Quảng bá văn hóa và du lịch Kon Tum qua mô hình STEM

7

baokontum.com.vn

Vận dụng linh hoạt Chương trình Giáo dục STEM vào thực tiễn, một số mô hình STEM do học sinh trên địa bàn tỉnh thực hiện đã góp phần tích cực vào công tác bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS và quảng bá, phát triển du lịch của tỉnh.

Trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, truyền thống văn hoá của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh có nguy cơ dần bị mai một. Với mong muốn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, em Y Khuê và em Y Bích Hà (dân tộc Ba Na, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum) cùng nhau thực hiện mô hình “Biểu diễn văn hoá cộng đồng dân tộc Tây Nguyên bằng năng lượng mặt trời”. Mô hình này đã đạt giải xuất sắc tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật và STEM do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum tổ chức.

Mô hình phản ánh rất chân thật, mộc mạc về đời sống văn hoá, tinh thần truyền thống từ xa xưa của các dân tộc Tây Nguyên. Với việc sử dụng năng lượng mặt trời và hệ thống dây dẫn, các chuyển động khéo léo của người dân lao động sản xuất, làm nghề truyền thống, sử dụng nhạc cụ như đánh cồng chiêng, múa xoang, giã gạo, dệt vải, trình diễn đàn t’rưng, đàn đá được tái hiện rất sinh động và cuốn hút.

173413M%C3%B4%20h%C3%ACnh%20%E2%80%9CBi%E1%BB%83u%20di%E1%BB%85n%20v%C4%83n%20ho%C3%A1%20c%E1%BB%99ng%20%C4%91%E1%BB%93ng%20d%C3%A2n%20t%E1%BB%99c%20T%C3%A2y%20Nguy%C3%AAn%20b%E1%BA%B1ng%20n%C4%83ng%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20m%E1%BA%B7t%20tr%E1%BB%9Di%E2%80%9D%20c%E1%BB%A7a%20em%20Y%20Khu%C3%AA%20v%C3%A0%20em%20Y%20B%C3%ADch%20H%C3%A0

Mô hình “Biểu diễn văn hoá cộng đồng dân tộc Tây Nguyên bằng năng lượng mặt trời” của em Y Khuê và em Y Bích Hà. Ảnh: T.L

 

Ngoài giá trị tinh thần, điều đặc biệt là mô hình sử dụng các loại nguyên vật liệu sẵn có từ tự nhiên và rất thân thiện với môi trường như tranh, tre, nứa, lồ ô, vải vụn. Hiện nay, mô hình đã được sử dụng để tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum các khối lớp 6, 7, 8, 9 tại nhà trường. Thông qua việc sử dụng mô hình, đông đảo học sinh thêm yêu thích, hứng thú với Chương trình giáo dục địa phương, từ đó vun đắp cho các em tình yêu quê hương, đất nước và thúc đẩy học sinh chung tay vào việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS. Trong thực tiễn, mô hình có thể áp dụng trong đa dạng lĩnh vực như văn hoá, du lịch, giáo dục trong trường học và cộng đồng.

Cùng với đó, em Y Khuê và em Y Bích Hà đều rất tích cực tham gia vào đội xoang của Trường THCS Trần Hưng Đạo và tại địa phương. Thời gian đến, các em dự định sẽ theo học trình diễn đàn t’rưng, đàn đá và các nhạc cụ truyền thống khác để giới thiệu bản sắc văn hoá của dân tộc Ba Na đến với đông đảo mọi người.

Tương tự, mô hình STEM “Điểm du lịch Kon Tum” do em Nguyễn Đặng Minh Châu, học sinh lớp 7A, Trường THCS Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum thực hiện đã phản ánh rất sinh động về đời sống văn hoá của dân tộc Ba Na tại thành phố Kon Tum. Với diện tích 4,4m2, mô hình đã tái hiện nhà rông truyền thống và cầu treo Kon Klor kết hợp với khung cảnh làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu và Kon Jơ Dri. Tính sáng tạo của mô hình đó là sử dụng các que xiên, que gỗ, tăm tre nên dễ dàng tháo lắp và di chuyển; khung cảnh vườn rau, ruộng lúa, cây xanh được sử dụng bằng các loại cây thật, tạo thêm điểm nhấn cho mô hình.

173445Em%20Nguy%E1%BB%85n%20%C4%90%E1%BA%B7ng%20Minh%20Ch%C3%A2u%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20M%C3%B4%20h%C3%ACnh%20%E2%80%9C%C4%90i%E1%BB%83m%20du%20l%E1%BB%8Bch%20Kon%20Tum%E2%80%9D

Em Nguyễn Đặng Minh Châu thực hiện Mô hình “Điểm du lịch Kon Tum”. Ảnh: TL

 

Mô hình giúp học sinh và du khách hiểu rõ hơn về kiến trúc nhà rông truyền thống, cầu treo Kon Klor, lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng dân tộc Ba Na trên địa bàn thành phố Kon Tum. Các chi tiết về lễ hội cồng chiêng- múa xoang, du lịch cộng đồng, nghề truyền thống được bố trí khoa học, tạo nên bức tranh tổng thể hài hoà và đa dạng màu sắc.

Em Nguyễn Đặng Minh Châu chia sẻ: Để thực hiện mô hình này, em đã nhiều lần đi thực tế để trải nghiệm, chụp ảnh về kiến trúc, nét độc đáo của các làng du lịch cộng đồng, từ đó, tái hiện vào mô hình theo hướng chân thực và sống động nhất. Thông qua mô hình này, em mong muốn quảng bá vẻ đẹp về mảnh đất và con người Kon Tum đến với đông đảo mọi người, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn.       

Tấn Lộc


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/quang-ba-van-hoa-va-du-lich-kon-tum-qua-mo-hinh-stem-45062.html