[Tin Kon Tum] – Với quyết tâm vươn lên để thoát khỏi cảnh nghèo đói, năm 2016 gia đình bà Trần Thị Chung được Đề án Giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 của tỉnh cho vay 50 triệu đồng để phát triển sản xuất…
Thực hiện Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 16/1/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án Giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020, trong 3 năm qua (2016-2018), được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, nhiều hộ gia đình nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo bền vững. Trong đó, hộ gia đình bà Trần Thị Chung trú tại thôn Ngọc Hải, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi là một trong những tấm gương như thế.
Tâm sự với chúng tôi tại Hội nghị sơ kết 3 năm giữa kỳ thực hiện Đề án Giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 do UBND huyện Ngọc Hồi tổ chức, bà Trần Thị Chung cho biết: Năm 1995, gia đình bà từ quê Thái Bình di cư vào thôn Ngọc Hải theo diện kinh tế mới do Nhà nước tổ chức. Cũng như bao hộ gia đình khác trong thôn, cuộc sống trên quê hương mới gặp rất nhiều khó khăn khi một mình bà nuôi 3 đứa con thơ do chồng bị bệnh hiểm nghèo mất sớm, gia đình rơi vào cảnh nghèo túng. Vượt lên cuộc sống cơ cực nghèo khó, trong tâm trí bà lúc nào cũng suy nghĩ phải quyết tâm vươn lên để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Trăn trở mãi rồi cơ hội thoát nghèo đã đến khi năm 2016 gia đình bà được Đề án Giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 của tỉnh cho vay 50 triệu đồng để phát triển sản xuất với lãi suất thấp. Có tiền trong tay, bà bắt tay vào chuyển đổi diện tích đất rẫy sang trồng cây cà phê kết hợp với tận dụng mặt nước ao hồ nuôi thả các loại cá.
Nhờ biết cách làm ăn hiệu quả, gia đình bà Trần Thị Chung đã thoát nghèo bền vững
Sau 3 năm miệt mài chăm sóc vườn tược, ao hồ, một mình bà làm lụng vất vả không kể ngày mưa hay nắng để tích cóp kinh tế cho gia đình. Của không phụ công người, đến nay gia đình bà đã có gần 1 ha cà phê kinh doanh, 2 sào ruộng nước, 1.000m2 mặt nước ao hồ nuôi thả các loại cá. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, bà đã thu nhập ổn định trên 50 triệu đồng. Nhờ có ý chí vươn lên và biết cách làm ăn hiệu quả, biết cách tích lũy kinh tế, nên năm 2018, gia đình bà là 1 trong 14 hộ gia đình thoát nghèo bền vững tiêu biểu, được UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo bền vững.
Chị Trương Thị Nghĩa – Cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết: Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn 4,31%, nhưng đến nay đã giảm xuống chỉ còn 3,55%. Trong đó, hộ gia đình bà Trần Thị Chung đã giơ tay trước các cuộc họp thôn và xin thoát nghèo, được bà con đồng tình ủng hộ. Nguyên nhân là do bà được tiếp cận các nguồn vốn vay của địa phương hỗ trợ phát triển kinh tế, con bà xuất khẩu lao động có của ăn của để, gia đình còn trồng được cà phê, lúa nước và chăn nuôi ao hồ thả các loại cá có thu nhập cao và ổn định.
Từ những cố gắng vượt bậc đó, tại Hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Đề án Giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 do UBND huyện Ngọc Hồi tổ chức, bà Trần Thị Chung đã được chọn là 1 trong 2 hộ gia đình thoát nghèo tiêu biểu báo cáo thành tích về công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế hộ gia đình trước hội nghị để nhân rộng điển hình.
Bài và ảnh: Hà Nguyên