Rất nhiều người đều biết, trên địa phận tỉnh Kon Tum có núi Ngok Linh là đỉnh cao thứ nhì Việt Nam. Thế nhưng, mỗi khi khách xa đến thành phố Kon Tum, trông về phía Tây, hướng biên giới giáp Campuchia, thấy có một đỉnh núi cao lừng lững, mây khói phủ mơ màng, thường hỏi người dân bản địa rằng, đấy có phải núi Ngok Linh không (?).
Xin thưa, đó là đỉnh Chư Mom Ray cao 1.773m, ở huyện Sa Thầy. Núi Mom Ray nằm trên địa bàn cư trú của bà con Ja-rai nên “núi” gọi là “chư”; và họ còn có cả một truyền thuyết đẹp, đầy tính nhân văn và đạo lý về ngọn núi này. Chuyện kể rằng (dĩ nhiên còn có một số dị bản): Xưa kia, có hai chị em gái sinh đôi, mồ côi cha mẹ, yêu thương nhau rất mực. Một hôm, người chị lên rừng tìm nấm để góp vào lễ hội làng sắp mở, em ở nhà dệt vải. Trước khi đi, chị dặn em trông chừng mớ sợi vải đang phơi trước sân. Khi đi rừng về, chị không thấy sợi vải đâu nữa, hỏi em, em bảo vì mải dệt, quên để ý nên không biết số sợi vải biến đi đâu mất!…
Tìm kiếm mãi không thấy, chị đâm nghi ngờ em lấy sợi của mình để dệt. Chị em lời qua tiếng lại. Chị tức giận quát đuổi em ra khỏi nhà. Em cảm thấy vô cùng oan ức, không biết phân bua ra sao để cho chị hiểu sự chân thực của mình, nhân lúc dân làng rộn ràng lo lễ hội, không ai để ý, em bèn lặng lẽ bước chân ra khỏi làng. Em cứ đi, đi miết, qua bao nhiêu ngày đêm không biết nữa. Đến lúc sức cùng, lực kiệt, nàng dừng chân trên một ngọn đồi cao và gục chết.
Ngày hôm sau, làng mở hội, lễ tế là một con bò rừng to do làng săn bắt được. Khi mổ bò, người ta moi ra từ bộ lòng một nùi sợi vải chưa tiêu hóa kịp. Người chị nhìn thấy, bỗng thảng thốt hiểu ra rằng, chính con bò là thủ phạm đã ăn sợi vải của mình chứ không phải em mình gian dối! Chị vô cùng hối hận, vội bỏ cả hội làng ra đi tìm em. Chị không biết mình đã vượt qua bao nhiêu núi đồi, bao nhiêu sông suối nhưng vẫn không tìm thấy em. Vừa đi, chị vừa hú gọi tên em gái của mình đến khản giọng. Những con chim rừng bắt chước gọi theo, làm âm thanh vang vọng khắp núi rừng. Người chị đi mãi, đi mãi và lạc đến một ngọn đồi cao, cũng là lúc nàng đuối sức, đổ gục lên trên một phiến đá lạ.
Bất ngờ chị nghe có tiếng vọng từ trong phiến đá: “Chị ơi! Em không lấy cắp sợi vải của chị đâu!”. Chị thảng thốt: “Chị biết rồi! Chị biết rồi! Em tha lỗi cho chị và hãy về cùng chị đi em!”. Nói xong, nàng tắt thở, hóa thành phiến đá thứ hai chồng lên phiến đá kia. Lũ chim rừng lần theo tiếng gọi từ khắp nơi bay tới đậu trên hai phiến đá, cất vang giọng gọi rền rĩ. Và, dường như chúng cũng biết được câu chuyện đau lòng đầy tình nghĩa của hai chị em nên ngày ngày lũ chim chuyên cần tha đất đắp lên hai phiến đá làm mộ, lâu ngày thành một ngọn núi cao. Bà con Ja-rai quanh vùng gọi đó là Chư Mom Ray – Núi Thổ Cẩm. Có người còn gọi Chư Nang Pray.
Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lúc còn làm Bí thư Huyện ủy Sa Thầy, cảm xúc trước câu chuyện cổ và cảnh đẹp hùng vĩ hoang sơ của miền biên giới này có làm bài thơ: “Anh về thăm quê tôi/ Vượt qua bao núi đồi/ Giữa bạt ngàn rừng thẳm/ Uy nghi Chư Nang Pray/ Núi thắt dải mây hồng/ Trông như nàng công chúa/ Đang dệt vải xe tơ/ Trong bài thơ cổ tích…”.
Mặc dù cách gần 30 cây số theo đường chim bay, vào những lúc trời quang, mây tạnh, đứng ở thành phố Kon Tum, ta có thể dễ dàng nhìn thấy đỉnh Chư Mom Ray hùng vĩ, còn thì thường bị che mờ bởi một màn khói sương trông rất huyền ảo, thơ mộng. Do vậy, ngọn núi này còn là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ khi đến vùng biên ải Sa Thầy.
Một khu vực rộng ngút ngàn bao quanh chân núi này là Vườn quốc gia Chư Mom Ray trải dài trên 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, giáp ranh với vườn quốc gia Virachay, tỉnh Stung Treng (Campuchia) và Khu bảo tồn Đông Nam Ghong, tỉnh Atôpơ (Lào). Vườn được xác lập theo Quyết định số 103/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30-7-2002 chuyển Khu bảo tồn Chư Mom Ray thành Vườn quốc gia. Năm 2004, Vườn được công nhận là Di sản Đông Nam Á.
Hệ thống núi non ở đây có các đỉnh cao từ 285m đến 1.800m, ngoài Chư Mom Ray còn có đỉnh Ngọc Win cao 1.480m, đỉnh Chư Đô 1.145m… dấu tích một truyền thuyết về sự thiết lập các plei pla (làng xóm) đồng bào các dân tộc quanh vùng từ thuở xa xưa… Địa hình núi đồi xô lệch nơi này cũng tạo nên những thác nước cao trên 100m, như thác Nàng Tiên 7 tầng… Chính từ những thác nước và những dòng suối nhỏ nơi đây là đầu nguồn con sông Sa Thầy nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hệ sinh thái bao quanh chân núi gồm 12 kiểu rừng (theo thuật ngữ lâm sinh). Đặc biệt ở đây có đồng cỏ Ia Bốc rộng 16.772km2, là một thung lũng đẹp với nguồn nước khoáng mặn nên các loài thú bộ móng guốc thường tập trung đến đây để uống nước vào những đêm trăng rừng mờ tỏ đã khiến nhiều người tốn công sức rình rập ngắm xem và quay phim, chụp ảnh.
Hệ thực vật nơi này đã xác định có trên 1.494 loài, có loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Hệ động vật cũng đã xác định được trên 620 loài, gồm: Thú 111 loài, chim 370 loài, cá nước ngọt 20 loài, côn trùng 57 loài. Trong đó có 114 loài đặc biệt quý hiếm trong Sách đỏ. Theo khảo sát điều tra của Pháp vào năm 1920 và nhiều tài liệu còn lại, cộng với truyền khẩu của bà con quanh vùng, thì có thể ở đây đã từng có bò xám (bossauveli), nhưng nay đã bị tuyệt chủng. (Điều này khơi gợi sự liên tưởng: Có phải chăng cái dáng đỉnh Mom Ray ngày nay trông giống cái u bò ngoảnh hướng về miền biên giới Tây Nam kia chính là hiện thân của chú bò xám đã ăn sợi vải ngày xưa, để lưu lại cho đời nay một truyền thuyết đẹp?).
Vùng giáp biên rộng lớn này cũng là nơi xen cư nhiều dân tộc anh em như Ja-rai, Rơ-mâm, Ka-dong… nên rất phong phú các hình thái văn hóa dân gian, khiến các nhà nghiên cứu dân tộc học, xã hội học… thường tìm về điền dã.
Đứng ở trung tâm thị trấn Sa Thầy, những lúc chiều về, khi bóng núi Mom Ray nghiêng trùm vạn vật, bất giác nghe lòng dấy lên niềm cảm xúc miên man về một miền sơn cước.
Tạ Văn Sỹ