baokontum.com.vn
Mới đầu tháng Chạp mà những chuyến xe đò về quê đã rất đông đúc, rộn rã. “Chưa đến Tết mà, sao đông khách quá vậy?”- một hành khách từ mấy hàng ghế phía sau nói vọng lên hỏi bác tài xế. “Dạ, mọi người về quê chạp mả đó ạ”- bác tài xế nhẹ nhàng đáp lời với khách.
Và tôi, một hành khách trên chuyến xe ấy, đã vô tình nghe được biết bao câu chuyện thú vị xung quanh chủ đề về quê chạp mả.
Ngồi kế bên tôi là cô Ba, sống ở một xã vùng ven thành phố Kon Tum, nhưng quê gốc ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Cô Ba cho biết, năm nay cô đã gần 80 tuổi. Tuổi cao, sức yếu, cô Ba còn mang trong người đủ thứ bệnh của người già, nhất là xương cốt rệu rã, đi lại khó khăn. Vậy mà suốt hơn 50 năm qua, kể từ khi lên Kon Tum lập nghiệp cho đến giờ, năm nào cũng vậy, đến đầu tháng Chạp là cô lại về quê để tham gia chạp mả cùng gia đình, dòng họ.
Với cô Ba, dù sống ở đâu thì cũng không được quên tổ tông nguồn cội, bởi có ông bà thì mới có mình. Vì vậy, hồi còn trẻ, chuẩn bị về chạp mả ở quê, cả nhà cô Ba lúc nào cũng đông đủ nhất chi phái. Cô còn tay xách nách mang đủ thứ đồ về cúng ông bà gia tiên, nhất là những món ở dưới quê không có, trong đó phải kể đến măng khô mang về chế biến món chân giò hầm măng, măng xào bún xắt mà ai cũng thích.
Con cháu về thăm viếng mộ ông bà trong ngày chạp mả. Ảnh: SC
Bây giờ già rồi, con cái cũng lớn, mỗi đứa có cuộc sống riêng, sắp xếp khó, nên ít khi về chạp mả đông đủ. Chỉ có cô Ba, dù mệt cỡ nào cũng phải ráng uống thuốc để còn về quê chạp mả.
Nghe cô Ba kể mà tôi xúc động vô cùng bởi cách nghĩ, việc cô đang làm đã truyền cho tôi một năng lực sống rất tích cực, càng thấy thấm thía câu nói của ông bà xưa “chim có tổ, người có tông” ý nghĩa như thế nào. Bởi thú thật, bây giờ, nhịp sống hiện đại, nhiều người trẻ còn không thể sắp xếp về thăm nhà, chứ đừng nói đến nhớ ngày giỗ kỵ, chạp mả.
Với người Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng quê, ngày chạp mả cực kỳ quan trọng. Đây là dịp để con cháu đi xa về thăm viếng mộ ông bà tổ tiên, dòng họ; phát quang bụi rậm, lau dọn sạch sẽ để ông bà tổ tiên chuẩn bị đón năm mới. Đồng thời cũng là dịp để giáo dục con cháu về nguồn gốc dòng họ, thắt chặt tình đoàn kết gia tộc.
Đúng ngày chạp mả, mọi người trong dòng họ tập trung lại nhà thờ họ rồi phân chia nhau làm các công việc như đi giẫy mả theo từng chi phái; người nấu nướng các món ngon; sau đó mọi người cùng tập trung lại nhà thờ họ để làm lễ cúng.
Sau lễ cúng ông bà gia tiên, mọi người sẽ bàn chuyện họ tộc như công khai các khoản đóng góp, thu-chi của năm; báo cáo thành tích con cháu đạt được trong năm với ông bà; xin phép ông bà cho bổ sung hoặc thay đổi thành viên trong từng chi phái vào gia phả dòng họ.
Cô Ba cho hay, nói thì gọn vậy chứ những dòng họ lớn ở quê họ làm bài bản lắm. Mỗi khâu đều được trưởng tộc phân công nhiệm vụ rõ ràng, đến khâu nào thì người phụ trách khâu đó báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ rõ ràng, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Có như thế mọi việc trong dòng họ mới thống nhất được.
Cúng ông bà gia tiên tại nhà thờ họ. Ảnh: S.C
Trên chuyến xe đò những ngày cuối năm, còn có một hành khách cũng về quê chạp mả là chú Năm. Nhà chú Năm cũng ở gần nhà cô Ba nên chú biết rõ về cô Ba lắm. Chú Năm nói: Năm nào tôi về quê chạp mả cũng gặp cô Ba đi về. Tội lắm, già yếu đi lại khó khăn, nhưng cô luôn thương ông, bà. Biết con, cháu bận không thể thay mặt mẹ, thay mặt bà để về quê chạp mả nên cô luôn cố gắng.
Về phần mình, chú Năm quả quyết “chừng nào tôi đi không nổi nữa thì thôi, chứ còn đi lại được thì còn về quê chạp mả”.
Chú Năm còn nói: “Bao năm xa quê, có đi có về thì mới tạo được sự gần gũi, khăng khít. Có người tham công tiếc việc, rồi có người không hiểu vì lý do gì không hay đi về mà thấy lạc lõng lắm”.
Nói đến về quê chạp mả tôi chợt nhớ đến chú Lộc, một chú đồng hương Bình Định mà tôi quen biết tại… Kon Tum. Mấy hổm rày nghe tin đèo An Khê sạt lở, đi lại khó khăn, chú lo không về quê kịp ngày chạp mả được. Khi biết tôi về quê, chú gọi điện hỏi thăm tình hình đường sá thế nào để tự lái xe về. Qua câu chuyện của tôi, cuối cùng chú quyết định không đi theo tuyến quen thuộc qua đèo An Khê (Quốc lộ 19) nữa, mà từ Kon Tum theo Quốc lộ 24 xuôi Quảng Ngãi, rồi bọc qua Quốc lộ 1 ra Bình Định về quê. Chú Lộc nói, chú lớn tuổi rồi nên thà chú đi xa chút cho an toàn, để còn về quê lo chạp mả nữa.
Chú Lộc lên Kon Tum sinh sống đã nhiều năm. Năm nào cũng vậy, chú đều về quê chạp mả. Với chú, “ngày ông, ngày bà là không thể bỏ được, chỉ đến khi mình không còn đi được nữa thì dặn dò con cháu thay mình”.
Thật may mắn và nhiều niềm vui khi tháng Chạp về, đề tài về quê chạp mả vẫn còn rôm rã. Đó là khi con người ta luôn nhớ về tổ tiên nguồn cội và cũng là cách để mỗi người góp phần giáo dục thế hệ trẻ về nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam.
Sông Côn
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/ve-que-chap-ma-45000.html