17/03/2021 06:04
Hàng ngày, ngoài những lúc trông cháu, vợ chồng ông A Hùng (57 tuổi) và bà Y Mưk (58 tuổi) ở làng du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) tranh thủ đan lát và dệt thổ cẩm. Không chỉ vậy, ông bà còn tích cực truyền dạy nghề cho các con mình để có sản phẩm bán cho du khách, tăng thêm thu nhập và góp phần gìn giữ nghề truyền thống mà cha ông để lại.
Ông A Hùng sinh ra và lớn lên ở làng Kon K’tu, còn bà Y Mưk thì ở làng Tơ Ver, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai). Năm 1987, ông bà kết hôn và được gia đình bên nội dựng cho một căn nhà nhỏ trong vườn để ở. Dù điều kiện lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn nhưng ông A Hùng và bà Y Mưk vẫn giữ nghề truyền thống của dân tộc. Ngoài thời gian đi làm rẫy, hễ có thời gian rảnh là hai vợ chồng lại ngồi đan những chiếc gùi, cái nia và dệt những tấm áo, tấm vải, chiếc khăn vừa để dùng vừa tặng cho cha mẹ và người thân trong gia đình, số còn lại thì mang đi bán để tăng thêm thu nhập.
Một thời gian sau, ông bà được cha mẹ cho mảnh đất và dựng được ngôi nhà sàn khang trang. Ngôi nhà cách nhà rông của làng Kon K’tu không xa và có khu vườn nằm cạnh bờ sông Đăk Bla. Cuộc sống của gia đình ông bà cứ thế trôi qua yên bình giống như dòng chảy của sông Đăk Bla.
Thấm thoát đã hơn 30 năm ông A Hùng và bà Y Mưk sinh sống cùng nhau. Ngôi nhà sàn, khung cửi dệt thổ cẩm hay những vật dụng dùng để đan lát đều đã cũ. Giờ đây, sức khỏe không còn như trước, chân tay không nhanh nhẹn nhưng dẫu vậy đôi tay của ông A Hùng vẫn còn rất khéo, vót le và đan lát rất nhanh; còn bà Y Mưk mắt vẫn còn rất tinh, có thể thêu và dệt được những hoa văn cầu kỳ, phức tạp.
Gian phòng khách chỉ có 2 ô cửa sổ. Ông bà mỗi người ngồi bên 1 ô cửa, tận dụng ánh sáng tự nhiên hắt vào để đan lát và dệt thổ cẩm. Hai người vừa trò chuyện vừa làm, nhờ vậy tình cảm vợ chồng ngày càng khăng khít hơn.
Ông A Hùng và bà Y Mưk giới thiệu nghề đan lát cho khách du lịch. Ảnh: Đ.T
Sinh ra trong gia đình truyền thống, các con của ông A Hùng và bà Y Mưk đều chăm ngoan, chịu khó học nghề do ông bà truyền lại. Ngày xưa, khi ông A Hùng đi rừng chặt cây le, cây mây về để đan lát hay bà Y Mưk đi qua làng khác tìm mua những sợi chỉ, sợi len về để dệt thổ cẩm, thì những người con đều đi cùng để phụ giúp ông bà và để học hỏi kinh nghiệm.
Hiện nay, để đỡ đần cha mẹ, mặc dù đã lấy vợ, lấy chồng và có gia đình riêng, nhưng những người con vẫn thường xuyên đi tìm kiếm và tìm mua vật liệu để về đưa cho ông bà duy trì nghề. Không chỉ vậy, người con trai của vợ chồng ông A Hùng còn vào rừng lấy cây le giống mang về trồng trong vườn nhà vừa để giữ gìn đất, tạo bóng mát vừa để có vật liệu để đan lát sau này.
Được cha mẹ truyền nghề, hiện các con ông đều biết đan lát, dệt vải và vẫn giữ nghề truyền thống, vì vậy cuộc sống của những người con đã lập gia đình cũng đỡ vất vả, có đồng ra đồng vào nhờ bán sản phẩm cho khách du lịch hoặc làm theo các đơn đặt hàng của khách.
Với 3 người con còn lại đang đi học và sống chung với ông bà, ngoài phụ giúp việc nhà, 3 người này cũng tham gia, phụ giúp ông bà trong việc đan lát và dệt thổ cẩm. Tất cả các sản phẩm đan lát và thổ cẩm được làm ra, ông A Hùng và bà Y Mưk đều cất và treo gọn gàng ở trong tủ hoặc ở góc nhà để tiện giới thiệu và bán cho khách. Những người con đã lập gia đình cũng đem sản phẩm đến để ông bà bán hộ.
Gắn bó với nghề và truyền dạy các con từ nhỏ, bà Y Mưk biết rõ sản phẩm nào là của người con nào làm ra. “Tấm vải này là của Y Mé, con gái thứ 2 của tôi dệt này! Chỗ hoa văn này là của Y Mẫu,con gái thứ 3 của tôi thêu này! Còn chiếc gùi là của Y Manh, con gái thứ 7 của tôi đan này! Y Manh giỏi lắm, nó vừa biết dệt, biết thêu và biết cả đan lát nữa!”, bà Y Mưk vừa chỉ tay vào các sản phẩm vừa tự hào nói.
Bà Y Mưk truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho con gái. Ảnh: Đ.T
Bà Y Mưk cũng khoe rằng, mỗi khi ông bà bán giúp các con được một cái khăn hay một chiếc gùi, các con đều biếu cho ông bà một ít để chi tiêu trong cuộc sống. Thấy các con hiếu thảo, ông bà đều cảm thấy rất hạnh phúc.
Vài năm trở lại đây, làng Kon K’tu đón nhiều khách đến tham quan, nên việc đan lát và dệt thổ cẩm của gia đình ông A Hùng và bà Y Mưk trở nên bận rộn hơn. Bà Y Mưk cũng may thêm trang phục truyền thống của dân tộc Ba Na để bán cho khách. Mỗi khi có đơn đặt hàng lớn, bà Y Mưk lại gọi các con gái của mình qua cùng tham gia làm. Những lúc như vậy, ngôi nhà sàn của ông bà lại trở nên nhộn nhịp và rộn rã tiếng cười.
Không chỉ gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc, ông A Hùng và bà Y Mưk còn tích cực góp phần phát triển du lịch cộng đồng cho làng. Hiện nay, mỗi khi có khách du lịch ghé thăm nhà, ông bà đều cởi mở, thân thiện, giới thiệu những nét đẹp văn hóa về nghề truyền thống của dân tộc Ba Na và hướng dẫn tận tình cho những khách muốn trải nghiệm việc đan lát hay dệt thổ cẩm. Việc làm đó đã tạo sự thích thú và để lại nhiều ấn tượng đẹp cho du khách.
ĐỨC THÀNH
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/gia-dinh-ba-na-giu-nghe-truyen-thong-18124.html