Đình làng cổ giữa lòng phố núi Kon Tum

310

27/08/2019 13:06

Nhắc đến hai tiếng Kon Tum, nhiều người con đi xa thường nhớ về một Làng Hồ thơ mộng nằm bên dòng sông Đăk Bla chảy ngược với tiếng cồng, tiếng chiêng trải dài mênh mang và những mái nhà rông cao vút… Nhưng, ít ai biết rằng, ngay giữa lòng phố núi ấy còn lưu giữ những nét văn hóa mộc mạc của làng quê đồng bằng vốn gắn liền với cây đa, bến nước, sân đình… Qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian và biến cố của lịch sử, nhiều đình làng cổ ở Kon Tum vẫn được người dân nơi đây giữ gìn và lưu truyền cho hậu thế.

Theo phong tục của những người dân miền xuôi, đình làng vốn là nơi thờ thành hoàng làng, hoặc việc thờ cúng các vị thần theo sắc phong của vua chúa thời phong kiến. Đình làng còn là ngôi nhà lớn của cộng đồng, là nơi hội họp, tế lễ của làng. Vì vậy, đình làng đã trở thành một nơi thân quen gần gũi, là nơi che chở, là điểm tựa tâm linh của những người dân làng quê Việt Nam.

Những đình làng cổ ở phố núi Kon Tum

Theo chân những cuộc di cư của người Kinh ở miền xuôi lên Tây Nguyên lập nghiệp, những làng quê dần được hình thành trong lòng Làng Hồ. Giữa những nếp nhà ba gian mái ngói, những mái đình làng được dựng lên như một hình ảnh quen thuộc về làng quê, xóm cũ chốn đồng bằng.

Theo dấu tích thời gian, các mái đình làng như: Trung Lương, Võ Lâm, Lương Khế… đã trở thành điều giản dị, gắn bó cuộc sống của biết bao người dân phố núi Kon Tum. Nhớ về những mái đình ấy là nhớ về một vòm cây cổ thụ tỏa bóng râm mát, là nhớ về hồ sen và một khoảng sân rộng vẫy gọi bầy chim về làm tổ.

Đình Trung Lương (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) có bề dày lịch sử trên 140 năm, là ngôi đình xuất hiện đầu tiên ở Kon Tum. Sự xuất hiện của ngôi đình này gắn liền với ngôi làng cổ Trung Lương.

Đình làng cổ giữa lòng phố núi Kon Tum Đình Trung Lương (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) được xây dựng cách đây 140 năm. Ảnh: VH

 

Theo lời kể của ông Quách Vĩnh Kinh (90 tuổi), Trưởng Ban trị sự đình Trung Lương cho biết: Năm 1879, nhiều người ở Bình Định lên Kon Tum lập nghiệp. Để có nơi sinh hoạt chung, họ bắt đầu xây dựng ngôi đình này. Những ngày đầu, đình được xây dựng bằng tranh, tre, nứa, lá để thờ Thành hoàng Bổn Cẩn.

Lâu dần, cuộc sống người dân khấm khá, với sự đóng góp của bà con, đình làng Trung Lương được xây dựng lại vào năm 1917 bằng gạch, ngói khang trang. Hơn một thế kỷ qua, sau nhiều lần tôn tạo, kiến trúc của đình vẫn được giữ nguyên.

Không chỉ có giá trị về văn hóa và tâm linh, đình Trung Lương còn lưu giữ những hiện vật mang giá trị về lịch sử và văn hóa có hàng trăm năm tuổi như: chiếc mõ gỗ có từ năm 1879, 1 giá để chiêng, 1 tấm hoành phi và 2 giá bát bộ khoảng 100 năm tuổi…

“Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, muốn sửa chữa hay tôn tạo đình Trung Lương, Ban Quản lý đình họp bà con trong làng thống nhất, rồi xin chủ trương của Nhà nước. Kinh phí xây dựng thì Nhà nước và nhân dân cùng chung tay. Đến năm 2007, đình Trung Lương được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh” – ông Quách Vĩnh Kinh cho biết thêm.

