baokontum.com.vn
Chất vấn, trả lời chất vấn là nội dung luôn nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân. Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, thẳng thắn, các đại biểu tham gia chất vấn và người trả lời chất vấn đã thẳng thắn trao đổi, làm rõ các vấn đề nổi cộm, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.
Từ thực tiễn đặt ra, tại Kỳ thứ 8, HĐND tỉnh khóa XII đã nghiên cứu, lựa chọn 9 vấn đề để chất vấn các thành viên UBND tỉnh, người đứng đầu một số địa phương, đơn vị.
Trước thực trạng nhiều xã nông thôn mới (NTM) không duy trì đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, đại biểu Nguyễn Xuân Khánh (Tổ đại biểu huyện Ia H’Drai) đề nghị ngành chức năng làm rõ nguyên nhân, giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Đây cũng là vấn mà đại biểu Nguyễn Trung Hải (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) trăn trở.
Đại biểu Nguyễn Trung Hải (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) tham gia chất vấn. Ảnh: Đức Thành
Đại biểu Nguyễn Xuân Khánh (Tổ đại biểu huyện Ia H’Drai) tham gia chất vấn. Ảnh: Đức Thành
Là người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Tấn Liêm thông tin, tính đến 30/11/2024, toàn tỉnh có 49 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó, có 20 xã được công nhận theo bộ tiêu chí cũ (từ năm 2010 – 2020) đến nay không duy trì đạt chuẩn 19/19. Việc một số xã không giữ được “phong độ” là do bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 – 2025 bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu mới và yêu cầu mức đạt chuẩn cũng cao hơn. Bên cạnh đó, cũng phải nói tới, một số địa phương chưa quan tâm đến việc tiếp tục đầu tư duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Tấn Liêm trả lời chất vấn. Ảnh: Đức Thành
Với vai trò là cơ quan thường trực, thời gian tới, Giám đốc Sở NN&PTNT hứa sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương rà soát, đánh giá đúng thực trạng để tham mưu UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo, hỗ trợ các xã tháo gỡ khó khăn nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM. Mục tiêu là đến quý I/2025, đảm bảo 100% các xã NTM duy trì đạt chuẩn 19/19 tiêu chí.
Tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XII, đại biểu A Tuân (Tổ đại biểu huyện Đăk Tô) đã chất vấn UBND tỉnh về những bất cập trong quản lý, cấp phép thành lập và xử lý đối với các trạm cân thu mua nông sản vi phạm quy định. Tại Kỳ họp này, vấn đề này tiếp tục được đại biểu A Tuân nêu ra.
Đại biểu A Tuân (Tổ đại biểu huyện Đăk Tô) tham gia chất vấn. Ảnh: Đức Thành
Với vai trò được giao phụ trách lĩnh vực này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, thanh tra tỉnh đã tổ chức thanh tra và có kết luận cụ thể về vấn đề này.
Hiện, toàn tỉnh hiện có 172 trạm cân, trong đó, có 20 trạm cân đủ điều kiện hoạt động, 88 trạm cân cần tháo dỡ, di dời, 64 trạm cân cần bổ sung hồ sơ, thủ tục để tiếp tục hoạt động. Đa số các trạm cân này của hộ gia đình, cá nhân hoạt động theo mùa vụ, có quy mô nhỏ, lắp đặt tạm thời tại đất vườn, rẫy đất thương mại – dịch vụ; chưa chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật trong đăng ký kinh doanh, vị trí xây dựng không phù hợp với quy hoạch, nằm ở vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm trả lời chất vấn. Ảnh: Đức Thành
Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để xảy ra các khuyết điểm, hạn chế này, trách nhiệm chủ yếu thuộc về UBND các huyện, thành phố. UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định về đầu tư, xây dựng các trạm cân, không để phát sinh những trường hợp vi phạm mới.
Theo yêu cầu của Đoàn Chủ tọa, lãnh đạo các huyện, thành phố đã trả lời, làm rõ về tiến trình xử lý đối với các trạm cân vi phạm và chưa đảm bảo các điều kiện để đưa vào hoạt động.
