Kon Tum ký sự: [Bài III] Truyền thuyết ‘người rừng’

573

Đến bây giờ, người ta vẫn tin, “người rừng” là có thật, và vẫn đang sống trong những cánh rừng ở đại ngàn Tây Nguyên. Thậm chí, vài người khẳng định, đã từng giáp mặt.

Ông A Pho kể chuyện người rừng. Ảnh: Phạm Hưởng.

Ông A Pho kể chuyện người rừng. Ảnh: Phạm Hưởng.

Người rừng có thật…

Đến Sa Thầy, khu vực Chư Mom Ray, “người rừng không đuôi” là một trong những câu chuyện được lưu truyền nhiều nhất. Theo lời truyền miệng của đồng bào Rơ Măm ở làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, thì người rừng từng vào làng bắt người ăn thịt, là nỗi ám ảnh của phụ nữ, trẻ em trong làng.

Ông A Pho, năm nay 60 tuổi, ở làng Le, kể: “Tôi chưa thấy bao giờ, nhưng lúc còn sống, mỗi lần làng có lễ hội, ngồi uống rượu là cha tôi lại kể chuyện gặp người rừng. Cha nói người rừng có thân hình giống loài vượn, không mặc quần áo, vì lông nhiều, màu xám đen như da con trâu, tiếng hú dài hơn con vượn”.

Theo câu chuyện ông A Pho thuật lại từ cha mình, vào một ngày cách đây đã rất lâu, khi con gà vừa cất tiếng te te gọi sáng nơi bìa rừng, ông A Mua (cha ông A Pho) khi đó còn là một chàng trai trẻ, đã thức dậy, chuẩn bị cùng nhóm thanh niên trong làng vào rừng đi săn.

Khi đến điểm săn, cách nhà hơn nửa ngày đường rừng, họ dừng chân bên dòng suối uống nước. Khi vừa vục tay xuống dòng nước mát lạnh, định uống thì A Mua và các chàng trai bất ngờ nghe tiếng hú vang cả núi rừng. Mọi người thất thần nhìn nhau.

Riêng A Mua, sinh ra, lớn lên ở vùng rừng núi này, tiếng cọp gầm, vượn hú, voi rống… đều đã nghe. Nhưng chưa bao giờ nghe tiếng hú lạ, rợn óc như vậy. Sau 1 phút trấn tĩnh, A Mua và các chàng trai quyết định tìm hiểu xem tiếng hú chưa từng nghe đó từ đâu ra, của loài thú nào.

Họ ai nấy lăm lăm dao đi rừng, rựa phát rẫy trong tay, dò dẫm đến gần nơi phát ra tiếng hú. Chẳng bao lâu sau, thì thấy cách đó không xa, một nhóm động vật lạ, hình dáng giống loài vượn, nhưng không có đuôi, toàn thân phủ một lớp lông màu xám, cao bằng đứa trẻ 7 – 8 tuổi.

Họ đứng bằng 2 chân như người, đang túm lại, dùng tay chẻ những cây mây lấy đọt bên trong ăn. Khi tiến lại gần hơn thì nhóm vật lạ phát hiện có người, chúng tụm lại, mắt hướng về phía nhóm thợ săn, sau đó nhe răng, đồng loạt hú lên những tràng dài lộng óc trước khi luồn nhanh vào rừng. Nhóm thợ săn hồn vía lên mây, bỏ chạy tán loạn.

Đồng bào nơi đây vẫn nghĩ, trong sâu thẳm những cánh rừng Tây Nguyên, người rừng vẫn đang tồn tại. Ảnh: Phúc Lập.

Đồng bào nơi đây vẫn nghĩ, trong sâu thẳm những cánh rừng Tây Nguyên, người rừng vẫn đang tồn tại. Ảnh: Phúc Lập.

Nói về truyền thuyết người rừng, ông HRach Lao, Chủ tịch UBND xã Mo Rai, cho biết, chuyện người rừng đã từng tồn tại trong tâm trí người Rơ Măm từ mấy chục năm nay. Đến giờ, họ vẫn tin, sâu thẳm trong những cánh rừng già trên đỉnh Chư Mom Ray kia, người rừng vẫn đang tồn tại.

