Cô giáo trẻ Y Nón hết lòng vì học sinh thân yêu

    148

    20/11/2019 13:02

    Bằng tinh thần trách nhiệm và sự năng động, tâm huyết với nghề, những năm qua, cô giáo Y Nón – giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) luôn nhận được sự tin yêu của các em học sinh, các bậc phụ huynh và bạn bè, đồng nghiệp…

    Cô Y Nón sinh ra và lớn lên tại làng Bun Tôn, xã biên giới Đăk Blô (huyện Đăk Glei), trong một gia đình có đến 6 anh chị em, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.

    Vượt qua những khó khăn, trở ngại, ngay từ khi còn nhỏ, Y Nón luôn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo để sau này dạy chữ cho các em. Hiện thực hóa ước mơ, năm 2009, Y Nón đã thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Sau khi tốt nghiệp, năm 2013, Y Nón về công tác tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) và được phân công về dạy tại điểm trường thôn Kà Bầy.

    Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn, vất vả của gia đình các em học sinh nơi đây, cô giáo Y Nón luôn ý thức rằng mình cần phải có trách nhiệm dìu dắt các em học tập để sau này lớn lên có tri thức, góp phần xây dựng quê hương. Thế là cô giáo Y Nón say mê tìm tòi, học hỏi phương pháp truyền đạt kiến thức giúp các em học sinh dễ dàng tiếp thu bài vở, tạo hứng khởi trong học tập. 

    Co giao tre Y Non het long vi hoc sinh
    Nhiều học sinh coi cô giáo Y Nón như người mẹ thứ 2. Ảnh: ĐV

     

    Cô giáo Y Nón tâm sự: Trong năm học 2019 – 2020, nhà trường phân công tôi chủ nhiệm lớp 5B tại điểm trường thôn Kà Bầy. Nhớ lại những ngày đầu đi dạy, thực sự khó khăn hơn tôi nghĩ. 100% học sinh ở đây đều là đồng bào dân tộc Ja Rai, các em thực sự còn bỡ ngỡ trong giao tiếp ban đầu, bởi vì rất nhiều em chưa rành tiếng Kinh; hầu hết các em học sinh ở đây đều nhút nhát, rụt rè, ít nói. Trong khi đó, tiếng Jẻ và tiếng Ja Rai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau nên tôi rất khó tiếp cận để hướng dẫn cho các em hiểu. Nhằm vượt qua trở ngại này, bên cạnh việc tăng cường dạy ngôn ngữ tiếng Việt cho các em, tôi mày mò, học hỏi thêm cả ngôn ngữ Ja Rai để dễ trò chuyện với các em, giảng dạy các em dễ nghe, dễ hiểu hơn.

    Khi gần gũi với các em, cô giáo Y Nón yêu thương các em nhiều hơn, coi các em như những người ruột thịt và tự nhủ với bản thân phải thật cố gắng đem hết những gì mình có để dạy cho các em. Trước đây, một số em học sinh không chịu đến trường, sợ các em bỏ học giữa chừng, cô lặn lội đến từng nhà vận động cha mẹ khuyên các em đi học. Cô cũng hay kể cho các em nghe về hoàn cảnh bản thân mình, giúp các em lấy đó làm điểm tựa, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên trong học tập. Bên cạnh đó, cô tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư cụ thể của gia đình từng em để có hướng tuyên truyền vận động, giúp đỡ để cùng với gia đình tạo điều kiện cho con em đến trường. Nhờ thế, hàng năm, tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp do cô Y Nón làm chủ nhiệm luôn đạt trên 98%.

    Để giúp các em học sinh hiểu bài, tiếp thu bài tại lớp, cô giáo Y Nón nỗ lực nghiên cứu, tự tìm tòi, học hỏi, đổi mới phương pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, tìm nhiều biện pháp nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Không phụ lại sự kiên trì, tình yêu thương của cô giáo Y Nón, nhiều học sinh ở lớp cô chủ nhiệm đã đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện. Cá nhân cô Y Nón là giáo viên dạy giỏi cấp huyện…

    Thầy giáo Lê Đình Việt Khương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết: Cô Y Nón là một giáo viên trẻ, vững vàng về chuyên môn, sử dụng công nghệ thông tin thành thạo; luôn hòa đồng với đồng nghiệp; có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc và luôn chịu khó học hỏi. Cô tích cực tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện đạt nhiều giải cao, được đồng nghiệp, học sinh yêu mến. Ngoài việc giảng dạy chuyên môn, cô giáo Y Nón còn hát hay, múa giỏi và từng đạt giải Nhất văn nghệ cấp tỉnh.      

    Bảo Châu

    Đi tới nguồn bài viết