) năm nay mới 12 tuổi, nhưng đã có 4 năm theo học đánh cồng chiêng, làm các nhạc cụ dân tộc như đinh pút, đinh pa.
“Sau giờ học mỗi ngày, em thường đến nhà bác A Thu để học và được giao lưu đánh cồng chiêng với các bạn ở làng. Ban đầu em chưa biết, nên chỉ đứng xem các anh chị biểu diễn các nhạc cụ dân tộc. Rồi lâu dần, 1 tháng, 2 tháng… đến 1 năm và tới tận hôm nay, sự yêu thích văn hóa dân tộc của mình đã giúp em biết đánh cồng chiêng và tự tin trình bày hết bài nhạc trước đám đông. Em mong ước tương lai cũng sẽ trở thành nghệ nhân như bác Thu, truyền dạy cồng chiêng cho các bạn nhỏ ở thôn làng, để không quên cội nguồn văn hóa dân tộc” – A Ka Minh chia sẻ.
Sau câu chuyện ngắn với khách, A Ka Minh đã hòa vào đám bạn đang đến ngày một đông trước sân nhà nghệ nhân A Thu để chờ xếp vòng tròn chuẩn bị cho buổi học ráp bài hoàn chỉnh mừng lễ hội bắc máng nước của dân tộc Xơ Đăng…
Đội cồng chiêng xoang nhí do nghệ nhân A Thu thành lập và truyền dạy. Ảnh: MT
Nghệ nhân A Thu cho biết, bản thân anh từ lúc nhỏ đã say mê cồng chiêng nhưng với bản tính rụt rè, anh không dám hỏi người lớn học như thế nào và học ai để biết đánh cồng chiêng. Mãi đến năm 16 tuổi, khi đến nhà rông chơi vào các dịp lễ hội, A Thu đã gặp, bộc bạch niềm mong ước và được già làng chỉ dạy cồng chiêng.
“Thấy tôi ham mê với cồng chiêng, già làng và các cô chú biết sử dụng các nhạc cụ trong thôn đã gọi đi cùng tập luyện, quan sát cách khiêng cái chiêng, cầm cái cồng và bày cả cách cầm cái chui, hay sử dụng đôi tay để trở thành vật dụng gõ, vỗ nhạc cụ bật ra thanh nhạc đúng tông cùng mọi người… Tất cả phải thẩm thấu bằng trái tim của mình, mới đánh không trật nhịp lúc trầm, lúc bổng với mọi người và chú ý lúc gõ đôi tay cũng phải đều, phải dẻo để âm thanh trong, cao vút…” – nghệ nhân A Thu nhớ lại những ngày đầu tập tành học cồng chiêng ở thôn.
Miệt mài theo các nghệ nhân trong thôn học đánh cồng chiêng, tham gia hộ tống và lần lượt được cho biểu diễn quen với đội hình cấp thôn làng, xã, huyện và cả tỉnh Kon Tum vào các dịp lễ tết, ngày hội truyền thống các DTTS…, cứ thế, đến năm 2006 ở tuổi 30, A Thu đã sử dụng thành thạo mọi nhạc cụ dân tộc, từ đánh cồng chiêng đến chơi đàn t’rưng, đinh pút, đinh pa, klông pút…
Chưa dừng ở việc thẩm thấu âm nhạc dân tộc, nghệ nhân này còn tự tìm hiểu, nghiên cứu và chế tác được đàn t’rưng, đinh pa, đinh pút, klông pút… Anh nói: Những lúc theo người già đánh cồng chiêng, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc mình rất sung sướng. Nhất là lúc mọi người đều đắm chìm vào điệu múa xoang, đánh bài chiêng mừng lễ hội của làng như ăn lúa mới, bắc máng nước, đưa lúa về kho, mừng đám cưới, cúng bỏ mả… Tất cả âm thanh của mọi nhạc cụ vang lên, tôi thấy sự kì diệu này nên cũng tự “săm soi” cái đàn này, vật dụng kia… Rồi sau đó, tôi lại tự đi rừng cắt tre nứa rồi tìm đến người già ở làng nhờ họ hướng dẫn làm nhạc cụ, dần dà cũng có được vài cái đinh pa, đinh pút…
Nghệ nhân A Thu dạy thanh thiếu niên đánh cồng chiêng. Ảnh: MT
Thời điểm 2009, từ những niềm đam mê với văn hóa dân tộc, ngoài học hỏi các nghệ nhân ở làng, A Thu còn đi học hỏi, giao lưu và biểu diễn cồng chiêng tại các làng khác của huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông. Anh còn tích góp và mua được một bộ cồng chiêng của người dân trong làng, để thỏa lòng yêu thích các bài chiêng dân tộc và cũng để tự rèn luyện, nâng cao hiểu biết, sử dụng, biểu diễn đa dạng hơn cồng chiêng truyền thống của người Xơ Đăng.
