Đồng hành cùng phụ nữ vùng biên phát triển kinh tế

6

baokontum.com.vn

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại huyện Sa Thầy đã mang lại những thay đổi tích cực cho phụ nữ vùng biên, tạo cơ hội để họ vươn lên trong cuộc sống.

Ngày 21/11, Hội LHPN huyện Sa Thầy tổ chức bàn giao “Mái ấm tình thương” cho gia đình chị Y Dút tại làng Le, xã Mô Rai. Gia đình chị Y Dút (sinh năm 1988) thuộc diện hộ nghèo, đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chị mắc bệnh tim, trong khi chồng chị đang điều trị ung thư vòm họng. Gia đình 4 người phải sống trong căn nhà tạm bợ nhiều năm qua.

Ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, với tổng diện tích hơn 100m², gồm 1 phòng khách, 3 phòng ngủ và 1 phòng bếp. Tổng kinh phí xây dựng hơn 150 triệu đồng, trong đó 50 triệu đồng được hỗ trợ từ Hội LHPN thành phố Hà Nội theo Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2024, phần còn lại do gia đình đối ứng và nhận sự giúp đỡ từ anh em, họ hàng.

Trong niềm vui có căn nhà mới, chị Y Dút bày tỏ: Có được ngôi nhà mới, gia đình tôi rất vui mừng và phấn khởi. Từ nay, hai vợ chồng cố gắng lao động sản xuất, phát triển kinh tế và chăm lo cho con cái học hành tốt hơn.

Hội LHPN huyện Sa Thầy bàn giao “Mái ấm tình thương” cho gia đình chị Y Dút. Ảnh: Y.Đ

 

Cũng trong dịp này, cán bộ Hội LHPN huyện Sa Thầy đã đến thăm gia đình chị Y Sét ở làng Tang (xã Mô Rai). Gia đình chị Y Sét được hỗ trợ 1 con bò sinh sản theo Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2023.

Thấy cán bộ Hội đến thăm, chị Y Sét mừng rỡ và khoe rằng bò mẹ sắp đẻ lần nữa. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã, thu nhập không ổn định. Năm 2023, gia đình chị được hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, bò mẹ đã đẻ 1 con bê, nay đã được 8 tháng tuổi. “Nay bò mẹ sắp đẻ nữa, gia đình dự định sau khi bò mẹ đẻ, sẽ chuyển giao con bê cho hộ khó khăn khác”- chị Y Sét nói.

Chị Y Sét chia sẻ: Quá trình chăn nuôi bò, tôi cũng tham gia các lớp tập huấn do xã và hội phụ nữ tổ chức. Bản thân vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ cho các chị em khác muốn phát triển mô hình chăn nuôi.

Bên cạnh đó, chị Y Sét đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh Hội LHPN xã để đầu tư chuyển đổi 2,5ha đất trồng mì sang trồng cao su. Gia đình chị phấn đấu hết năm 2025 sẽ thoát nghèo.

Hội LHPN huyện Sa Thầy thăm mô hình chăn nuôi bò của gia đình chị Y Sét ở làng Tang, xã Mô Rai. Ảnh: Y.Đ

 

heo Hội LHPN huyện Sa Thầy, số bò sinh sản từ nguồn hỗ trợ của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được triển khai theo mô hình nuôi bò sinh sản luân chuyển. Các hộ được hỗ trợ bò sau khi sinh sản lứa đầu, sẽ luân chuyển con bê tiếp theo cho các hộ khó khăn khác nuôi, từ đó sẽ giúp nhiều hộ có điều kiện để phát triển chăn nuôi.

Chị Phan Thị Mỹ Lan – Chủ tịch Hội LHPN huyện Sa Thầy cho biết: Mô hình nuôi bò luân chuyển không chỉ giúp các gia đình có bò sinh sản mà còn tạo cơ hội để họ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, thúc đẩy tinh thần tương trợ, đoàn kết trong cộng đồng. Đặc biệt, các hộ gia đình sau khi nhận bò sẽ có trách nhiệm hơn trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc đến khi bò sinh sản, để tiếp tục trao lại cho các gia đình khác, từ đó mở rộng phạm vi hỗ trợ bò.

Theo thống kê của Hội LHPN huyện Sa Thầy, từ khi Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được triển khai vào năm 2018 đến nay, đã có 9 căn nhà được xây dựng và 33 hộ được hỗ trợ bò sinh sản tại 2 xã Mô Rai và Rờ Kơi. Chương trình cũng giúp xây dựng 130 nhà tiêu hợp vệ sinh; hằng năm trao 5 suất học bổng cho học sinh có thành tích xuất sắc.

Đồng thời, Chương trình cũng đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả khác, như: Tổ phụ nữ DTTS liên kết trồng mì cao sản; tổ phụ nữ tuyên truyền pháp luật; mô hình quản lý người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật; mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ vào sản xuất.

Chị Phan Thị Mỹ Lan đánh giá: Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam phát động thực sự đã giúp nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện vươn lên trong cuộc sống, tạo cơ hội để họ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Có thể nói rằng, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã và đang góp phần quan trọng vào sự thay đổi tích cực của các gia đình nghèo, đặc biệt là phụ nữ ở các vùng biên giới. Từ những ngôi nhà mới, những đàn bò sinh sản, đến những mô hình sản xuất hiệu quả, chương trình đã không chỉ hỗ trợ vật chất mà còn mang lại giá trị tinh thần lớn lao, giúp phụ nữ vùng biên giới tự tin vươn lên trong cuộc sống. 

Y Đô


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/dong-hanh-cung-phu-nu-vung-bien-phat-trien-kinh-te-44424.html