“Nhiều người cao niên trong làng Le từng khẳng định họ đã nhìn thấy người rừng… Và sự thật là nhiều năm trước cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu, nghiên cứu. Còn chuyện người rừng vào làng bắt người ăn thịt thì chỉ là suy đoán, không có cơ sở. 2 người đàn ông trong làng mất tích có thể do lúc đi rừng bị thú dữ, rắn độc tấn công. Hoặc do bệnh, không ra kịp. Vì rừng quá rậm rạp nên không tìm thấy.

Dù gì thì những câu chuyện liên quan đến người rừng cũng đã xảy ra lâu rồi. Nhưng trong tâm trí người Rơ Măm, người rừng vẫn luôn ám ảnh họ. Bây giờ, mỗi dịp lễ hội, người dân tụ lại uống rượu, mang chuyện xưa, trong đó có chuyện người rừng, ra kể cho con cháu nghe suốt đêm”. Ngưng một lát, ông khẳng định: “Nhưng tôi chắc một điều, đồng bào không nói dối bao giờ…”.

Còn già làng A Blong thì bảo: “Nhiều người đã gặp người rừng rồi. Cũng có người nói người rừng vào làng bắt người ăn thịt. Tôi từng đi bộ đội, ở rừng sâu nhiều năm, nhưng chưa gặp lần nào”.

Chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp “bảo vệ người rừng”

Mặc dù chưa có nhà khoa học nào tận mắt thấy người rừng, nhưng việc người rừng đã (và có thể) vẫn đang tồn tại ở đại ngàn Tây Nguyên, là có cơ sở. Bởi đã có không ít nhà khoa học nước ngoài đến Việt nam nghiên cứu về đề tài người rừng.

Tại Việt Nam, PGS.TS Trần Hồng Việt, nguyên Giám đốc “Trung tâm nghiên cứu động vật ẩn sinh và động vật quý hiếm” là một trong những nhà khoa học từng có hàng chục năm nghiên cứu về người rừng.

Anh Trần Xuân Thuỷ, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết, câu chuyện về người rừng ở Việt Nam có từ lâu rồi. Nó không chỉ nung nấu trong lòng các nhà khoa học Việt Nam mà còn thôi thúc những nhà khoa học nước ngoài như Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nga…sang Việt Nam tìm hiểu.

Nhưng việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn bởi những lý do khách quan. Nhất là trong một thời gian dài, công tác bảo vệ lơi lỏng khiến rừng bị tàn phá nặng nề, rừng nguyên sinh bị thu hẹp, có thể người rừng có thể ít cơ hội sống.

Phác thảo hình ảnh người rừng ở Tây Nguyên của các nhà khoa học. Ảnh: Tư liệu.

Phác thảo hình ảnh người rừng ở Tây Nguyên của các nhà khoa học. Ảnh: Tư liệu.

“Tại Việt Nam, có TS Việt là người đã hơn 2 chục năm theo đuổi đề tài người rừng. TS Việt từng chụp được ảnh dấu chân người rừng, đã lấy mẫu dấu chân này bằng thạch cao mang về Hà Nội nghiên cứu. Chỉ tiếc là bây giờ TS Việt đã lớn tuổi, không còn sức khỏe để leo núi trèo đèo. Trong khi cũng chẳng mấy ai mặn mà với đề tài này, nên mọi thứ dở dang”, anh Thủy cho biết.

Được biết, PGS.TS Trần Hồng Việt đã ấp ủ đề tài nghiên cứu về người rừng tại Việt Nam từ năm 1977, khi có chương trình Nhà nước về “Điều tra tổng hợp lãnh thổ Tây Nguyên”. Chương trình này không những chỉ có TS Việt mà còn có rất nhiều nhà khoa học khác cùng tham gia. Đến năm 1979, Nhà nước chính thức có quyết định cử TS Việt đặc trách nghiên cứu về người rừng.

