Người Gié – Triêng ở thôn Măng Rao giữ nghề đan lát

3

baokontum.com.vn

Đan lát là nghề đã có từ lâu đời của đồng bào Gié Triêng ở thôn Măng Rao (xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei). Bằng bàn tay khéo léo, nhiều nghệ nhân đã biến tre, nứa thành những vật dụng sinh hoạt chắc chắn, đẹp mắt, giúp tăng thêm thu nhập và góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.

Chiều muộn, ông A Nhong về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Rửa mặt mũi chân tay xong, ông tranh thủ vót tre, chuốt nan để đan cho xong chiếc gùi đang dang dở.

Vừa tập trung chuốt nan, đan gùi, ông A Nhong vừa kể cho tôi nghe về nghề đan lát của người Gié- Triêng ở thôn Măng Rao. Ông A Nhong cho hay, người Gié- Triêng từ xưa có rất nhiều nghề truyền thống như nghề rèn, nghề đan lát, nghề dệt, trong đó, đan lát là một trong những nghề có từ lâu đời. Đan lát với người dân nơi đây không chỉ là công việc thường ngày mà còn một phần của cuộc sống.

Nói thêm về nghề đan lát, ông A Nhong bảo rằng, trong các loại sản phẩm đan lát của đồng bào Gié- Triêng thì gùi là sản phẩm đặc sắc nhất. Gùi được xem là phương tiện vận chuyển quan trọng và không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

170803%C3%94ng%20A%20Nhong%20(Tr%C3%A1i)%20th%C6%B0%E1%BB%9Dng%20xuy%C3%AAn%20v%E1%BA%ADn%20%C4%91%E1%BB%99ng%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20gi%E1%BB%AF%20g%C3%ACn%20ngh%E1%BB%81%20%C4%91an%20l%C3%A1t%20 %20%E1%BA%A3nh%20TH

Ông A Nhong (trái) thường xuyên vận động người dân giữ gìn nghề đan lát. Ảnh: T.H

 

Theo ông A Nhong, để làm ra một chiếc gùi bền và đẹp, việc xử lý nguyên liệu rất quan trọng và đó cũng là yếu tố được ông quan tâm hàng đầu. Nguyên liệu sau khi lấy từ rừng về, phải được gác trên giàn bếp để khô một cách tự nhiên. Trước khi đan, nguyên liệu cần được ngâm trong nước từ 2-3 tiếng cho mềm rồi mới lấy ra để chẻ, vót.

“Sợi nan phải được chuốt, chẻ sao cho đạt tỉ lệ hợp lý, không quá dày cũng không quá mỏng. Phải đảm bảo sợi nan có độ mềm, nhẵn để dễ kết hình ban đầu, tạo thuận lợi trong quá trình đan. Khi chuốt nan, tay người chuốt phải rất khéo léo, uyển chuyển thì mới tạo ra những sợi nan dẻo dai để dễ luồn lách khi đan. Có như vậy chiếc gùi mới sắc sảo, đẹp mắt”- ông A Nhong nói.

Phải mất từ 2-5 ngày ông A Nhong mới hoàn thành một chiếc gùi. Nếu có nhiều thời gian để đan thì mỗi tháng ông A Nhong sẽ làm được 8 chiếc gùi. Mỗi sản phẩm được bán với giá từ 300.000 -500.000 đồng, tuỳ kích cỡ.

Với ông A Nhong, việc đan gùi không chỉ để cải thiện đời sống mà còn để nhắc nhở và truyền dạy cho thế hệ con cháu cùng giữ cái nghề mà cha ông để lại. Chính vì thế, những năm qua, ông A Nhong đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để vận động những người biết nghề đan lát tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Ở thôn Măng Rao, ngoài ông A Nhong, ông A Rứu (85 tuổi) cũng được biết đến là một người đan gùi tài hoa. Các sản phẩm do đôi tay khéo léo của ông A Rứu làm ra đã có mặt khắp thôn, làng của xã Đăk Pék. Trong ngôi nhà nhỏ của ông A Rứu lúc nào cũng có hàng chục sản phẩm thủ công được xếp gọn gàng.

170834%C3%94ng%20A%20R%E1%BB%A9u%20(tr%C3%A1i)%20chia%20s%E1%BA%BB%20k%E1%BB%B9%20thu%E1%BA%ADt%20%C4%91an%20l%C3%A1t %E1%BA%A3nh%20TH

Ông A Rứu (trái) chia sẻ kỹ thuật đan lát. Ảnh: TH

 

Ông A Rứu bảo rằng, để đan lát tốt, trước hết cần học cách chẻ nan và chọn tre, nứa. Nan chẻ đan gùi, nong, nia phải chọn từ cây tre, nứa không quá già hay quá non. Cây nứa, cây tre già quá, thân cứng, nan dễ gãy và khó đan. Ngược lại, cây nứa, cây tre non quá, lạt khi phơi khô sẽ teo lại, không đủ độ dai và bền cho gùi, nong, nia khi sử dụng. Sau khi chẻ, nan cần được vuốt nhẹ để tạo độ bóng. Sản phẩm đẹp, bền hay không là do người đan tỉ mỉ, cận thận ở tất cả các khâu.

Theo kinh nghiệm của ông A Rứu, để các sản phẩm tre dẻo dai, bền bỉ, sau khi hoàn thiện thì treo trên giàn bếp một thời gian. Làm như vậy, những sợi nan sẽ bền chặt hơn, có thể tránh được mối mọt và sự khắc nghiệt của thời tiết.

Đến nay, các sản phẩm đan lát của ông A Rứu đã trở thành thương hiệu, được người dân ở các thôn lân cận thường xuyên đến xem và mua. Ông A Rứu chia sẻ, cứ bình quân 2 – 3 ngày, ông sẽ đan xong một chiếc gùi cỡ trung hoặc một chiếc nia cỡ lớn, bán với giá từ 200.000 – 500.000 đồng/sản phẩm. Mỗi tháng, ông làm được khoảng 13 sản phẩm.

Để gìn giữ nghề đan lát của dân tộc mình, ông A Rứu vẫn thường tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa của nghề đan lát vào những buổi họp làng. Vào những lúc rảnh rỗi, ông A Rứu thường gọi người trẻ trong làng đến nhà để chỉ dạy những kỹ thuật cơ bản của nghề đan lát với mong muốn gìn giữ được nghề truyền thống.

Rời thôn Măng Rao, chúng tôi hy vọng rằng, với sự nhiệt tình, đam mê truyền nghề của các ông A Rứu, A Nhong, nghề đan lát truyền thống của người Gié- Triêng tại thôn Măng Rao sẽ được duy trì và không mai một theo thời gian.

Thu Hiền


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/nguoi-gie-trieng-o-thon-mang-rao-giu-nghe-dan-lat-44420.html