Nghệ nhân A Phưk lưu giữ “hồn” cho nhà rông

93

Nghệ nhân A Phưk (làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) từ lâu được nhiều người biết đến như là “nhạc trưởng” dẫn dắt, hướng dẫn dân làng trong việc xây dựng, tu sửa nhà rông truyền thống của người Ba Na ở thành phố Kon Tum. Không những vậy, ông còn luôn trăn trở và tận tình truyền nghề làm nhà rông cho lớp trẻ với mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc của đồng bào dân tộc Ba Na.

Chúng tôi đến thăm làng Kon Klor vào sáng cuối tuần đẹp trời. Ngay dưới ngôi nhà rông truyền thống, nhiều du khách về đây để ngắm, chiêm ngưỡng mái nhà rông Kon Klor cao vút mang đậm nét văn hóa độc đáo của dân tộc Ba Na.

Dưới mái nhà rông, nghệ nhân A Phưk đang say sưa giới thiệu với khách tham quan về vẻ đẹp và ý nghĩa của nhà rông, ông phân tích từng bộ phận kết cấu của ngôi nhà. Chỉ tay về những họa tiết hoa văn trên mái, nghệ nhân A Phưk với giọng hào hứng và ánh mắt đầy đam mê giới thiệu với du khách những ý nghĩa của từng họa tiết, hoa văn, tạo nên một nét đẹp văn hóa và độc đáo của dân tộc Ba Na.

Theo chân du khách thăm nhà rông, chúng tôi được nghệ nhân chia sẻ nhiều về kiến thức làm và dựng nhà rông. Nghệ nhân A Phưk chia sẻ: Theo phong tục của người Ba Na, nhà rông là nơi linh thiêng bậc nhất trong làng, là nơi thực thi các luật tục, tiếp khách, diễn ra các sự kiện trọng đại của buôn làng. Theo các già làng, nhà rông là nơi thần linh và hồn ma cùng trú ngụ, là nơi diễn ra các lễ hội tâm linh cộng đồng như đâm trâu, cúng thần linh, cúng yàng… Tại đây, các thế hệ nghệ nhân già thường truyền dạy cho thế hệ trẻ những bài học cuộc sống, những giá trị văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân A Phưk lưu giữ “hồn” cho nhà rông
Nghệ nhân A Phưk giới thiệu về kiến trúc căn nhà rông truyền thống. Ảnh: H.T

Sau khi tham quan xung quanh nhà rông một vòng, dừng chân bên cầu thang gỗ, nghệ nhân A Phưk kể với giọng trầm buồn: Trước đây, nhà rông truyền thống của làng Kon Klor từng bị lửa thiêu rụi. Khi ấy cả làng ai cũng buồn lắm. Rất may là ngay sau đó được chính quyền hỗ trợ, động viên, dân làng phấn khởi, quyết tâm phục dựng lại căn nhà rông trong thời gian sớm nhất.

Sau khi những người già trong làng bàn bạc, thống nhất, già A Phưk chịu trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn mọi người trong các khâu phục dựng nhà rông. Già trẻ, gái trai mỗi người một việc, người đi tìm gỗ, tre, nứa, người đi vào khắp các cánh rừng tìm tranh. Sau gần 1 tháng thì nguyên liệu cũng đã đầy đủ, cả làng tụ họp lại dưới sân nhà rông và cùng nghe già A Phưk phân chia phần việc cụ thể, tỉ mỉ cho từng người.

Được già A Phưk cầm tay chỉ việc và hướng dẫn tận tình, thanh niên trai tráng như tiếp thêm sức mạnh, hăng say làm việc. Chẳng mấy chốc, ngôi nhà rông truyền thống từng bị thiêu rụi dần hiện hữu trong sự vui mừng khôn xiết của dân làng.

Theo nghệ nhân A Phưk, để xây dựng nên một ngôi nhà rông hoàn chỉnh, độc đáo cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa mọi người trong từng công đoạn. Để nhà rông được cân bằng, vững chãi và đẹp thì cần xây dựng và bố trí hệ thống xà, cột chính đảm bảo tỉ lệ thích hợp. Dù là nhà rông lớn hay nhỏ, rộng hay hẹp thì yếu tố cân đối và thẩm mỹ là vô cùng quan trọng để mang được đúng bản sắc của dân tộc mình, thể hiện sự quyền uy, sức mạnh của cộng đồng làng.