Sau đó, chương trình môi sinh 5.202 được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) phê duyệt. Trong chương trình này, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định di dời lâm trường Bắc Sa Thầy đi nơi khác để giữ môi trường sống, bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như cơ hội cho “người rừng” tồn tại.

Ngày 7/4/1982, theo đề nghị của nhóm nghiên cứu khoa học thuộc Chương trình 5.202, đại tướng Võ Nguyên Giáp (khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã ký quyết định số 65-HĐBT về việc khoanh vùng núi Chư Mom Ray – Ngọc Vin thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Gia Lai – Kom Tum thành khu rừng cấm. Trong đó, tại Điều 1 điểm b, Quyết định nêu rõ: “Cấm săn bắt các loại chim, muông, thú rừng; đặc biệt là cấm săn bắn loài đười ươi có thân hình cao lớn (nghi là “người rừng”) có thể tồn tại trong rừng”.

Quyết định số 65-HĐBT năm 1982 về việc khoanh vùng bảo tồn đa dạng sinh học rừng Chư Mom Ray, trong đó ghi rõ việc bảo vệ người rừng. Ảnh: Chụp văn bản.

Quyết định số 65-HĐBT năm 1982 về việc khoanh vùng bảo tồn đa dạng sinh học rừng Chư Mom Ray, trong đó ghi rõ việc bảo vệ người rừng. Ảnh: Chụp văn bản.

Năm 1986, chương trình môi sinh 5.202 kết thúc, việc khoanh vùng bảo tồn đa dạng sinh học rừng Chư Mom Ray – Ngọc Vin (nay là Vườn Quốc gia Chư Mom) thành công. Nhưng công cuộc tìm kiếm người rừng phải dừng lại vì thiếu kinh phí, mặc dù TS Việt đã đi gõ cửa nhiều nơi.

Mặc dù đó chỉ là những câu chuyện kể nhưng TS Việt vẫn tin đây là chuyện có thật, cũng cố thêm niềm tin rằng: Việt Nam có người rừng. Không những thế, người còn sinh sống rất gần với con người. Bởi lẽ người dân Tây Nguyên sống trong rừng sâu, chưa từng tiếp cận với sách vở, tài liệu mô tả người rừng nhưng khi được hỏi, họ mô tả chi tiết về hình dáng, bước đi, khuôn mặt… của người rừng chính xác như sách. Đáng tiếc là cho đến nay, chưa có nhà khoa học nào may mắn nhìn thấy hay chụp lại được hình ảnh người rừng.

Đêm giữa mênh mông rừng thẳm, chỉ một màu đen kịt. Càng về khuya, gió càng mạnh, càng lạnh. Những cây rừng rung chuyển, va vào nhau như đang trò chuyện. Xen lẫn trong tiếng lá khô xào xạc từ bước chân những con thú săn mồi, là những tiếng hú dài. Không biết đó là tiếng vượn hú hay tiếng người rừng?

Theo báo cáo PGS Việt thì ở Việt Nam, ngoài ba tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk thì ở miền Bắc cũng có rất nhiều dấu vết chứng minh sự tồn tại của người rừng.

Có hai dạng người rừng, thứ nhất là dạng người rừng thấp 1,4 – 1,5m, sống theo bầy đàn khoảng 10 đến 15 cá thể. Dạng thứ hai cao lớn, khoảng 1,8 – 1,9m, sống đơn lẻ hoặc gia đình có ba thành viên.

Điểm chung của 2 dạng người rừng là lông lá đầy người (trừ mặt), đứng thẳng và đi bằng hai chân, ăn thức ăn sống, chưa biết dùng lửa, không biết nói. Thỉnh thoảng, người rừng cũng mò vào nhà dân bốc trộm cơm nguội ăn. Đây là đặc điểm nhận định là người rừng chứ không phải khỉ, vì khỉ không có thói quen đi ăn vào ban đêm, cơm nguội cũng không phải món khỉ thích “trộm”.

Phúc Lập