baokontum.com.vn
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến ngày 1/1/2025 sẽ phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Từ nay đến thời điểm quy định chính thức đi vào cuộc sống không còn dài (chỉ khoảng 2 tháng), làm sao để mỗi người dân thay đổi thói quen, dần hình thành nền nếp có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, dân số tăng nhanh, chất lượng sống nâng cao nên sức tiêu thụ, nhu cầu sử dụng các vật dụng phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày tăng, kéo theo đó là lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt gia tăng. Trong số những loại rác thải rắn sinh hoạt mà các hộ gia đình thải ra hằng ngày có rất nhiều loại khác nhau, có loại rác thải hữu cơ dễ bị phân hủy như rau củ, thức ăn dư thừa, có những loại rác thải như ni lon, thùng nhựa, hộp carton, giấy, sắt thép có thể tái sử dụng, tái chế và cũng có những loại rác thải vô cơ không có khả năng tái sử dụng, tái chế như thủy tinh, quần áo cũ, xương động vật, xỉ than…
Dù có nhiều loại rác thải khác nhau nhưng có một thực tế là bấy lâu nay, các hộ gia đình chưa có những kiến thức cơ bản để phân biệt được đâu là rác thải hữu cơ, vô cơ, tái chế, cũng chưa có thói quen và cũng chưa tiến hành phân loại rác thải rắn tại nguồn. Các hộ gia đình bỏ tất cả các loại rác lẫn lộn chung vào một bì, một thùng, rồi đơn vị thu gom tiến hành chôn lấp, xử lý cùng như nhau ở một chỗ.
Nhiều người thiếu ý thức, vứt xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Ảnh: N.P
Điều này cứ tưởng là tiện (nhanh, gọn) nhưng lại không lợi, thậm chí còn hại đủ bề. Khi không phân loại, bỏ lẫn lộn chung tất cả các loại rác lại với nhau, từ loại dễ bị phân hủy, loại có khả năng tái chế, tái sử dụng, cho đến loại không có khả năng tái sử dụng, tái chế, đã tạo nên một lượng rác thải lớn buộc phải xử lý theo hình thức chôn lấp, về lâu dài sẽ gây áp lực đến môi trường, sức khỏe con người. Hơn nữa, có những loại rác nếu được phân loại ngay từ ban đầu, đơn vị thu gom sẽ tái chế, sử dụng vào các mục đích khác nhau. Có những loại rác qua quá trình xử lý sẽ có một vòng đời mới, ví dụ như rác hữu cơ có thể làm phân vi sinh, các loại rác thải như nilon, hộp nhựa, sắt thép sẽ được tận dụng để tái chế, tái sử dụng, vừa tiết kiệm được nguồn nguyên liệu, nguồn tài nguyên, giảm được chi phí sản xuất, vừa giảm được áp lực cho môi trường và sức khỏe con người.
Khi mà đa số người dân chưa có những kiến thức cơ bản để phân biệt được đâu là rác thải hữu cơ, vô cơ, tái chế, cũng chưa có thói quen và cũng chưa tiến hành phân loại rác tại nguồn thì việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, triển khai thực hiện nghiêm phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Mới đây, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum đã ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại nguồn trên địa bàn thành phố Kon Tum. Trong đó, đã quy định cụ thể phân loại chất thải rác sinh hoạt tại nguồn thành 3 nhóm: nhóm chất thải thực phẩm (hữu cơ), nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải sinh hoạt khác (vô cơ). Quá trình thu gom vận chuyển sau phân loại, đối với 10 phường nội thành, các ngày chẵn thu gom, tách riêng thành 2 loại, rác thải thực phẩm sau phân loại và rác thải quét đường, quét hè; các ngày lẻ thu gom, tách riêng thành 2 loại, rác thải tái chế, rác thải khác còn lại và rác thải quét đường, quét hè. Riêng các xã trên địa bàn thành phố Kon Tum đang thu gom cố định (2-3 ngày/tuần), cũng đã có quy định cụ thể từng ngày sẽ thu gom đối với từng loại rác.
Điểm lưu chứa rác sinh hoạt đã phân loại ở Công viên 2/9, thành phố Kon Tum. Ảnh: NP
Trong đó, Kế hoạch nhấn mạnh: Công nhân quét dọn vệ sinh được quyền từ chối thu gom rác thải sinh hoạt nếu người dân không phân loại rác tại nguồn hoặc mang rác sinh hoạt sau phân loại ra đường, vỉa hè không đúng quy định như không phân loại rác, đưa rác thải ra đường không đúng chủng loại theo ngày, không đúng màu bao bì chứa rác, không đóng gói rác rời (để rác rời trong thùng).
Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ “quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” đã quy định, các hộ dân, các cộng đồng dân cư không thực hiện phân loại rác theo quy định sẽ bị phạt tiền lên đến mức cao nhất 30 triệu đồng, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải), không sử dụng bao bì chứa rác sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Pháp luật đã quy định hết sức cụ thể về thời gian có hiệu lực, mức xử phạt; các địa phương và đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý đã hướng dẫn cách phân loại và địa điểm, thời gian tập kết chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại. Đây chính là những cơ sở pháp lý, tiền đề tạo thói quen mới, hành vi mới, đưa việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của mỗi người dân. Qua đó, góp phần giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời tối ưu hóa được nguồn tài nguyên từ rác thải.
Nguyên Phúc
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/huong-toi-phan-loai-rac-tai-nguon-44181.html