100.000 người bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy

0

vnexpress.net

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết số cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy lần này rất đông, khoảng 100.000 người.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành nội vụ sáng 21/12, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết nếu đề xuất của Bộ Nội vụ về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng được Bộ Chính trị thông qua thì ông “rất yên tâm”, bởi đây là những chính sách đặc thù, vượt trội để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng cần tiếp tục suy nghĩ giải pháp để thu hút, giữ chân, đào tạo, đãi ngộ người tài. Ngành nội vụ cần tham mưu chính sách đánh giá cán bộ để sử dụng cho đúng. “Phải loại bỏ được người lười biếng trong bộ máy và thu hút người tài cho nền hành chính công. Khi thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy cũng cần thực hiện cuộc cách mạng về công tác cán bộ”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình phát biểu sáng 21/12. Ảnh: Nguyên Phong

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình phát biểu sáng 21/12. Ảnh: Nguyên Phong

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đơn vị đang phối hợp với các bộ ngành xây dựng đề án, văn bản liên quan đến sắp xếp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Các đề án được báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ cho ý kiến và Bộ Chính trị trước 31/12.

Bộ cũng tích cực đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, đủ mạnh với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm cơ sở tinh gọn bộ máy, gắn tinh giảm biên chế với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ. Đến nay, Bộ Nội vụ đã cơ bản hoàn thành các đề án để báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương. Đây là tiền đề và cơ sở pháp lý quan trọng cho việc sắp xếp, giảm số lượng các bộ, sở, phòng và cơ cấu tổ chức bên trong tinh gọn.

Trong giai đoạn 2022-2026, Bộ đã triển khai các giải pháp quan trọng nhằm tinh giản bộ máy hành chính và cải cách biên chế, với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Trong đó có việc giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Bộ đã thẩm định số lượng biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính của 29 bộ, ngành, giảm tổng cộng 17.736 biên chế, tương ứng 14,84% so với số biên chế giao năm 2021.

Đến 30/10/2024, các cơ quan nhà nước đã giảm được 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh; 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện; lũy kế đã giảm 13 sở và tương đương, cùng với 2.613 tổ chức cấp phòng tại các địa phương. Các tỉnh, thành như Hưng Yên, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ninh, Đồng Nai, Kon Tum, Quảng Ngãi, An Giang, Hậu Giang, Sơn La, Đăk Nông, và Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai hiệu quả công tác sắp xếp bộ máy hành chính, giúp giảm đầu mối và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Tổng số công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương tinh giản theo các nghị định của Chính phủ đến hết tháng 10 là 16.149, trong đó bộ ngành giảm 217, địa phương giảm 15.932 người. Các bộ ngành, địa phương “cơ bản sử dụng đúng biên chế được giao, không vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Tránh tình trạng người tài xin nghỉ, người dở ở lại

Nhắc lại lời Tổng Bí thư Tô Lâm “không để cơ quan nhà nước là vùng trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém”, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh khi tinh gọn bộ máy cần tránh tình trạng “người tài xin nghỉ, người dở ở lại”. Các cơ quan phải kết hợp tinh gọn bộ máy với xốc lại đội hình, giữ lại cán bộ tinh hoa, tâm huyết, có kinh nghiệm, bản lĩnh. Đây là bài toán rất khó “nhưng phải cố gắng làm”.

Phó thủ tướng phân tích bộ máy tinh gọn, khoa học, hợp lý nhưng hiệu lực, hiệu quả vẫn do con người quyết định. Đơn cử, nếu hai phòng nhập lại mà hai trưởng phòng đều dở thì phòng mới sẽ dở, còn một người dở, một người giỏi thì phải giữ được người giỏi ở phòng mới. “Đảng, Nhà nước và nhân dân đang trông đợi chúng ta có đột phá về công tác cán bộ”, ông nói.

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà dự hội nghị tổng kết ngành nội vụ, sáng 21/12. Ảnh: Nguyên Phong

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà dự hội nghị tổng kết ngành nội vụ, sáng 21/12. Ảnh: Nguyên Phong

Theo ông, trong tuần tới, sau khi Bộ Chính trị có kết luận, các cơ quan Đảng sẽ gương mẫu thực hiện tinh gọn trước. Khối Chính phủ và Quốc hội, ngoài hợp nhất các bộ, ủy ban, cơ quan, tất cả đơn vị phải tinh gọn bên trong, tối thiểu 15-20% đầu mối, cá biệt có nơi giảm 40%. Ví dụ Vụ Nghiên cứu Bắc Âu, Đông Âu, châu Á, châu Mỹ… có thể gộp thành Vụ Nghiên cứu quốc tế. Các viện nghiên cứu về chiến lược, quản lý kinh tế cũng cần gộp thành một đơn vị.

Cùng với chính sách vượt trội hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ sớm, Phó thủ tướng lưu ý phải hình thành hạ tầng pháp lý cho bộ máy mới đi vào hoạt động. Thể chế của bộ máy mới cần làm nền tảng cho sự bứt phá, tăng trưởng trong tương lai và khắc phục những bất cập đã được nhìn thấy. Quan điểm là “bỏ tư duy không quản được thì cấm”.

Quá trình tinh gọn bộ máy, các cơ quan, địa phương cần lường hết rủi ro có thể xảy ra như sáp nhập cơ học hoặc không hợp lý; chấp nhận vừa làm vừa điều chỉnh, không thể hoàn hảo ngay “nhưng cần hạn chế tối đa các rủi ro”. Bộ máy của nền hành chính công sau tinh gọn cần được vận hành liên tục phục vụ người dân, doanh nghiệp chứ không thể bị đứt quãng.

Tại hội nghị, Vụ trưởng Tổ chức – Biên chế Vũ Hải Nam cho biết các bộ ngành đang đẩy nhanh tiến độ tinh gọn. Nhóm bộ ngành thuộc diện hợp nhất phải đồng thời xây dựng dự thảo nghị định về cơ cấu, chức năng nhiệm vụ của bộ mới trước ngày 15/2.

Nhóm bộ ngành không phải hợp nhất hoặc chỉ tiếp nhận chức năng nhiệm vụ từ đơn vị khác cần sớm xây dựng dự thảo nghị định cơ cấu tổ chức, hoàn thành trước 15/1. Theo ông Nam, 11 bộ có thể trình Chính phủ ban hành nghị định về cơ cấu tổ chức ngay. Các bộ ngành không hợp nhất sẽ giảm 15-20% đầu mối bên trong.

“Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện nghị quyết 18 ban hành hướng dẫn các địa phương sắp xếp cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện”, ông Nam nói, đề nghị các địa phương hoàn thiện phương án sắp xếp, để khi Quốc hội thông qua cơ cấu Chính phủ khóa 15 có thể kiện toàn ngay cơ quan chuyên môn.

Viết Tuân


Nguồn bài viết:
https://vnexpress.net/100-000-nguoi-bi-anh-huong-khi-tinh-gon-bo-may-4830388.html