Đại biểu Đinh Thị Hồng Thu (Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy) tham gia chất vấn. Ảnh: Đức Thành
Trả lời đại biểu Đinh Thị Hồng Thu (Tổ đại biểu Kon Rẫy) về nguyên nhân Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei (huyện Kon Rẫy) chậm tiến độ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm cho biết, quá trình triển khai hồ sơ và thi công công trình gặp phải một số vướng mắc, bất cập do yếu tố khách quan. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, về chủ quan, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện, điều hành dự án; một số nhà thầu chưa đảm bảo năng lực về tài chính, năng lực thi công.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, năm 2025, công trình sẽ được đưa vào khai thác, cung cấp nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đại biểu Lê Minh Chính (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) tham gia chất vấn. Ảnh: Đức Thành
Băn khoăn trước tình trạng tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện Đăk Glei vào xã Đăk Nhoong và đường từ xã Đăk Môn vào xã Đăk Long thuộc huyện Đăk Glei hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, đại biểu Lê Minh Chính (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) chất vấn lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải về hướng khắc phục.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Mười trả lời chất vấn. Ảnh: Đức Thành
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Mười nhấn mạnh, 2 tuyến đường này có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và phục vụ quốc phòng an ninh khu vực biên giới, UBND huyện Đăk Glei là cơ quan được giao quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì. Thời gian qua, Sở phối hợp với UBND huyện Đăk Glei, các ngành liên quan đã đánh giá thực trạng, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí, tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư lớn nên chưa cân đối bố trí được nguồn vốn đầu tư.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn giải trình, làm rõ nội dung đại biểu chất vấn. Ảnh: Đức Thành
Giải thích, làm rõ thêm về vấn đề này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn thông tin, 2 tuyến đường này đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 – 2030, UBND tỉnh đã đăng ký với Trung ương để bố trí nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra sôi nổi, có trọng tâm và mang tính xây dựng cao. Các đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát vấn đề. Lãnh đạo UBND tỉnh, các ngành chức năng cơ bản nắm chắc tình hình, làm rõ được những vấn đề các đại biểu HĐND tỉnh nêu ra; xác định được nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục và cam kết cụ thể về lộ trình thực hiện.
Giữa các phần chất vấn và trả lời chất vấn, Đoàn chủ tọa điều hành Kỳ họp linh hoạt gợi mở, định hướng nội dung trả lời để làm sáng tỏ các vấn đề.
Quá trình chất vấn và trả lời chất vấn có sự tranh luận, phản biện nhưng không quá gay gắt, cuối cùng đi đến thống nhất, đoàn kết cao vì nhiệm vụ chung, đó là thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân.
Thùy Hương
Đại biểu Huỳnh Thị Hồng (Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy)
Trước Kỳ họp, cử tri trên địa bàn huyện Kon Rẫy rất quan tâm đến tiến độ thi công Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei. Cử tri kiến nghị cấp thẩm quyền và các đơn vị liên quan cần quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn, để qua đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành Dự án theo kế hoạch đề ra. Ngoài ra, cử tri cũng mong tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ buộc phải di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi (theo Nghị quyết 99/2022/NQ-HĐND, ngày 12/12/2022 của HĐND tỉnh). Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh khi thực hiện giao chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm cho các địa phương cần bám sát thực tiễn của từng địa phương, gắn với các giải pháp và nguồn lực thực hiện cụ thể để các địa phương hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo được giao.
Đại biểu Nàng Len (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi)
Tại Kỳ họp lần này, bà con cử tri trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn nữa về việc nâng chế độ, chính sách cho người hoạt động không chuyên trách tại thôn, gồm bí thư chi bộ, người đứng đầu đoàn thể chính trị-xã hội. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ cho học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn sau khi tốt nghiệp THPT tham gia các lớp đào tạo nghề và tạo điều kiện giới thiệu có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Tôi mong các cấp ngành, đơn vị liên quan của tỉnh quan tâm, giải quyết kịp thời và thấu đáo các nội dung này để đáp ứng mong mỏi của cử tri.
Đại biểu A Thái (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy)
Những năm qua, thông qua nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn trên địa bàn được đầu tư từng bước đồng bộ, hoàn thiện, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn ở các thôn, xã vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sa Thầy nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, trên địa bàn xã Mô Rai hiện có khoảng 25ha cây trồng gồm mì, lúa, mía của bà con đồng bào DTTS hay bị thiếu nước tưới vào mùa khô, cử tri đã nhiều lần kiến nghị quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất nhưng vẫn chưa được đầu tư. Vì vậy, đề nghị tỉnh quan tâm, bố trí vốn đầu tư hệ thống thủy lợi để cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất để phát huy hiệu quả và tránh lãng phí về đất đai.
Đức Thành
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/thoi-su-chinh-tri/phien-chat-van-va-tra-loi-chat-van-nghiem-tuc-thang-than-va-trach-nhiem-44446.html