Lưu truyền giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ tương lai

8

baotintuc.vnChú thích ảnh
Tiết mục biểu diễn cồng chiêng – xoang của đoàn nghệ nhân dân tộc thiểu số Gié – Triêng, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. 

Tham gia Liên hoan có khoảng 800 nghệ nhân đến từ 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Các đoàn nghệ nhân biểu diễn 29 tiết mục cồng chiêng, trích đoạn nghi lễ, diễn tấu. Qua đó giúp khán giả, những người yêu văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống được thưởng thức tiết mục đặc sắc, hòa mình vào không gian văn hóa, lễ hội của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum.

Đắm mình trong các tiết mục

Đến với Liên hoan cồng chiêng – xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024, mỗi đội trình diễn một chương trình gồm nhiều tiết mục như, biểu diễn cồng chiêng, xoang; hòa tấu nhạc cụ truyền thống kết hợp cồng chiêng; các làn điệu dân ca truyền thống được đệm cồng chiêng…

Chú thích ảnh
Tiết mục biểu diễn cồng chiêng của đoàn nghệ nhân dân tộc Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. 

B’Râu là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất của cả nước. Thăm dự Liên hoan lần này, đoàn nghệ nhân dân tộc B’Râu (làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) có 30 thành viên, biểu diễn các tiết mục gồm: bài chiêng “Bơm pa rar – Mừng hội”, diễn tấu Đinh Pú “Đót pi Mưnr – Phát rẫy”, hát dân ca “Sáp sam pu – Dựng làng mới”.

Nghệ nhân Y San, đoàn nghệ nhân dân tộc thiểu số B’Râu cho biết, mỗi tiết mục đều mang ý nghĩa đặc trưng riêng. Bài chiêng “Bơm pa rar” thể hiện tinh thần vui tươi, phấn khởi với mong muốn dân làng được bình an, xua đuổi cọp, beo (báo), mừng mùa màng bội thu; diễn tấu Đinh Pú “Đót pi Mưnr” lại vẽ nên hình ảnh dân làng vui mừng khi tìm được địa điểm thích hợp phát nương, làm rẫy, cầu thần linh cho một mùa màng tốt tươi. Trong khi đó, hát dân ca “Sáp sam pu” để tôn vinh con nhện – một trong những con vật được xem là trung thành trong văn hóa của người B’Râu.

Chú thích ảnh
Tiết mục biểu diễn đàn ting-ning, cồng chiêng và đàn Klong Put của các nghệ nhân dân tộc Xơ Đăng. 

“Trong quá trình di chuyển do thiên tai, dịch bệnh hoặc chiến tranh, người B’Râu tôn vinh sự trung thành của con nhện, nó đi theo mình từ làng cũ sang làng mới. Những tiết mục chúng tôi biểu diễn tại Liên hoan đã khắc họa chân thực đời sống cộng đồng dân tộc B’Râu, với mong muốn cùng các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, nghệ nhân Y San nói.

Đoàn nghệ nhân dân tộc Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) tại thôn Đăk Xô, xã Hiếu, huyện Kon Plông mang đến Liên hoan các tiết mục như: trình diễn cồng chiêng – xoang “Âm vang mừng lúa mới”, hát dân ca truyền thống “Ngày hội quê tôi”, trình diễn cồng chiêng – xoang kết hợp hòa tấu nhạc cụ đàn T’Rưng “Truyền thuyết Măng Đen”.

Lễ hội mừng lúa mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong văn hóa, tín ngưỡng của người Mơ Nâm, thể hiện sự biết ơn của bà con đối với thần linh, trời đất đã cho họ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đó chính là cảm hứng xuyên suốt tiết mục trình diễn cồng chiêng – xoang “Âm vang mừng lúa mới”. Với bài hát dân ca truyền thống “Ngày hội quê tôi”, người Mơ Nâm thể hiện sự đoàn kết của các dân tộc anh em, đều là con cháu một nhà, là cháu Bác Hồ cùng nhau xây dựng đất nước phồn vinh, giàu đẹp.

