Hiện thực hóa ước mơ đến trường của trẻ em khuyết tật

9

baotintuc.vn
Chú thích ảnh
Một giờ học của học sinh khuyết tật khiếm thính khối 2-3, Trung tâm Phục hồi chức năng giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Bảo đảm mọi trẻ em khuyết tật được tiếp cận giáo dục

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em vào năm 1989 và là thành viên thứ 118 ký Công ước quốc tế về Quyền của Người khuyết tật vào năm 2007.

Trẻ em khuyết tật tại Việt Nam ngày càng được pháp luật bảo vệ, được sống, chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi chức năng và hưởng các chính sách phúc lợi, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm. Vị trí, vai trò của người khuyết tật nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Luật pháp Việt Nam cũng tiến gần hơn với chuẩn mực quốc tế về quyền của trẻ em khuyết tật.

Thời gian qua, hàng loạt chính sách, đề án, chương trình đã được Đảng, Nhà nước ban hành, sửa đổi để xây dựng hành lang pháp lý, đảm bảo, thúc đẩy thực thi hiệu quả các quyền của trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng. Sự ra đời của Luật Người khuyết tật năm 2010 đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa vị của trẻ em khuyết tật trong xã hội, thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em, bao gồm trẻ em khuyết tật. Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nền tảng nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về Quyền trẻ em. Các chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, học nghề, giải quyết việc làm, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cũng được Đảng, Nhà nước ban hành để hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tại cộng đồng.

Để triển khai các chính sách và đề án cho trẻ em khuyết tật, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan hữu quan đã ban hành nhiều công văn, quyết định, kế hoạch hướng dẫn các địa phương, cơ sở và tổ chức thực thi chính sách; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo số liệu thống kê, tính đến 31/12/2023, cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 28,3%, tương đương gần 2 triệu trẻ em. Đa số các em bị khuyết tật đều trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hầu hết trẻ khuyết tật dưới 17 tuổi, mang những khiếm khuyết về vận động, thính giác, ngôn ngữ, thị giác, trí tuệ… đều đến từ các hộ nghèo đa chiều, sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Những con số này cho thấy một thực tế rằng: việc tiếp cận tri thức là một ước mơ không dễ dàng đối với trẻ khuyết tật đặc biệt là trẻ khuyết tật ở vùng nông thôn, khó khăn. Việc đảm bảo tất cả trẻ em khuyết tật được tiếp cận giáo dục và hòa nhập xã hội là một mục tiêu không thể thiếu khi hướng tới sự phát triển bền vững. Dù đối mặt với những hạn chế về thể chất, các em vẫn luôn khao khát học hỏi, hòa mình vào cuộc sống và sống một cuộc đời trọn vẹn. Các em rất cần sự hỗ trợ từ xã hội để có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, giúp vượt qua rào cản khuyết tật, tự do khám phá và hòa nhập với cộng đồng.

Thực hiện ước mơ, khẳng định bản thân và được cống hiến

Chủ tịch Quỹ Vì trẻ em Khuyết tật Việt Nam Dương Thị Bích Diệp cho biết, với trẻ khuyết tật, cơ hội được tiếp cận với tri thức, được đi học còn đáng giá và quan trọng hơn gấp ngàn gấp vạn lần vì đó chính là cánh cửa duy nhất để các em bắt đầu hòa nhập với cuộc sống, để ước mơ và thực hiện ước mơ, để khẳng định bản thân và được cống hiến.

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Quỹ vì Trẻ em khuyết tật Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 phát động Chương trình “Tiếp sức trẻ khuyết tật đến trường” nhằm vận động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, nhân dân cả nước cùng chung tay ủng hộ, gây quỹ tặng 1.000 phần quà cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, có khả năng và mong muốn đi học thuộc 10 tỉnh biên giới vùng cao: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk, Đăk Nông hiện thực hóa ước mơ được đi học trong năm học mới 2024 – 2025. 1.000 phần quà trao tận tay trẻ khuyết tật là 1.000 cánh cửa tri thức dẫn bước các em đến trường.

Đây là chương trình định kỳ hàng năm và hỗ trợ xuyên suốt, lâu dài cho các em khuyết tật là đối tượng thụ hưởng của chương trình từ lúc đi học cho tới lúc chuẩn bị học nghề và tự lực làm kinh tế nuôi bản thân trong tương lai.

Năm 2024, mục tiêu của chương trình hướng tới 1.000 trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại 10 tỉnh biên giới, mỗi em sẽ nhận được phần hỗ trợ trị giá 2 triệu đồng cùng trang thiết bị hỗ trợ nếu có để tiếp sức, trang trải học phí, sinh hoạt phí và đồ dùng học tập của năm học 2024 – 2025.

Món quà trên nhằm giúp các em đóng học phí hoặc mua trang thiết bị và sinh hoạt phí trong quá trình học tập của năm học 2024 – 2025. Trẻ thuộc đối tượng hỗ trợ của chương trình là các trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học, có khả năng và mong muốn đi học, có giấy chứng nhận hộ nghèo/cận nghèo của địa phương nơi trẻ sinh sống hoặc xác nhận của trường nơi trẻ đang học tập.

Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại Giao Nguyễn Đồng Anh cho biết: Đây là một chương trình rất có ý nghĩa đối với cộng đồng. Trong quá trình giúp đỡ mọi người thì bản thân mỗi người sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, có giá trị hơn.

Ngoài ra, chương trình cũng nỗ lực để xây dựng một hệ thống dữ liệu đầy đủ số hóa các thông tin của trẻ khuyết tật toàn quốc nói chung, trẻ khuyết tật thụ hưởng chương trình nói riêng nhằm xây dựng phương án hỗ trợ tốt nhất cho hành trình tiếp cận tri thức của các em.

“Cùng nhau, chúng ta có thể giúp ước mơ đi học của các em nhỏ khuyết tật trở thành hiện thực. Cùng nhau, chúng ta sẽ tiếp sức cho các em mở ra cánh cửa tri thức, mở ra cánh cửa của tương lai và tạo nên thành tựu góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh” – Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao kêu gọi.