baokontum.com.vn
Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân thường tăng cao, đặc biệt là nhu cầu thực phẩm. Vì vậy, trong thời gian này, lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ATTP cho người sản xuất, chế biến, tiêu dùng luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện. Đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm soát về ATTP được tăng cường.
Trong năm 2024, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hơn 5.500 lượt cơ sở sản xuất, phân phối, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện, xử lý 54 cơ sở vi phạm; tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Vi phạm chủ yếu của các cơ sở là bảo quản thực phẩm không đúng quy cách, không có hoặc không trang bị đầy đủ thiết bị chuyên dụng để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, thông gió, kinh doanh hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang đầy đủ bảo hộ lao động.
Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Ảnh: T.H
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, đa số các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh ở quy mô nhỏ, hộ gia đình, sản xuất theo thời vụ nên công tác quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức, kiến thức về ATTP của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng còn hạn chế. Do đó, năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 6 người mắc, trong đó có 1 người tử vong. Ngoài ra, còn có 46 ca bị ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ do ăn uống không bảo đảm vệ sinh.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là thời gian cao điểm người dân mua sắm các mặt hàng thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống của gia đình trong dịp Tết. Lợi dụng tình hình này, các đối tượng gian thương có thể đưa các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhập lậu trà trộn đưa vào thị trường tiêu thụ, dẫn đến nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Ông Nguyễn Văn Thịnh- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Nhằm tăng cường đảm bảo vệ sinh ATTP dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ ngày 6/1/2025, Chi cục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập Đoàn liên ngành thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về ATTP trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung kiểm tra các sản phẩm, nhóm sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm. Đối tượng kiểm tra là những cơ sở sản xuất, nhà nhập khẩu, phân phối hàng hóa, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở g i ế t mổ, vận chuyển thực phẩm. Nội dung kiểm tra chủ yếu về chất lượng của sản phẩm thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, việc thực hiện đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm ghi nhãn hàng hóa, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol.
Ghi nhận của đoàn liên ngành tỉnh trong những ngày đầu kiểm tra, hầu hết các cơ sở, đơn vị kinh doanh thực phẩm chấp hành, thực hiện tương đối tốt các quy định về đảm bảo vệ sinh ATTP; nhận thức, kiến thức về ATTP của người kinh doanh, chế biến thực phẩm ngày càng chuyển biến.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại siêu thị Vinmart. Ảnh: TH
Ông Đỗ Nhất Quân- Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Kon Tum chia sẻ: Siêu thị kinh doanh khoảng 30.000 mặt hàng, trong đó, hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm công nghệ chiếm số lượng lớn. Vào dịp Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa nhập về liên tục (cao hơn khoảng 1,5 lần so với ngày thường) nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đơn vị vẫn luôn chú trọng thực hiện tốt khâu kiểm soát nguồn hàng, chất lượng cũng như việc bảo quản hàng hóa.
Cùng với hoạt động kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh còn kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về ATTP đến các chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong việc tuân thủ quy định về bảo đảm ATTP, phòng ngừa xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Việc siết chặt công tác quản lý về ATTP nhằm hạn chế tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường, đảm bảo sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, để mọi người, mọi nhà “vui Xuân, đón Tết” vui tươi, khỏe mạnh và an toàn. Đồng thời, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị, doanh nghiệp, từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, theo đúng quy định.
Thiên Hương
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/tap-trung-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-dip-tet-45082.html