“Quá trình làm nhà rông đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu. Mỗi khi cần tu sửa hay xây dựng nhà rông mới, tôi cùng các già làng thường phải thay nhau túc trực để hướng dẫn dân làng làm, vì chỉ cần sai một chi tiết nhỏ sẽ ảnh hưởng đến một công trình lớn, làm giảm chất lượng và thẩm mỹ của ngôi nhà. Ngoài ra, nhà rông phải chắc chắn và cao ráo để có thể chứa được nhiều người nhất có thể mỗi dịp lễ hội. Tôi thường làm nhà rông bằng kinh nghiệm, thông qua quan sát mà chọn những tỉ lệ thích hợp. Đó cũng là cách mà cha ông tôi đã truyền dạy lại trước đây” – Nghệ nhân A Phưk chia sẻ.

Cũng theo nghệ nhân A Phưk, ông may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nhà sàn, nhà rông nên từ nhỏ, những công việc như vào rừng kéo gỗ, tìm tranh, chặt tre nứa, ông đã nhuần nhuyễn và thành thục. Ông cho biết, làm nhà rông thực chất không khó nếu như nắm được nguyên lý cơ bản, còn nếu không thì càng làm sẽ càng sai, nhà rông làm ra sẽ mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Nghệ nhân A Phưk lưu giữ “hồn” cho nhà rông
Nghệ nhân A Phưk giới thiệu kĩ thuật làm mái tranh của nhà rông cho các em nhỏ. Ảnh: H.T

Ngoài làm nhà rông cho làng mình, nghệ nhân A Phưk cũng không ngần ngại sang các làng bên để trợ giúp dân làng xây dựng, sửa chữa nhà sàn, nhà rông mỗi khi cần. Thời gian rảnh, ông còn đứng ra tổ chức những buổi truyền dạy kiến thức về nhà rông cũng như cách làm nhà rông truyền thống cho dân làng, cho lớp trẻ. “Học trò của tôi chủ yếu là thanh niên trưởng thành vì khi ấy mới có thể tiếp thu và thực hành trọn vẹn nhất những kĩ thuật làm nhà rông. Đồng thời, tôi vẫn luôn khuyến khích các em nhỏ tuổi có đam mê theo học để tiếp nối những người cha, người anh của mình” – nghệ nhân A Phưk chia sẻ.

Từ kinh nghiệm làm nhà sàn, nhà rông, nghệ nhân A Phưk còn làm những mô hình nhà rông để trưng bày, làm quà lưu niệm bán cho du khách khi đến làng tham quan. “Mặc dù những mô hình nhà rông làm ra bán không được nhiều nhưng những lúc rảnh rỗi tôi vẫn làm như một niềm đam mê. Đặc biệt thông qua những mô hình nhà rông là cách hữu hiệu nhất để truyền dạy những kiến thức làm nhà rông bài bản cho các thế hệ sau”- già A Phưk chia sẻ.

Nhiều năm  tâm huyết và gắn bó với nghề làm nhà rông truyền thống, nghệ nhân A Phưk chia sẻ rằng, lớp trẻ bây giờ không còn mặn mà với những nghề truyền thống nữa, trong đó có việc làm nhà rông. Để thế hệ trẻ hiểu và thật sự đam mê theo học là điều rất khó. Già A Phưk bày tỏ mong muốn rằng cần có nhiều hơn những lớp học dạy nghề truyền thống để ông có cơ hội được truyền dạy những kiến thức mà mình nắm giữ được để không bị mai một.

Chúng tôi rời Kon Klor trở về phố thị nhộn nhịp, thầm cảm ơn những kiến thức và câu chuyện mà nghệ nhân A Phưk chia sẻ, từ đó thêm hiểu về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na. Mong rằng ông sẽ luôn giữ mãi ngọn lửa đam mê, nhiệt tình hướng dẫn, chỉ dạy thế hệ trẻ để những giá trị truyền thống không bị lãng quên, mai một và để bảo tồn phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Ba Na trường tồn mãi mãi.

HOÀNG THANH


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/nghe-nhan-a-phuk-luu-giu-hon-cho-nha-rong-18545.html