Chủ động phát hiện sớm, không để bùng phát bệnh bạch hầu

8

baotintuc.vn

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, ngành Y tế tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là ở nơi có lưu hành bệnh hoặc có tỷ lệ tiêm chủng thấp; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, điều trị kịp thời…

Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, ngành Y tế đã có văn bản hướng dẫn, đề nghị UBND các huyện, thành phố, sở, ngành, đơn vị trực thuộc và có liên quan tăng cường phòng, chống dịch bệnh; chủ động giám sát thường xuyên, phát hiện sớm ca bệnh tại cửa khẩu, trong cộng đồng cũng như đơn vị y tế để điều trị, cách ly, tránh bệnh lan rộng.

Ngành Y tế đẩy mạnh tiêm chủng, tiêm vét cho các đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhất là ở vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị, phòng cách ly phục vụ phòng, chống nếu có dịch xảy ra.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum Đỗ Ngọc Hòa phân tích, do có giai đoạn thiếu vaccine nên năm 2024, tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi ở tỉnh được tiêm chủng đầy đủ 3  mũi vaccine cơ bản mới chỉ đạt 22,1%. Điều này làm giảm khả năng miễn dịch cộng đồng, trẻ em dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bạch hầu. Thời gian gần đây, Bộ Y tế đã cung ứng đầy đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên tỉnh đang tăng cường tiêm chủng tại tất cả huyện, thành phố, đồng thời rà soát tiêm bù, tiêm vét cho đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi để tăng tỷ lệ tiêm đạt, chú trọng vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo thống kê của ngành Y tế, từ năm 2016 đến năm 2020, tỉnh ghi nhận 55 ca mắc bệnh bạch hầu, cao nhất là năm 2020 với 39 ca mắc, một trường hợp tử vong ở huyện Sa Thầy. Tỉnh triển khai đợt tiêm chủng vaccine TD gồm bạch hầu và uốn ván cho người dân từ 48 tháng tuổi trở lên trong năm 2020-2021, đạt trên 92%, nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu mới.