Dấu ấn tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum

6

baotintuc.vn
Chú thích ảnh
Cán bộ BHXH tỉnh Kon Tum tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân vào buổi tối. 

Có gần 519.000 người tham gia Bảo hiểm y tế, tăng gần 13.600 người so với cùng kỳ. Để đạt được kết quả trên, có sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên của Bảo hiểm xã hội tỉnh, nhất là khi tỉnh Kon Tum có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm tới hơn 54%.

Linh động giờ tiếp xúc với dân

Thời gian làm việc tại cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum kết thúc lúc 17 giờ. Sau giờ làm, bà Hoàng Thu Thủy, Phó trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum lại cùng với các đồng nghiệp chuẩn bị cho việc xuống các thôn, làng để tuyên truyền cho bà con về chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Nơi các cán bộ truyền thông của Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum lựa chọn là thôn Rơ Wăk, xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum.

Hành trang mà các cán bộ truyền thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh mang theo là tờ rơi, pano, áp-phích về chính sách bảo hiểm xã hội. Quan trọng hơn cả, họ mang theo những kiến thức, tinh thần, trách nhiệm, nhiệt huyết của người cán bộ tuyên truyền. Thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với người dân thường sẽ diễn ra từ 17 giờ 30 phút đến 20 giờ. Mọi người có thể thực hiện độc lập hoặc phối hợp với hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ để triển khai tuyên truyền.

“Mỗi tháng, phòng Truyền thông sẽ xuống các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số tuyên truyền cho bà con về chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội khoảng 5 đến 6 lần. Phòng tôi chủ yếu là chị em phụ nữ, cũng phải lo cho gia đình, con cái, nhưng chúng tôi cũng cố gắng sắp xếp việc gia đình và công việc đi tuyên truyền sao cho hợp lý, đảm bảo, mục tiêu là đưa chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đến với từng gia đình của bà con”, bà Thủy chia sẻ.

Ông A Chinh, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng thôn Rơ Wăk cho biết, thôn có 350 hộ với 1.600 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Rơ Ngao (nhánh của người Bahnar). Buổi sáng, bà con thường bận công việc trên nương, rẫy nên đi làm. Buổi tối, được sự hướng dẫn, hỗ trợ thông tin từ các cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh, nhận thức của bà con về chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đã được nâng lên.

“Bà con trong thôn hiểu được quyền lợi từ thẻ Bảo hiểm y tế, mỗi khi đau ốm đến các cơ sở y tế để điều trị sẽ giảm được phần lớn chi phí. Đến nay, thôn đã có khoảng 250 hộ tham gia Bảo hiểm y tế, với hơn 700 nhân khẩu. Khi đi thăm khám, bà con không còn quá lo lắng về chi phí nên chất lượng sức khỏe của người dân trong thôn cũng được nâng lên”, ông A Chinh nói.

Cùng với các cán bộ truyền thông của Bảo hiểm xã hội, các nhân viên thu hộ thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến với người dân. Chị Lê Thị Ngọc Lan, nhân viên thu hộ tại xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum được giao nhiệm vụ thu hộ tại địa bàn xã. Nắm bắt được thói quen làm nương, rẫy của bà con, cứ tối đến, chị Lan lại phối hợp với các Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

“Là viên chức nhà nước, sau giờ làm, tôi lại xuống các thôn, làng để tuyên truyền. Có khi ăn tạm được chút gì, có hôm chỉ kịp uống cốc nước. Khi thấy bà con hiểu được chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là tôi vui quên cả mệt. Nhiều lần buổi tối đang ở nhà, nghe Bí thư Chi bộ hay Trưởng thôn gọi xuống vì có người tham gia bảo hiểm là tôi lại đi gặp người dân luôn”, chị Lan tâm sự.

Cải thiện nhận thức cho người dân

Chú thích ảnh
Cán bộ BHXH tỉnh Kon Tum tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân vào buổi tối. 

Theo ông A Phếu, Trưởng thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết cho biết, thôn có 214 hộ với hơn 700 khẩu, là người dân tộc thiểu số Bahnar, J’Rai và Xê Đăng. Nhờ có sự hỗ trợ tận tình của cán bộ truyền thông và nhân viên thu hộ bảo hiểm xã hội, bà con trong thôn đã hiểu rõ những lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Đến nay, toàn thôn đã có 136 hộ tham gia bảo hiểm y tế, nhiều hộ khác cũng đang có ý định tham gia.

Ông Nguyễn Tấn Sang, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, tính đến giữa tháng 5/2024, toàn tỉnh có gần 60.400 người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỉ lệ 19,75% số người trong độ tuổi lao động. Gần 619.000 người tham gia bảo hiểm y tế, tỉ lệ bao phủ so với dân số toàn tỉnh là 91,87%. Số người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đều tăng so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy những tín hiệu tích cực trong nhận thức của người dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Nhà nước.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum đánh giá cao vai trò của các cán bộ truyền thông. Hiện nay, tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum và các huyện, thành phố có khoảng gần 100 cán bộ thường xuyên thực hiện công tác truyền thông ngoài giờ hành chính, buổi tối để người dân có thể tham gia đông đủ hơn. Nhờ đó, viên chức bảo hiểm xã hội cũng trực tiếp được gặp gỡ, trao đổi với người dân, nắm bắt kịp thời những băn khoăn, thắc mắc cũng như nguyện vọng của người dân đối với chính sách để có những giải đáp, định hướng thông tin một cách kịp thời, chính xác, đồng thời cũng là một kênh thông tin để ghi nhận những ý kiến phản ánh của người dân về việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tại địa phương.

“Việc viên chức Bảo hiểm xã hội thực hiện tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến với người dân ngoài giờ hành chính; đặc biệt, nhiều cán bộ đã xuống tận thôn, làng để tuyên truyền vào buổi tối nhằm thực hiện mục tiêu “Mọi người dân được tiếp cận, được hiểu, được hỗ trợ tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”. Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 10.000 người dân trên địa bàn tiếp cận với các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thông qua các cán bộ truyền thông”, ông Nguyễn Tấn Sang khẳng định.

Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum cũng nhận định, Kon Tum là một tỉnh miền núi, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 54%; thu nhập của người dân chưa ổn định, nhận thức của người dân về chính sách bảo hiểm y tế còn hạn chế dẫn đến việc vận động, duy trì người dân tham gia gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ hỗ trợ tối đa cho các cán bộ truyền thông thực hiện nhiệm vụ ngoài giờ hành chính, buổi tối để các viên chức Bảo hiểm xã hội yên tâm công tác, truyền tải đầy đủ các chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đến với mọi người dân trên địa bàn.