Du lịch “đánh thức” bản làng hẻo lánh của đồng bào Xê Đăng

6

www.nguoiduatin.vn
Hồi sinh du lịch từ văn hóa truyền thống

Làng Vi Rơ Ngheo là ngôi làng Xê Đăng cổ, một ngôi làng nhỏ biệt lập ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông với 64 hộ dân và hơn 300 nhân khẩu.

Trước đây, cuộc sống của bà con phụ thuộc vào nông nghiệp tự cung tự cấp, thu nhập bấp bênh chỉ vài triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nhờ bảo tồn nếp nhà, phong tục tập quán và sự định hướng từ chính quyền địa phương, làng đã chuyển mình mạnh mẽ.

Du lịch

Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo nhìn từ trên cao. (Ảnh: Lư Hoàng Thông).

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, anh A Hiền, một trong những người tiên phong đưa du lịch vào làng, hồ hởi chia sẻ: “Trước đây, mỗi hộ chỉ thu được 4-5 triệu đồng/năm. Giờ làm du lịch, một tháng đón 1-2 đoàn khách, thu nhập đã đạt 4-5 triệu đồng, không chỉ thoát nghèo mà còn sống thoải mái”.

Du lịch

Anh A Hiền, Giám đốc Hợp tác xã tại Vi Rơ Ngheo, người tiên phong đưa nhà rông về với làng văn hóa du lịch Vi Rơ Ngheo.

Du khách đến Vi Rơ Ngheo không chỉ tìm kiếm cảnh sắc thiên nhiên mà còn muốn hòa mình vào cuộc sống của đồng bào Xê Đăng.

Tại đây, họ có thể trải nghiệm các hoạt động độc đáo như khám phá thác nước, núi rừng hoang sơ, ngắm bình minh trên những đỉnh núi. Tham gia các lễ hội truyền thống như lễ cầu Giàng đầu năm, lễ mừng lúa mới, hay lễ làm chuồng trâu. Đồng hành cùng bà con làm nương, rẫy, hoặc tự tay gieo mạ, thu hoạch cà phê.

Du lịch

Anh A Hiền cho biết, đây là nhà dự trữ lúa của bà con trong làng. Anh ví von đây chính là “ngân hàng” của người dân.

Du lịch

Những homestay được người dân xây dựng lên chào đón du khách đến khám phá du lịch, nghỉ dưỡng.

Ẩm thực cũng là điểm nhấn khó quên với những món ăn đặc trưng như cá suối, rau rừng, gà nướng, lợn quay… Tất cả đều là sản phẩm sạch từ nông nghiệp địa phương.

Du lịch

Bữa cơm của người đồng bào Xê Đăng tại làng du lịch Vi Rơ Ngheo.

Một trong những yếu tố làm nên thành công của làng là sự đoàn kết của bà con. Anh A Hiền cho biết, mọi người luôn chia sẻ công việc để cùng nhau phát triển: “Khách đông thì chia đều cho các hộ để ai cũng có cơ hội phục vụ. Khách ít thì luân phiên sắp xếp để không ai bị thiệt thòi.”

Du lịch Du lịch Du lịch

Nhiều bằng khen, thành tích của làng Vi Rơ Ngheo được treo tại nhà rông.

Chính anh A Hiền cũng là người đầu tiên vận động bà con phục dựng nhà rông – biểu tượng văn hóa Xê Đăng bảo tồn những giá trị truyền thống. Điều này không chỉ góp phần thu hút du khách, mà còn giúp bà con thêm tự hào về bản sắc dân tộc mình.

Du lịch

Nhà Rông khổng lồ là điểm nhấn ấn tượng của làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo. (Ảnh: Lư Hoàng Thông).

Tháng 5/2023, Vi Rơ Ngheo chính thức được công nhận là làng văn hóa du lịch cộng đồng. Từ đó, bà con được tập huấn cách làm du lịch, đầu tư xây dựng homestay, tổ chức bữa ăn truyền thống cho du khách, đồng thời hướng dẫn khách khám phá thác nước, đồng ruộng và những nét văn hóa bản địa.

