Phục dựng lễ hội để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc

68

baokontum.com.vn

18/01/2024 06:01

Về thôn Hào Phú, xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) vào những ngày cuối năm, nhân dân địa phương và du khách được đắm mình trong những nét văn hóa đặc sắc của lễ hội mừng cơm mới được dân tộc Mường nơi đây tái hiện và phục dựng.

170941To%C3%A0n%20c%E1%BA%A3nh%20ph%E1%BA%A7n%20l%E1%BB%85%20c%C3%BAng

Toàn cảnh phần lễ cúng. Ảnh: MV

 

Theo nghệ nhân Đinh Văn Thiệu (56 tuổi, ở thôn Hào Phú), lễ mừng cơm mới của người Mường ở thôn Hào Phú tổ chức hằng năm vào tháng 9 hoặc tháng 10 (âm lịch) với nhiều nghi thức độc đáo và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho nhân dân có mùa màng tươi tốt và cầu mong cho mùa vụ mới được bội thu. Con cháu gặt lúa về làm mâm cơm mới, cùng với chút lễ vật mời thần linh và tổ tiên về hưởng lộc, phù hộ cho dân năm mới mùa màng bội thu.

“Tuy xa quê nhưng chúng tôi vẫn muốn lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mường từ tỉnh Hòa Bình vào cao nguyên Kon Tum. Vì thế, cứ vào thời điểm tháng 9 hoặc tháng 10 (âm lịch), người dân trong thôn Hào Phú lại tất bật chuẩn bị ngày lễ mừng cơm mới. Những ngày này lại rộn ràng hẳn lên bởi không khí lễ hội. Từ các cụ cao niên đến nam thanh, nữ tú đều hồ hởi tập luyện các nghi lễ, nghi thức và các tiết mục văn nghệ đặc sắc phục vụ cho buổi lễ diễn ra trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường, thu hút được sự quan tâm của người dân, du khách”- ông Thiệu chia sẻ.

Theo quan niệm của người Mường xưa, sau khi lúa được đưa về nhà, gạo mới nấu thành cơm phải đem cơm đó cúng ông bà tổ tiên trước, sau đó mới được ăn. Ở các tỉnh phía Bắc, người Mường bắt đầu cho nghi lễ mừng cơm mới bằng việc đi rước vía lúa về nhà. Mỗi hộ gia đình tới ruộng nhà mình cắt và tết các ngọn lúa lại thành một bó nhỏ đem về treo ở đầu cột trong nhà, nơi cạnh bàn thờ tổ tiên. Sau phần này, mọi người trong nhà mới được ra đồng gặt lúa. Đến khi lúa thu hoạch xong, vào tháng 10 (âm lịch) họ bắt đầu làm mâm cỗ cúng. Phụ nữ Mường sẽ mặc trang phục truyền thống để giã gạo cùng tiếng chiêng, tiếng trống âm vang trong lễ mừng cơm mới.

Khi di cư vào Kon Tum, nhiều thủ tục được giảm bớt và lễ mừng cơm mới cũng ít đi phần lễ như ngoài Bắc. Người Mường ở thôn Hào Phú không thực hiện nghi lễ đi rước vía lúa mà chỉ làm lễ cúng cơm mới khi mùa màng đã thu hoạch xong.

Trong năm nay, thôn Hào Phú phục dựng lễ mừng cơm mới gồm 3 phần: Phần 1 là hòa âm cồng chiêng sắc bùa; phần 2 là chày lúa, giã gạo, nấu cơm, cúng lễ và phần cuối là múa xòe, hát ví Mường – mừng lúa mới.

Mở đầu lễ hội là phần hòa âm cồng chiêng sắc bùa (nghĩa là xách cồng) của đội cồng chiêng nữ thôn Hào Phú. Tiếp theo, người chủ trì lễ hội mang bông lúa đã phơi chín đem để những người phụ nữ tuốt ra hạt lúa và đưa vào cối giã thành gạo. Sau đó, đem gạo nấu chín để dâng lên mâm cúng. Mâm cúng gồm cơm chín hoặc xôi, thịt gà, rượu cần men lá, rau rừng…

Khi mâm cúng đã chuẩn bị xong, thầy mo hoặc các bậc cao niên, người có uy tín trong thôn am hiểu sẽ tiến hành làm lễ. Thầy mo thực hiện các nghi lễ bày tỏ lòng biết ơn với trời đất, tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu tổ tiên phù hộ cho mùa màng tiếp theo được thuận lợi.