Xuất hiện muộn hơn đình Trung Lương, đình Lương Khế (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) đến nay cũng có niên đại trên 100 năm.

1566886141 646 Đình làng cổ giữa lòng phố núi Kon Tum Di tích lịch sử – Văn hóa đình Lương Khế (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum). Ảnh: VH

 

Theo lời kể của các vị cao niên ở đây và một số tài liệu lưu giữ tại đình Lương Khế hiện nay, cư dân đầu tiên của làng có mặt ở Kon Tum vào giữa năm 1894. Họ đến từ Phủ Bình Khê và Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) theo Quốc lộ 19 vượt đèo An Khê, đèo Mang Giang (tỉnh Gia Lai) đến dừng chân bên dòng sông Đăk Bla để khai khẩn, lập làng mới.

Gắn liền với làng Lương Khế là ngôi đình có tên gọi giống tên làng. Ban đầu, người dân chỉ xây dựng như một ngôi miếu nhỏ. Thể theo nguyện vọng của những cư dân đầu tiên, vào năm 1913, dân làng đã góp sức xây dựng nên đình Lương Khế để thờ cúng thành hoàng, thờ vua Hùng và thờ các bậc tiền hiền thủy tổ.

Được xây dựng khá lâu sau đình Trung Lương và đình Lương Khế, nhưng đình Võ Lâm (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) vẫn giữ nét kiến trúc hình chữ “Đinh” với các gian như: tiền đường, chánh điện, nhà thờ tiền hiền và nhà nhóm.

Theo sách “Kon Tum – di tích và danh thắng”, đình Võ Lâm được xây dựng năm 1935 với diện tích 1.000m2. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng, thờ tự âm linh cô bác, thổ thần, thổ địa… nhưng về sau làm nơi thờ tự những vị tiền hiền khai khẩn đất đai và nay là nơi thờ Thành hoàng làng Võ Lâm là Quản đạo Võ Chuẩn. Cái tên Võ Lâm cũng bắt nguồn từ họ Võ của vị Quản đạo này nhằm để nhớ ơn người đã có công mở rộng vùng đất và chữ “Lâm” có nghĩa là rừng nhằm mô tả về Kon Tum những ngày mới thành lập được vây quanh bởi rừng.

Giữ gìn bản sắc văn hóa đình làng cổ

Sự hiện hữu của những ngôi đình làng cổ hiện nay với những giá trị lịch sử và văn hóa của nó có ý nghĩa rất lớn trong tiến trình lịch sử xây dựng vùng đất phố núi Kon Tum.

Những ngôi đình làng cổ góp phần đánh dấu sự giao thoa, hội nhập văn hóa của người Kinh trong nền văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Kon Tum. Với những giá trị quan trọng đó, UBND tỉnh đã lần lượt công nhận đình Trung Lương, đình Võ Lâm và đình Lương Khế là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh.

Ngoài việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể, thì văn hóa phi vật thể như những nghi thức cúng tế tại các đình làng cổ này hiện nay vẫn được người dân duy trì và bảo tồn.

Trong những nghi lễ đó, lễ tế Xuân là một trong những lễ tế lớn nhất trong năm, lần lượt được các làng tổ chức tại đình làng với những nghi thức vừa có tính văn hóa, vừa có tính tín ngưỡng dân gian đặc sắc và phong phú.

1566886141 43 Đình làng cổ giữa lòng phố núi Kon Tum Lễ tế thần ở đình Võ Lâm, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum. Ảnh: VH

 

Việc tổ chức lễ tế Xuân tại các đình làng nói trên ở phố núi Kon Tum bắt đầu từ ngày 9-15/2 âm lịch hàng năm. Người xưa chọn những ngày này để tế Xuân bởi theo lịch nông vụ, đây là thời điểm người dân đã thu hoạch xong lúa vụ đông xuân, nhưng chưa vào vụ mùa mới, nên người dân rảnh rỗi.