Bước nhảy vọt về kinh tế

Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng khi lượng khách đến Vi Rơ Ngheo đã đạt con số hàng ngàn. Thu nhập trung bình của mỗi hộ tăng lên 7-8 triệu đồng/tháng, gấp nhiều lần so với trước đây. Hiện nay, 5 hộ trong làng đã xây dựng homestay, các hộ khác tham gia cung cấp thực phẩm và dịch vụ.

Du lịch

Các du khách chủ yếu đi theo đoàn đến tham quan, nghỉ dưỡng đông nhất vào dịp cuối năm và đầu xuân.

Dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đường sá còn nhiều khó khăn, làng vẫn thu hút đông đảo du khách, nhất là vào những tháng cuối năm. Du khách không ngại khó, vẫn tìm đến để tận hưởng không khí ấm cúng, trải nghiệm văn hóa, và cùng hòa mình vào nhịp sống yên bình của người Xê Đăng.

Du lịch

Anh A Hiền tự hào cho biết, nhờ làm du lịch cộng đồng, đời sống của người dân ổn định, ấm êm hơn.

Cũng theo chia sẻ của anh A Hiền, chỉ sau hơn một năm làm du lịch cộng đồng, Vi Rơ Ngheo đã vươn mình trở thành điểm sáng kinh tế – văn hóa của vùng Kon Plông. Đây là minh chứng sống động cho thấy tiềm năng to lớn của du lịch cộng đồng, khi gắn kết chặt chẽ giữa việc bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế.

Du lịch Du lịch Du lịch

Vi Rơ Ngheo là nơi sinh sống của 300 người dân 100% là người đồng bào Xê Đăng. Họ sinh sống chủ yếu bằng việc làm nông, nuôi gia súc, đời sống thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên, vào năm 2023 sau khi Vi Rơ Ngheo chính thức được công nhận là làng văn hóa du lịch cộng đồng, người dân có thêm nguồn thu nhập nhờ việc làm du lịch cộng đồng cho nhiều du khách trong và ngoài nước.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) chia sẻ, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo đã trở thành một điểm đến du lịch cộng đồng lý tưởng cho du khách khi đến với tỉnh Kon Tum.

Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện và đồng thời người dân ở đây gìn giữ cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, xây dựng homestay khang trang đã níu chân du khách, giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và xây dựng các quy chế hoạt động rõ ràng.

Người dân đoàn kết tình làng nghĩa xóm, không chỉ tạo sinh kế bền vững mà còn góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa độc đáo của làng.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, bà con Vi Rơ Ngheo đang viết nên câu chuyện cổ tích giữa núi rừng Tây Nguyên – một câu chuyện đầy cảm hứng về sự hồi sinh và phát triển bền vững.

Du lịch

Du khách đến với Vi Rơ Ngheo sẽ được thưởng thức các bữa ăn trong nhà rông ấm cúng.

Du lịch

Anh Thanh Thuy (du khách từ Tiền Giang) cho biết: “Tôi thật sự ấn tượng với không khí yên bình và sự hiếu khách của người dân nơi đây. Được cùng bà con Xê Đăng làm rẫy, thưởng thức những món ăn truyền thống như cơm lam và gà nướng giữa núi rừng khiến tôi cảm thấy như được sống chậm lại, hòa mình vào thiên nhiên và văn hóa địa phương. Điều đặc biệt là mọi người rất chân thành, họ kể cho chúng tôi nghe về phong tục, tập quán với niềm tự hào, khiến chuyến đi càng ý nghĩa hơn”.

Du lịch

Đoàn Famtrip của Cục du lịch Quốc gia Việt Nam trải nghiệm du lịch khám phá tại làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo.


Nguồn bài viết:
https://www.nguoiduatin.vn/du-lich-danh-thuc-ban-lang-heo-lanh-cua-dong-bao-xe-dang-204241223215054507.htm