Trong lúc thầy mo đang làm lễ, lần lượt 6 phụ nữ ngồi quanh thầy mo, mỗi người cầm 2 ống nứa để đâm ống (chạm ống vào sàn đất) tạo âm thanh vang rộn. Chị Xa Bùi Thị Hoan (46 tuổi, ở thôn Hào Phú) vui vẻ nói: “Theo người Mường xưa, tiếng ống chạm sàn đất càng vang, rộn ràng thì năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”.

Sau khi phần lễ cúng kết thúc, các thành viên tham gia lễ hội sẽ quây quần bên nhau cùng thưởng thức đồ ăn trên mâm cúng và uống ượu. Sau đó, họ sẽ cùng thể hiện điệu múa xòe, hát ví Mường- mừng cơm mới trong sự vui vẻ, hân hoan sau những ngày tháng lao động vất vả và mong chờ một mùa vụ bội thu sắp tới.

171151Sau%20ph%E1%BA%A7n%20l%E1%BB%85%20l%C3%A0%20nh%E1%BB%AFng%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20%C4%91%C3%A0n%20%C3%B4ng,%20ph%E1%BB%A5%20n%E1%BB%AF%20s%E1%BA%BD%20m%C3%BAa%20s%E1%BA%A1p%20trong%20kh%C3%B4ng%20kh%C3%AD%20vui%20v%E1%BA%BB,%20h%C3%A2n%20hoan

Sau phần lễ, mọi người múa sạp trong không khí vui vẻ, hân hoan và quây quần cùng nhau ăn xôi, uống rượu. Ảnh: MV

 

Theo ông Bùi Quốc Hùng (65 tuổi) – người uy tín thôn Hào Phú, lễ hội mừng cơm mới cũng là dịp để con cháu đi làm ăn xa trở về sum họp hoặc quây quần bên gia đình, tạo sự gắn kết cộng đồng trong thôn. Do đó, người dân thôn Hào Phú luôn giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của ông cha để lại, giáo dục con cháu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

“Lễ hội mừng cơm mới năm 2023 được tổ chức nhằm khôi phục, tái hiện, lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần và tâm linh của nhân dân trong vùng. Tạo không khí vui tươi, lành mạnh và quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường thôn Hào Phú nói riêng, người Mường ở xã Đăk Kan nói chung. Hằng năm, hoạt động phục dựng lễ hội dân tộc Mường nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch trong tương lai”- ông Hùng cho hay.

Theo dõi phần nghi lễ, hòa mình vào các chương trình văn nghệ, các bậc cao niên và thế hệ trẻ ở thôn Hào Phú đều hồ hởi, phấn khởi. Niềm vui như lan tỏa tới mỗi người Mường nơi đây và họ vững tin vào một năm mới với nhiều điều tốt đẹp. Em Bùi Văn Đức (12 tuổi, ở thôn Hào Phú) hào hứng nói: “Lần đầu tiên em được tận mắt xem lễ hội mừng cơm mới của dân tộc mình. Trước đó em chỉ được cha, mẹ kể. Nay theo dõi, em thấy rất độc đáo và thú vị. Em mong muốn thôn mình sẽ tổ chức phục dựng, tái hiện nhiều lễ hội truyền thống để những người trẻ như em được hiểu và bảo tồn, duy trì nét đẹp văn hóa này”.

Ông Bùi Quang Triệu – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kan cho biết, hằng năm cứ đến tháng 10 (âm lịch), thôn Hào Phú lại tổ chức lễ hội mừng cơm mới. Đây là lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc Mường, thể hiện tín ngưỡng phồn thực. Thông qua các nghi lễ của lễ hội phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, tại lễ hội sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, ẩm thực và các trò chơi dân gian của người Mường.

“Việc phục dựng lại các lễ hội góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân tộc Mường ở xã, từng bước tôn tạo, bảo tồn các nét đẹp văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân Mường nơi đây. Thời gian tới, xã Đăk Kan tiếp tục duy trì, tổ chức một số lễ hội, ngày hội đã được phục dựng; chú trọng các lễ hội truyền thống có nguy cơ mai một, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tự nguyện, tích cực hưởng ứng thực hiện khôi phục, duy trì lễ hội của người Mường tại địa phương”- ông Triệu cho biết thêm.

Mai Vàng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/phuc-dung-le-hoi-de-bao-ton-van-hoa-truyen-thong-cua-dan-toc-36907.html