Chuyện ở Plei Lay

76

20/04/2021 06:02

Trẻ mới sinh cũng… góp tiền mua cồng chiêng; bầu người uy tín giữ cồng chiêng và không được tùy tiện đánh cồng chiêng, là câu chuyện thú vị chúng tôi được nghe trong một chiều về làng Plei Lay, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum). Cũng trong câu chuyện ấy, tôi hiểu được văn hóa cồng chiêng, những phong tục của người Gia Rai nơi đây từ bao đời đến nay vẫn nguyên vẹn, không bị mai một, pha tạp.

Được chọn làm người giữ bộ cồng chiêng cho làng, ông A Hnor ở làng Plei Lay, vừa tự hào vừa lo lắng. Tự hào vì được bà con tín nhiệm, nhưng lo lắng vì phải làm sao để hoàn thành trọng trách này, để không làm bà con thất vọng.

Ông chọn vị trí an toàn nhất trong nhà để cất cồng chiêng. Không tùy tiện sử dụng hay cho mượn, khi trong làng có lễ hội hoặc ma chay, được đội trưởng đội cồng chiêng hoặc già làng, thôn trưởng thông báo, ông mới dám mang cồng chiêng ra. Vuốt ve từng chiếc cồng chiêng, ông Hnor thủ thỉ: “Bộ cồng chiêng là vật quý của cả làng nên khi nhận trọng trách, mình cũng lo lắm. Mình tuân thủ theo quy định của làng đề ra và cố gắng cất giữ một cách tốt nhất”.

Có tục đánh cồng chiêng quanh nhà mồ để tiễn đưa người chết về với thế giới bên kia nên từ những năm 2000, dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng dân làng Plei Lay đã họp, thống nhất cùng mua cồng chiêng để phục vụ cho những phong tục, tập quán của bà con. Cả làng đồng ý và mỗi khẩu phải đóng 100 ngàn đồng, góp lại mua cồng chiêng. “Hồi đó, đứa trẻ mới sinh ra cũng tính một khẩu, nhà có bao nhiêu khẩu thì đóng bấy nhiêu tiền. Vì cồng chiêng phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của dân làng nên ai nấy đều nhất trí” – già làng A Bich nhớ lại.

093627B%E1%BB%99%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%2025%20chi%E1%BA%BFc%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20d%C3%A2n%20l%C3%A0ng%20mua%20t%E1%BB%AB%20n%C4%83m%202000
Bộ cồng chiêng 25 chiếc được dân làng mua từ năm 2000. Ảnh: HT

Thời ấy, việc mua bán cồng chiêng không khó khăn bởi có nhiều người đi tận các làng rao bán. Song, không dễ để chọn được bộ ưng ý. Tại đây, sau quá trình tìm kiếm, chọn lựa, dân làng Plei Lay cũng chọn được 1 bộ cồng chiêng đẹp, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, không vội vã quyết định, làng ra đề nghị người bán ở lại làng 2 ngày để đội cồng chiêng trong làng đánh, kiểm tra kỹ lưỡng.

Vốn giàu kinh nghiệm sống và đánh cồng chiêng, già làng A Bich kiểm tra thật kỹ, đồng thời chỉnh chiêng để âm thanh đạt chuẩn. Khi già Bich gật đầu, ưng bụng về âm thanh, chất liệu, cả làng liền chi 60 triệu đồng để mua. “60 triệu hồi đó lớn lắm nhưng dân làng mình không tiếc gì cả. Mua được bộ cồng chiêng, ai nấy đều mừng rỡ, phấn khởi như mùa màng bội thu vậy” – già làng A Bich cười thật tươi, hào hứng kể.

Mua được bộ cồng chiêng quý, dân làng chọn đội trưởng đội cồng chiêng và người giữ bộ cồng chiêng. Theo đó, ông A Hnor được bầu giữ bộ cồng chiêng và ông A Byang được bầu làm đội trưởng.

