Sáng ngời phẩm chất người lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản chân chính

6

baotintuc.vn

13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024, trái tim của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã ngừng nhịp đập, nhưng phẩm chất của một người lãnh đạo mẫu mực, một người cộng sản chân chính mãi sáng ngời, là sợi dây kết nối niềm tin và ý chí của mọi tầng lớp con dân nước Việt.

Tit1

Trong đêm 19/7, Đại sứ Vũ Quang Minh – Đại sứ Việt Nam tại Đức, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia và Anh Quốc, kiêm nhiệm Ireland, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với niềm tự hào về vị lãnh đạo tối cao của Việt Nam đã giành được sự yêu mến và kính trọng của lãnh đạo và nhân dân các nước, người có phong cách bình dị và gần gũi với cán bộ và người dân, luôn quan tâm, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cán bộ, đảng viên: 

“Đó là một ngày mùa đông khá lạnh, vào tháng 1/2013 của London. Tổng Bí thư vừa qua một chặng công tác khá dài và trong thời tiết khắc nghiệt của mùa đông Châu Âu với chương trình hoạt động bận rộn và căng thẳng”- Đại sứ Vũ Quang Minh hồi tưởng.

Khi máy bay hạ cánh, các cán bộ tháp tùng cho Đại sứ biết, Tổng Bí thư có lẽ bị cảm lạnh và khá mệt, vì vậy đề nghị Đại sứ thay đổi chương trình, không mời Tổng Bí thư tới gặp bà con Việt Kiều tại Trụ sở Đại sứ quán như dự kiến, để Tổng Bí thư về khách sạn nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe, chuẩn bị cho ba ngày cũng rất kín chương trình ở Anh Quốc với nội dung rất quan trọng và đặc biệt với mối quan hệ của cả hai nước. Trên xe, Đại sứ tranh thủ báo cáo Tổng Bí thư về tình hình quan hệ hai nước và một số điểm chính trong chương trình chuyến thăm.  

kieu bao
Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng với nhân dân, kiều bào.

Khi tới gần khách sạn, đột nhiên Tổng Bí thư nói với Đại sứ: “Minh ơi, anh em có báo cáo anh, là hôm nay hơi muộn, trời lại trở lạnh, Sứ quán cơ sở vật chất xuống cấp, hệ thống sưởi không tốt, sợ anh có thể bị lạnh nếu vào gặp bà con, ảnh hưởng chương trình chính thức ba hôm tới. Tuy vậy, từ nãy đến giờ anh vẫn áy náy lắm, đã hẹn bà con mà phút chót anh lại không giữ lời, thì anh về nghỉ cũng không yên tâm. Anh vẫn muốn tới gặp gỡ bà con một lát thôi cũng được. Đại sứ thấy thế nào?”.

Không thể tả được niềm vui của bà con Việt Kiều khi bất ngờ Tổng Bí thư xuất hiện. “Đó là một cuộc hội ngộ ấm áp và đầy tình đồng bào với những cảm xúc tôi chưa từng chứng kiến” – Đại sứ Vũ Quang Minh bồi hồi. Hôm đó, Tổng Bí thư nói, “Tôi hơi bị lạnh, nhưng tới đây với bà con, ấm áp xúc động lắm, khỏe hẳn lại rồi”.

“Nếu còn điều gì mà tôi băn khoăn, thì đó là chúng tôi đã có một món quà quá giản dị tặng Tổng Bí thư. Thường thì chúng tôi sẽ tìm một món quà đặc trưng của sở tại tặng kỷ niệm lãnh đạo ta, không mang giá trị vật chất nhưng có tính biểu tượng để kỷ niệm. Tuy vậy, khi tham khảo ý kiến Trợ lý của Tổng Bí thư là anh Vũ Dũng, anh cho biết,  Tổng Bí thư đang đi một đôi giày rất cũ, đế mòn, và khó chống được cái lạnh của Châu Âu. Nếu tiện, thì Sứ quán tặng Tổng Bí thư một đôi giày đủ ấm và có đế cao su không trơn trượt để đi ngay trong chuyến thăm” – đại sứ Vũ Quang Minh chia sẻ trong niềm xúc động.