Đến năm 2010, nhiều bà con trong làng đã đưa con trẻ đến nhà nhờ nghệ nhân A Thu truyền dạy đánh cồng chiêng. Ban đầu chỉ có đôi ba thiếu niên thích học biểu diễn đánh cồng, đánh chiêng, rồi dần dà tăng lên 5 – 7 cháu và tiến tới 10 – 12 cháu đến xin học văn hóa dân tộc. Với nghệ nhân, điều này là sự tự hào và vui vì niềm say mê đã lan tỏa đến thế hệ trẻ. Do đó, A Thu đã đề nghị với già làng và các đoàn thể trong thôn cho phép anh được truyền dạy cồng chiêng miễn phí tại nhà. Cứ thế gần 9 năm qua, âm thanh cồng chiêng đều đặn vang lên mỗi chiều tại ngôi nhà nhỏ của A Thu. Đến nay, học trò của anh tính được gần 200 em.
A Thu còn báo tin vui: Dạy cho tụi nhỏ biết sử dụng nhạc cụ, biết đánh cồng chiêng, tôi lại chọn trong số học trò này 15-20 em đang theo học lớp 5, lớp 6 để thành lập đội cồng chiêng nhí ở thôn Đăk Rô Gia…
“Năm 2010 đến nay, tôi đã thành lập được 2 đội cồng chiêng, múa xoang cho thôn với hơn 40 nghệ nhân nhí. Các em có thể biểu diễn tất cả các bài chiêng, múa xoang của dân tộc Xơ Đăng và đã từng đi thi trình diễn ấn tượng ở Ngày hội các DTTS của huyện, tỉnh; cũng như đi biễu diễn giao lưu văn hóa dân tộc khu vực Tây Nguyên, toàn quốc” – nghệ nhân A Thu giới thiệu về đội công chiêng do cá nhân tạo dựng nên.
Xác nhận thông tin trên, ông Trương Đình Tuệ – Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm nhận xét, thời gian qua, phong trào giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trên địa bàn xã có bước phát triển rất tích cực, trong đó có sự đóng góp của nghệ nhân A Thu. Các đội cồng chiêng của thôn Đăk Rô Gia đã thường xuyên tham gia giao lưu, biểu diễn vào các sự kiện, ngày lễ trọng đại ở xã Đăk Trăm và tại huyện Đăk Tô. Thông qua hoạt động này cũng góp phần làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng trên địa bàn. Mặt khác, thế hệ trẻ ở các làng DTTS may mắn theo học đánh cồng chiêng ở nhà A Thu cũng đã ý thức được việc gìn giữ văn hóa của dân tộc từ đây.
Từ niềm say mê biểu diễn cồng chiêng, nghệ nhân A Thu đã “truyền lửa” yêu thích và phát huy âm nhạc dân tộc đến nhiều thế hệ trẻ ở làng Đăk Rô Gia, góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa các DTTS trên mảnh đất Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Mai Trâm