Chú thích ảnh
Tiết mục biểu diễn cồng chiêng – xoang của đoàn nghệ nhân huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. 

Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết, các đội nghệ nhân của các huyện, thành phố tham gia Liên hoan có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Các tiết mục biểu diễn giúp người xem hiểu rõ hơn về văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Qua đó cùng nhau xây dựng tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong tỉnh nói riêng, của cả nước nói chung.

Chị Võ Thị Cẩm Ba, du khách đến từ thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ, đến với Kon Tum vào dịp lễ hội, chị được thưởng thức các tiết mục đặc sắc. Chị cảm thấy rất thích thú, được đắm mình vào những điệu cồng chiêng, bài hát dân ca cũng như âm thanh của các loại nhạc cụ. Tất cả tạo nên “bức tranh” về cuộc sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Kon Tum, hòa vào “dòng chảy” văn hóa chung của một Tây Nguyên kỳ vĩ.

Lưu truyền cho thế hệ tương lai

Liên hoan cồng chiêng – xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024 chứng kiến nhiều đội nghệ nhân với đông đảo số thành viên trẻ tuổi. Đa số các nghệ nhân trẻ trong độ tuổi từ 11 – 15, trình diễn khá thuần thục các bài múa cồng chiêng, xoang.

Chú thích ảnh
Tiết mục biểu diễn đàn ting-ning và cồng chiêng của các nghệ nhân tại liên hoan.

Em Thao Lực (11 tuổi) là nghệ nhân nhỏ tuổi nhất của đoàn nghệ nhân dân tộc thiểu số B’Râu. Lực cho biết, em đã học đánh xèng được hơn một năm, do các nghệ nhân lớn tuổi trong thôn Đăk Mế chỉ dạy. Đến với Liên hoan, em thực hiện các động tác đánh xèng và bước nhảy vững chắc, thần thái tự tin và đầy ngẫu hứng, mang đậm bản sắc của dân tộc B’Râu.

“Ban đầu, em cũng lo lắng lắm nhưng được các ông, các bác trong đoàn khích lệ, em đã có thêm sự tự tin, cùng với các thành viên khác trình diễn thành công tiết mục của mình. Em cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi góp một phần nhỏ để lan tỏa nét đẹp trong văn hóa của người B’Râu đến du khách cũng như giao lưu với các dân tộc anh em khác trong tỉnh”, Thao Lực chia sẻ.

Trong khi đó, em Y Kiếp (12 tuổi, đoàn nghệ nhân dân tộc Mơ Nâm, huyện Kon Plông) làm quen với múa xoang từ khi 8 tuổi. Em tiếp cận với văn hóa truyền thống từ những lễ hội của làng khi còn nhỏ, sau đó, được nhà trường và nghệ nhân lớn tuổi trong làng truyền dạy.

Chú thích ảnh
Tiết mục biểu diễn cồng chiêng – xoang của đoàn nghệ nhân dân tộc thiểu số Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. 

“Em sẽ cố gắng tiếp thu nhiều bài múa hơn nữa để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, giúp văn hóa truyền thống của dân tộc Mơ Nâm không bị mai một”, Y Kiếp chia sẻ.

Ông Phan Văn Hoàng đánh giá, việc các đoàn, đội nghệ nhân có nhiều nghệ nhân trẻ tuổi cho thấy sự tiếp nối thế hệ trong nghệ thuật truyền thống đã được cộng đồng các dân tộc thiểu số trong tỉnh chú trọng. Điều này khẳng định sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong triển khai các chương trình, đề án, nhất là Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

“Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, nghệ nhân lớn tuổi đã truyền dạy lại cho thế hệ trẻ nét văn hóa đặc trưng như, diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca, dệt thổ cẩm… Thế hệ trẻ ý thức được việc phải bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc do cha ông sáng tạo, lưu truyền. Đó chính là tín hiệu tích cực trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại Kon Tum”, ông Phan Văn Hoàng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Các nghệ nhân trẻ tuổi dân tộc Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum tái hiện Lễ mừng lúa mới. 


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/van-hoa/luu-truyen-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cho-the-he-tuong-lai-20241213142101864.htm