TBT kieubao campuchia
Nhân dân đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại sân bay Quốc tế Pochentong (Campuchia)

Vào tháng 7 năm 2017, Tổng Bí thư có chuyến thăm chính thức tới Vương Quốc Campuchia. Tại Sihanoukville, khi chuẩn bị phòng để tổ chức buổi gặp mặt của Tổng Bí thư với anh chị em công tác tại Tổng Lãnh sự quán và bà con, Tổng Bí thư đến sớm khi anh chị em còn đang kê dọn. Bất ngờ, Tổng Bí thư đi vào phòng và bắt tay khênh bàn ghế cùng chúng tôi trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.“Chúng tôi vẫn nói với nhau khi nhớ tới kỷ niệm không thể quên này, là mong rằng còn thật nhiều dịp được cùng Ông xắn tay kê bàn ghế cho những buổi trò chuyện ấm cúng và thân tình như trong một gia đình” – trong bài viết của mình một số năm sau đó, đại sứ Vũ Quang Minh vẫn rất bồi hồi.

Không phải chỉ trong công việc, mà trong đời sống hàng ngày, đã có rất nhiều câu chuyện chân thực về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi là một cựu học sinh giản dị về thăm trường cũ; khi là bức thư viết tay tình cảm và trân trọng của một “học trò” khiêm nhường chúc tết cô giáo đã hàng chục năm cách xa. Rất nhiều bạn bè từ thuở hàn vi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kể lại những kỷ niệm về ông trong những lần hội ngộ: Có lần các bạn báo họp lớp để chúc mừng nhân dịp ông Trọng được đề cử vào Trung ương, ông đã cẩn thận xin phép lớp vì ông đã đèo vợ bằng xe máy đến thăm thầy giáo cũ ở trường Nguyễn Gia Thiều. Một lần họp lớp khác tại Trung tâm Bảo tồn văn hóa ở phố Hàng Bông, là ngày nghỉ nên ông Trọng điện cho nhà báo vũ Huyến – bạn cùng lớp, ở gần, đến đèo ông bằng xe máy tới nơi họp. Trong cuộc họp, ông cùng trò chuyện vui đùa với anh em trong lớp. Nhà báo Trần Đình Thảo còn đùa hỏi ông “anh đã nộp quỹ lớp chưa?”. Ông mỉm cười, chưa kịp trả lời thì bà Thái Thanh trong ban liên lạc của lớp giở sổ vui vẻ thông báo: “Anh Trọng luôn luôn nộp đủ, đúng kỳ”.

Một lần cùng lớp về thăm lại nơi sơ tán cũ, khi đó ông Nguyễn Phú Trọng đã là Chủ tịch Quốc hội. Ông và vợ không đi xe riêng, mà đi cùng xe chung với lớp. Lần đó vợ chồng ông mua chiếc tivi để tặng xã sơ tán cũ, nhưng khi trao, ông bà thông báo rằng đây là quà tặng của lớp Văn 8. Lần họp lớp đúng khi ông được bầu là Tổng Bí thư Đảng, một người đề nghị chúc mừng Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng nói ngay: “Đó là nhiệm vụ được giao, còn đến họp lớp, tôi cũng chỉ như mọi anh chị em khác trong lớp”. Sau đó ông trân trọng trao túi quà cho các thầy và túi quà đóng góp cho lớp như mọi kỳ họp khác.

Một lần đến chơi nhà n h i ế p ảnh gia Vũ Huyến, nhà quay phim Vũ Dương – con trai ông Vũ Huyến, hỏi chuyện: “Tóc bác bạc trắng, chắc bác phải làm việc nhiều”. Ông Trọng mỉm cười nói vui: “Lớp bác và bố cháu, ai cũng làm việc nhiều. Nhiều người còn làm hơn bác ấy chứ. Như hồi đi học, lớp bác diễn kịch “Nổi gió”, bác Trần Đức Chính đóng Trung úy Phương, cô Hồng Duệ đóng chị Vân. Bố cháu cầm loa thông báo bà con ngồi xem trật tự, bác chỉ là người vác bình điện giúp bố cháu thôi”…

Còn rất nhiều những kỷ niệm bình dị mà xúc động của những người được làm việc, tiếp xúc và gần gũi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn còn lưu giữ và trân trọng. Mỗi câu chuyện, đều cho thấy một phong cách giản dị, khiêm nhường, chân thành, đúng mực của một con người vĩ đại với nhân cách lớn lao.

Video các ý kiến Kiều bào bày tỏ lòng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Trình duyệt của bạn không hỗ trợ.Tải về: video/mp4

Tit2

Sinh thời, trong một lần phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng xúc động khi nhắc tới tư tưởng, phong cách, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã dành trọn cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân: ”Nhà văn Nguyễn Đình Thi có viết một câu: Trên ngực áo này không một tấm huân chương, nhưng dưới làn áo mỏng này có một trái tim, sâu sắc lắm. Còn nhà thơ Tố Hữu thì đã có rất nhiều bài viết về Bác Hồ mà tôi rất thích câu ‘mong manh áo vải hồn muôn trượng, hơn tượng đồng phơi những lối mòn’… Và trong suốt cuộc đời mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là một học trò gương mẫu, tiếp bước sự nghiệp cách mạng cũng như đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong chặng đường công tác của mình, có giai đoạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Ông cũng có đầu sách viết về nghiệp vụ báo chí, và được Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp khi đó mời giảng dạy cho sinh viên.

nguoi dan
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn được nhân dân yêu quý.

Nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ là người của khoa Ngữ văn khi đó, từng kể lại: “Mỗi tuần, cứ 2 buổi, tôi ra phố chở  bằng xe đạp vào Thượng Đình để anh lên lớp. Giờ học buổi chiều là 12h30 nên 11h tôi đã ra phố Nguyễn Thượng Hiền, thi thoảng ăn bữa cơm cùng anh chị, do vợ anh, chị Mận nấu, rồi đưa anh đi.Lần đầu thấy tôi chưa kịp ăn, anh bảo: “Cứ ăn cơm cùng anh chị rồi ta vào trường cho kịp”. Tôi hỏi anh chuyện phương tiện đi lại về lâu dài thế nào thì anh nói: “Việc anh lên lớp thế này là do anh nhận lời riêng với khoa, là tư cách cá nhân. Mà đã là chuyện cá nhân thì không nên dùng xe công”.

“Tôi chở anh Phú Trọng bằng xe đạp suốt cả đợt dạy Chuyên đề báo chí với 70 tiết mỗi năm và kéo dài như vậy 2 năm liền. Một tuần 2 buổi, mỗi buổi 3 tiết, đến tận năm 1991, anh vẫn dạy”.

Sau này, khi đã ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ phong cách đó. Đi dự hội lớp đại học, không khi nào ông đi ô tô công vụ. Có chuyến họp lớp, Ông dặn ban tổ chức lớp từ chối kế hoạch đón tiếp mà địa phương hồi đó định tổ chức. Ông nói: “Tôi là cựu sinh viên về thăm bà con đùm bọc chúng tôi hồi sơ tán, đề nghị không đón tiếp linh đình”.

“Có lần, ông Nguyễn Tiến Hải, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, bạn thân của ông Nguyễn Phú Trọng ốm. Ông Nguyễn Phú Trọng công tác ở miền Nam ra liền đến thăm ông Hải ở bệnh viện bằng xe ôm do bảo vệ chở. Trước đó, Tết nào Ông cũng đến thăm ông Hải bằng xe ôm” – nhà báo Vũ Lân, kể.

Những câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa liên quan đến ông Nguyễn Phú Trọng thật giản dị và cảm động, cho thấy quan điểm rành rẽ chuyện công – tư và cũng rất nguyên tắc của một nhà báo sau này trở thành Tổng bí thư của Đảng.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội từng chia sẻ câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:  Khi đã ở cương vị lãnh đạo cao cấp, khi cưới con, Ông chỉ tổ chức  giản dị trong nội bộ gia đình và chỉ mời rất ít bạn bè chứ không mời rộng rãi. Sau đám cưới của con, ông mới gửi T h i ế p báo hỷ tới bạn bè. “Tôi cũng là một người nhận được T h i ế p báo hỷ như thế” – GS Nguyễn Minh Thuyết kể lại.

cactunglop
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gần gũi dù ở cương vị nào.

Sự liêm khiết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện trong sự tiết kiệm tài sản công khi hàng chục năm ở cương vị lãnh đạo cấp cao nhưng chỉ sử dụng một chiếc xe công vụ đã cũ, bản thân Ông khi là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, vẫn sống trong căn nhà công vụ, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Những câu chuyện chân thực và gần gũi này cho thấy, dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn giữ gìn các phẩm chất đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư” và mà Bác Hồ từng căn dặn. Tổng Bí thư đã nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Cả cuộc đời thanh bạch, liêm khiết, gương mẫu của Tổng Bí thư chính là sự thống nhất tuyệt đối với những lời tâm huyết mà ông từng chia sẻ: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Bài học sâu sắc, thấm thía này đã chạm tới trái tim của mỗi người dân Việt Nam, củng cố thêm niềm tin yêu, kính trọng của nhân dân với người chiến sĩ cộng sản mẫu mực về đạo đức cách mạng, liêm chính, chí công vô tư, với tác phong giản dị, gần gũi, sâu sát cơ sở, gắn bó, tôn trọng, lắng nghe nhân dân.