Tuy khác nhau về ngày tế lễ, nhưng nghi thức cúng tế trong các đình làng cổ này cơ bản giống nhau. Lễ tế Xuân thường được thực hiện từ 22h của ngày hôm trước cho đến 1h sáng của ngày hôm sau, bao gồm: lễ tế thần, tế cô hồn và lễ tế tiền hiền…

Việc lễ tế Xuân tại các đình làng cổ này được chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Trong đó, toàn bộ đình làng và khuôn viên được dọn dẹp và treo cờ hội. Vật phẩm hiến tế trong lễ cúng đình ngoài hương, đăng, trà, quả, rượu… còn có bò hoặc heo và vật hiến tế ấy phải đảm bảo yêu cầu toàn sắc, toàn sinh.

Bước vào lễ tế Xuân, trong nghi lễ trang nghiêm, khói hương trầm mặc, vị chủ tế uy nghi đĩnh đạc trong lễ phục áo dài, khăn đóng thay mặt dân làng làm lễ.

Lễ đầu tiên thường là lễ nghênh thần mang ý nghĩa đưa vị thần bảo hộ đến thăm làng, chứng kiến đời sống sinh hoạt của toàn dân trong làng, sau đó là lễ tế thần. Chịu trách nhiệm chính của buổi lễ cúng là người chủ tế, có sự giúp sức của bồi tế. Toàn bộ nghi thức hành lễ đều theo lệnh của hai người chủ xướng đứng hai bên hương án kế cận vị chủ tế.

Bắt đầu vào lễ, người chủ tế đến dâng lễ trước bàn thờ, rồi lần lượt Ban quản trị thay nhau vào lễ. Sau khi đánh 3 hồi trống gỗ và 3 hồi chiêng mõ, nhạc lễ nổi lên và lễ dâng hương, chước tửu, tiệm trà bắt đầu. Hương và rượu đã được dâng, ban lễ tế cùng quỳ xuống để đọc văn tế trong âm hưởng trầm bổng của nhạc lễ.

Sau lễ tế thần là lễ cúng tiền hiền, lễ cúng cô hồn… Các nghi thức có phần đơn giản hơn nhưng cũng hết sức long trọng.

Sau phần lễ là phần hội. Theo dấu ấn của thời gian, việc mời đoàn hát về chung vui với hội làng đã được lược bỏ, thay vào đó, phần hội là phần những người dân sống quanh đình làng, những người con xa quê có dịp quây quần, tề tựu bên sân đình cùng ăn uống và chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Thái Sơn – Trưởng Ban Quản lý đình Võ Lâm chia sẻ: Mục đích lễ tế Xuân cũng không có gì hơn là cầu an trong bổn làng được bình an vô sự, không xảy ra chuyện gì. Đình làng nào cũng tế thần để nhớ công lao tiền hiền, tiền bối để tưởng nhớ các vị đã có công lập làng, đồng thời để lớp cháu con tiếp nhận. Cứ như vậy, năm nào làng cũng đều tổ chức…

Rằm tháng Bảy âm lịch tuy không phải là lễ trọng trong năm, nhưng Ban quản lý các đình làng nói trên vẫn tổ chức tế lễ mong cho “mưa thuận, gió hòa” và cầu cho “quốc thái, dân an”…

Cùng với những công trình văn hóa, lễ hội của các DTTS như: Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng… ở “phố núi”, thì sự tồn tại của những ngôi đình làng cổ và việc duy trì lễ cúng đình làng, tế Xuân của người Kinh có nhiều ý nghĩa đặc biệt; vừa giáo dục truyền thống và lịch sử, lại vừa củng cố mối dây liên lạc thiêng liêng giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng.

Và trên tất cả, trong không khí sôi động của một đô thị trẻ, những mái đình làng cổ giữa lòng phố núi Kon Tum như một chốn bình yên, tĩnh lặng, để từ đó những người con sinh ra từ làng có một nơi chốn nhớ thương, khi đi xa đồng vọng hướng về…

Vĩnh Hà

Đi tới nguồn bài viết