Địa danh ngã ba Đông Dương trên dãy Trường Sơn hùng vỹ luôn nằm trong ký ức lớp bộ đội, thanh niên xung phong trên đường vào chiến trường miền Nam, chiến trường C (Lào), chiến trường K (Campuchia) trong những năm tháng chiến tranh không thể nào quên. Đây là vùng đất được mệnh danh là một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe.
Nay vùng đất này đang trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nơi các địa danh đã đi vào lịch sử như ngã ba Đông Dương (nơi đường Trường Sơn Tây gặp đường Trường Sơn Đông thời kháng chiến ), di tích lịch sử chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh tháng 4/1972; cột mốc biên giới do ba nước anh em Việt Nam – Lào – Campuchia cùng thống nhất xây dựng trên đỉnh núi cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, cách thị trấn Playku khoảng 30 km.
Cột mốc này do tỉnh Kon Tum tổ chức thi công xây dựng tháng 12/2007 dưới sự giám sát của chuyên gia ba nước có chung đường biên giới. Đại diện Bộ Ngoại giao ba nước cùng làm lễ khánh thành trọng thể vào ngày 18/1/2008.
Cột mốc đặc biệt nặng 900 kg , làm bằng đá hoa cương hình trụ tam giác, cao 2 mét, trên mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước được gắn quốc huy, năm cắm mốc và tên quốc gia đó bằng chữ màu đỏ của chính nước đó. Đây là cột mốc thứ hai cùng ghi danh cả ba quốc gia được cắm trên mảnh đất Việt Nam. Cột mốc thứ nhất là của ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc thống nhất xây dựng ở A Pa Chải (Điện Biên).
Từ cột mốc ngã ba biên giới, du khách có cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất ngã ba Đông Dương.
Cũng tại đây, du khách muốn thăm hai nước Lào và Campuchia có thể làm thủ tục xuất cảnh tại đồn biên phòng Việt Nam ở cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Xin giới thiệu cùng độc giả chùm ảnh ghi lại vẻ đẹp của vùng đất ngã ba Đông Dương mà chúng tôi đã ghi lại trong chuyến thăm cực bắc Tây Nguyên gần đây.
Đường lên cột mốc biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia trên độ cao 1086 mét
Cây rừng nguyên sinh ở khu vực đường Trường Sơn Tây gặp đường Trường Sơn Đông
Cột mốc chung biên giới ba nước Đông Dương làm bằng đá hoa cương, cao 2 mét, hình trụ tam giác, mặt cột mốc phía Việt Nam quay về hướng huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Cột mốc biên giới đặc biệt giữa mênh mông đất trời
Trạm kiểm soát liên ngành ở cửa khẩu quốc tế Pu Cưa (Lào) đối diện với cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum).
Sĩ quan trẻ của Lào ở cửa khẩu quốc tế Pu Cưa vui vẻ với du khách và nói tiếng Việt rất giỏi
Bia di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn (1967 – 1975) tại thị trấn Plâyku, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum
Tượng đài chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh
Chiếc xe tăng số hiệu 377 của quân đội ta lần đầu xuất trận ở chiến trường Tây Nguyên ngày 24/4/1972, góp phần làm nên chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh và hiện nay trưng bày tại công viên huyện Đắc Tô.
Nhà rông – nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Tây Nguyên tại công viên huyện Đắc Tô là nơi thu hút du khách tới tham quan, khám phá.
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y là cầu nối phát triển kinh tế – xã hội của vùng đất ngã ba Đông Dương và là điểm đến hấp dẫn của du khách và các nhà đầu tư.
Theo Dân Trí