Trong một lần phát biểu, Tổng Bí thư từng trích dẫn từ tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai A.Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ…”. Đây là những lời tâm sự chân tình, sâu sắc và đầy tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng là bài học thấm thía đối với rất nhiều người.

nhay mua
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia điệu múa truyền thống cùng đồng bào dân tộc tại thôn Kon Rơ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum (năm 2017). 

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân nói: ”Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương là người lãnh đạo mẫu mực, trong sáng, có tâm, có tầm được sự kính trọng, có uy tín cao trong Đảng, trong dân và quốc tế. Đây thực sự là một tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, về tình cảm, về phẩm chất người Đảng viên cộng sản, trọn đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc”.

Viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trân trọng: “Trọn cuộc đời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn; khẳng định một nhân cách lớn, coi “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, giữ vững nguyên tắc, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân. Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng trong sáng, “chí công vô tư”, lối sống giản dị, phong cách làm việc dân chủ, tận tụy, khoa học, tôn trọng và yêu thương con người…, được cán bộ, đảng viên và nhân dân kính trọng, tín nhiệm cao, tin tưởng và yêu quý, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao”.

san
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm dự án sản xuất.

Tit3Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19/12/11967,  được Đảng giao phó nhiều trọng trách quan trọng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc chiến đấu tranh với “giặc nội xâm” tham nhũng, tiêu cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân.

dang cong san
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ ra mắt Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (Hà Nội, 1/2/2021). 

Cột mốc đáng nhớ nhất là ngày 1/2/2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị được thành lập, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Đến năm 2021, Ban Chỉ đạo đổi tên thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước. Theo đó, Ban chỉ đạo chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Sau hơn 10 năm, công tác phòng chống tham nhũng của nước ta dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên tục được thực hiện quyết liệt, với nhiều cách làm mới, có chiều sâu, đồng bộ, hiệu quả. Tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp gây bức xúc trong nhân dân đã được điều tra, đưa ra xét xử, như các đại án Vạn Thịnh Phát, Việt Á, Tân Hoàng Minh, FLC… Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ giữ vị trí chủ chốt đã bị kỷ luật Đảng và chịu trách nhiệm trước pháp luật, cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng là không khoan nhượng, không có vùng cấm. Những kết quả này được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế của toàn Đảng, toàn dân.

Đáng chú ý, theo Tổng Bí thư, cái gốc của đấu tranh chống tham nhũng là phải phòng, chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng. Đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống …”, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cho thấy sự sáng suốt, thẳng thắn của người đứng đầu tổ chức Đảng, và quyết tâm mạnh mẽ với công tác xây dựng Đảng, làm trong sạch đội ngũ. Điều này thống nhất với quan điểm: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện một cách nhân văn, bài bản và thuyết phục. Chính vì vậy, các đối tượng bị xử lý đa số đều được đã được phân tích để nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bản thân Tổng Bí thư cũng từng bày tỏ: “Chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng. Nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.

TBT nguyenphutrong
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2016 (Hà Nội, 26/3/2016). 

Trong bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân”, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã khẳng định: “Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, công tác Đảng và xây dựng Đảng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu làm rõ bản chất của Đảng, vai trò của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, về xây dựng Đảng cầm quyền từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam. Từ đó, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương chiến lược về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái, hư hỏng trong Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực đi đôi với không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh, trình độ trí tuệ, tính tiên phong, phát huy truyền thống tốt đẹp, mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân”…

Ngày 19/7/2024, trái tim nhiệt huyết với sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ngừng đập. Đồng chí đã cống hiến tới hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho Đất nước, cho Nhân dân, là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng; suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Những thành tựu lớn, những dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp cách mạng mà Tổng Bí thư để lại, mãi là di sản quý báu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Cuộc đời cách mạng vẻ vang, trong sạch của Tổng Bí thư là tấm gương sáng, để mỗi cán bộ, Đảng viên, mỗi quần chúng nhân dân soi vào, cảm phục và học hỏi. Thực hiện tâm nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nguyện đoàn kết một lòng, tiếp nối sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố sự trong sạch, lành mạnh đội ngũ cán bộ Đảng viên, gia tăng sức mạnh của Đảng, bồi đắp thêm niềm tin và sự gắn bó giữa Đảng và Nhân dân, tạo sức mạnh toàn diện để thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Hạt nhân lãnh đạo, Người Cộng sản kiên cường:

Trình duyệt của bạn không hỗ trợ.Tải về: video/mp4

Bài: P.T.HẢnh: TTXVN; Video: VnewsTrình bày: Nguyễn Hà

20/07/2024 05:20