baokontum.com.vn
Những người có uy tín ở huyện Sa Thầy không chỉ làm tốt việc vận động con cháu, nhân dân phát triển kinh tế mà còn là những nhân tố tích cực góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Nguyễn Đăng Bảo- Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sa Thầy cho biết: Hiện huyện có 58 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Ý thức rõ việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, hằng năm đội ngũ người có uy tín đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là con em trong dòng họ, thôn, làng. Nhờ đó, đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện ngày càng ý thức hơn về giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc; biết giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, xóa dần những tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Là người có uy tín ở làng Rắc (xã Ya Xiêr), ông A Phiếu (63 tuổi) không chỉ là “nhịp cầu” gắn kết ý Đảng, lòng dân mà còn là người tích cực vận động các gia đình trong dòng họ và nhân dân trên địa bàn bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của cha, ông.
Ông A Phiếu có nhiều đóng góp trong bảo tồn văn hóa dân tộc trên địa bàn xã. Ảnh: M.V
Theo ông A Phiếu, để làm tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, người có uy tín ngoài gương mẫu đi đầu thực hiện, còn tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con duy trì, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Chính vì thế, 5 năm trước, ông đã cùng các nghệ nhân trong làng đến từng nhà tuyên truyền người dân giữ gìn văn hóa, vận động thanh thiếu niên chơi nhạc cụ truyền thống và học đan lát.
“Tôi bỏ ra rất nhiều thời gian đi đến tận nhà, những gia đình anh chị em ruột của mình và những người dân tại làng để khuyên họ không nên bán, không trao đổi mà phải giữ lại các bộ chiêng, bộ trống quý. Tôi còn vận động những nghệ nhân làm nghề thủ công truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác các nhạc cụ cố gắng giữ lại nghề để truyền dạy cho con cháu”- ông A Phiếu chia sẻ.
Cùng với đó, ông A Phiếu còn quan tâm đến việc truyền dạy nghề đan lát cho thế hệ trẻ trong làng. Những người trẻ được học 3 buổi/tháng do ông cùng các nghệ nhân của làng chỉ dạy thông qua mô hình hỗ trợ tự giúp nhau truyền dạy nghề truyền thống.
Nhờ những nỗ lực của ông A Phiếu cùng các nghệ nhân trong làng và sự động viên của chính quyền địa phương, đến nay, làng Rắc còn lưu giữ trên 20 bộ cồng chiêng; có 50 người biết đánh chiêng, múa xoang, 5 người biết tạc tượng gỗ và 30 người biết đan lát, dệt thổ cẩm. Bên cạnh đó, làng vẫn còn tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống, bà con nơi đây cũng đã giữ gìn và sử dụng trang phục truyền thống trong các dịp lễ, ngày quan trọng của gia đình.
Tương tự, ông A Hlir (56 tuổi) – người có uy tín thôn Lung Leng (xã Sa Bình) luôn trăn trở, đau đáu trước những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Gia Rai đang dần mai một, thưa vắng trong đời sống. Vì vậy, ông cùng với một số nghệ nhân tâm huyết trong thôn đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, sưu tầm những hiện vật, phong tục truyền thống của dân tộc.
Ông A Hlir (bên trái) tích cực tham gia truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, chỉnh chiêng. Ảnh: MV
Theo đó, ông A Hlir đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để tìm hiểu, sưu tầm những nét tinh hoa nhất về văn hóa cồng chiêng người Gia Rai. Ông đã lưu giữ, ghi chép hơn 15 bài cồng chiêng và sưu tập được 3 bộ cồng chiêng. Ngoài ra, ông còn sưu tầm nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc để truyền dạy cho con cháu, thế hệ trẻ trong thôn.
Năm 2015, ông A Hlir cùng các nghệ nhân và ban quản lý thôn thành lập đội cồng chiêng thôn Lung Leng. Đội cồng chiêng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa – văn nghệ mà còn là nơi tập luyện, truyền dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng cho lớp trẻ. Đến nay, ông đã truyền dạy cho vài chục học trò, trong đó, những người xuất sắc tiếp thu tốt, nay đã biết đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng cơ bản.
Bên cạnh đó, ông A Hlir còn vận động, tuyên truyền các chị em phụ nữ trong thôn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. “Trước đây, ở thôn có nhiều chị em biết dệt thổ cẩm nhưng không thường xuyên, nên tôi đã vận động họ cùng nhau học hỏi, cùng nhau làm để nâng cao tay nghề. Theo đó, các sản phẩm thổ cẩm của thôn ngày một chất lượng, được nhiều khách hàng trong và ngoài xã đặt mua”- ông A Hlir cho hay.
Có thể khẳng định, ở Sa Thầy, đội ngũ những người uy tín trên địa bàn không chỉ là cầu nối đưa các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân mà họ còn có công lớn trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Mai Vàng
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/sa-thay-nhung-nguoi-co-uy-tin-giu-gin-van-hoa-truyen-thong-45009.html