093819Vui%20trong%20nh%E1%BB%8Bp%20chi%C3%AAng%20c%E1%BB%93ng
Vui trong nhịp chiêng cồng. Ảnh: HT

Có cồng chiêng, có đội hình bài bản, song ở làng Plei Lay, người dân không đánh một cách tùy tiện và không phải lúc nào cũng được đánh cồng chiêng tại nhà rông- già làng A Bích giải thích cho khách hiểu. Ngày thường, nếu muốn truyền nối hoặc tập luyện, chỉ được đánh tại nhà hoặc hội trường thôn, không được đem cồng chiêng ra đánh tại nhà rông. Nếu như đánh tại nhà rông, phải có con vật để cúng tế. Riêng những ngày lễ bỏ mả hoặc có tang ma, không cần vận động, đội cồng chiêng đều có mặt đầy đủ để hỗ trợ, giúp gia đình nổi cồng chiêng, thực hiện các nghi thức truyền thống.

Không chỉ giữ gìn, xem cồng chiêng như báu vật, các thành viên trong đội cồng chiêng còn trau dồi kỹ năng của mình. Đội trưởng A Byang đưa 2 bàn tay ra nhẩm tính rồi nói: “Dân làng mình biết đánh nhiều bài lắm, không nhớ hết đâu. Ngoài những bài được truyền miệng từ ngày xưa, trong lúc đi rẫy, đi làm, bà con mình cũng tự sáng tác thêm nhiều bài gắn với nhịp sống, sinh hoạt thường ngày rồi cùng tập. Căn bản đã có nền, đã biết đánh nên cả đội tập nhanh lắm”.

Già A Dring (85 tuổi) là niềm tự hào của cả đội cồng chiêng. Nếu như các thành viên trong đội chỉ có thể tự đánh chiêng đơn thì già A Dring có thể đánh một lúc 10 chiêng. Để minh chứng, già liền trải chiêng ra theo vị trí, rồi say mê đánh. Các thành viên trong đội hiểu ý, ngay lập tức đệm thêm bằng tiếng cồng. Bài chiêng kết thúc, già A Dring cười phấn khởi: “Mình mê chiêng lắm, nhiều lúc nằm ngủ cũng mơ được đi đánh cồng chiêng. Tuổi mình cao rồi nhưng hễ ai gọi đi đánh cồng chiêng, mình liền có mặt ngay. Đang mệt mà được đánh cồng chiêng là thấy vui, thấy khỏe liền”.

093853Ngo%C3%A0i%20vi%E1%BB%87c%20ch%E1%BB%89nh%20chi%C3%AAng,%20gi%C3%A0%20A%20Dring%20c%C3%B3%20th%E1%BB%83%20%C4%91%C3%A1nh%20m%E1%BB%99t%20l%C3%BAc%2010%20chi%C3%AAng
Ngoài việc chỉnh chiêng, già A Dring có thể đánh một lúc 10 chiêng. Ảnh: HT

Chuyến đi Hà Nội và những đợt giao lưu tại thành phố Kon Tum mãi là niềm tự hào của đội cồng chiêng cũng như toàn thể dân làng Plei Lay. Họ vui mừng vì trong những chuyến đi ấy, họ được trình diễn, được thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, cũng tại đó, họ được giới thiệu bộ cồng chiêng quý báu của dân làng cho nhiều người cùng biết.

Những giải thưởng dù nhỏ thôi nhưng luôn là niềm động viên tinh thần to lớn cho bà con trong làng. Họ bảo, cồng chiêng giúp dân làng thêm đoàn kết, giúp mọi người giữ gìn những phong tục truyền thống tự bao đời và cũng tạo niềm vui, niềm phấn khởi sau những ngày lao động vất vả.

Chiều muộn, bà con tiễn khách trong tiếng cồng chiêng dồn dập, ngân vang. Trong ánh mắt háo hức đầy tự hào, bà con vọng theo: Hôm nào có lễ bỏ mả, dân làng mình gọi điện cho nhà báo nhé. Về đây để sống cùng tiếng cồng, tiếng chiêng; để hiểu hơn những phong tục của người Gia Rai tự bao đời.

Hơn 20 năm nay, bộ cồng chiêng 25 chiếc (15 cồng, 10 chiêng) được dân làng Plei Lay, xã Ia Chim xem như báu vật. Cũng bởi thế mà bộ cồng chiêng được cất giữ cẩn thận và chỉ được nổi lên khi dân làng có lễ hội, ma chay.

HOÀI TIẾN


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/chuyen-o-plei-lay-18464.html