baokontum.com.vn
Tỉnh ta có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản mang giá trị văn hóa, kinh tế. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu là giải pháp góp phần nâng tầm giá trị và sức cạnh tranh cho hàng hóa trên thị trường.
Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, xây dựng thương hiệu chính là cách giúp cho sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm nông nghiệp nói riêng có sức cạnh tranh và tạo được chỗ đứng trên thị trường, niềm tin của người tiêu dùng. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp của tỉnh chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản.
Đăk Hà là vùng trọng điểm sản xuất cà phê lớn nhất của tỉnh và được biết đến là 1 trong 8 vùng cà phê ngon nhất Việt Nam. Để nâng tầm giá trị hạt cà phê, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất, từ năm 2007, huyện Đăk Hà đã đề ra chủ trương, kế hoạch xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”. Đến năm 2019, các sản phẩm “Cà phê Đăk Hà” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Doanh nghiệp và người dân huyện Đăk Hà tích cực xây dựng và phát triển thương hiệu Cà phê Đăk Hà. Ảnh: T.H
Để khai thác và phát huy giá trị của chỉ dẫn địa lý “Cà phê Đăk Hà”, chính quyền huyện Đăk Hà quán triệt, hướng dẫn các chủ thể sản xuất, chế biến cà phê mang chỉ dẫn địa lý phải tuân thủ theo đúng các quy trình kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến theo các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ dân trên địa bàn huyện tích cực đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến cà phê để tạo ra các dòng sản phẩm có chất lượng. Từ đó, thương hiệu Cà phê Đăk Hà ngày càng được khách hàng tin tưởng, tạo dựng chỗ đứng trên thị trường. Đặc biệt, sản phẩm cà phê của huyện Đăk Hà đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Đức, Pháp, Mehico, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Mỹ… mang lại doanh thu, lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất.
Trong những năm gần đây, Yến sào Kon Tum của Công ty TNHH Yến sào Kon Tum là một trong những thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến. Các sản phẩm Yến sào Kon Tum không chỉ được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Các sản phẩm Yến Sào Kon Tum ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: TH
Để tạo dựng được tên tuổi, cùng với việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, Công ty TNHH Yến sào Kon Tum không ngừng nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, cải tiến mẫu mã, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, năm 2023, sản phẩm Yến sào Kon Tum được vinh danh trong top 10 thương hiệu- nhãn hiệu nổi tiếng hàng đầu Việt Nam. Vừa qua, nhãn hiệu Yến sào Kon Tum được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm cũng như củng cố lòng tin và uy tín trong tâm trí của khách hàng.
Xu thế cạnh tranh của thị trường đòi hỏi sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng. Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm lợi thế có tiềm năng xuất khẩu luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Trong đó, chú trọng hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo lập, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm hàng hóa.
Đến nay, cùng với chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho cà phê Đăk Hà, tỉnh ta đã thực hiện đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ. Nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị như sâm Ngọc Linh, cà phê xứ lạnh, lan kim tuyến, ý dĩ, đảng sâm, ngũ vị tử, đương qui, sa nhân tím, nghệ vàng, đinh lăng, nấm linh chi, dệt thổ cẩm, gạo thơm, yến sào mang thương hiệu Kon Tum đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Cùng với đó, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Với nhiều chính sách hỗ trợ đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, từng bước chuẩn hóa sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản của các địa phương.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 249 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao còn thời hạn công nhận. Tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có sản phẩm OCOP. Hầu hết sản phẩm OCOP đều đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương còn tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ cho các hợp tác xã, hộ nông dân thực hiện liên kết trong sản xuất, áp dụng quy trình canh tác an toàn, bền vững để được cấp mã số vùng trồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 29 mã số vùng trồng, bao gồm 18 mã số vùng trồng xuất khẩu với quy mô 325,39ha và 11 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa với quy mô 101,64ha.
Việc đầu tư xây dựng thương hiệu là hướng đi phù hợp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, sức tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của tỉnh trên thị trường và rộng mở cơ hội xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xây dựng thương hiệu đã khó, việc duy trì và phát triển thương hiệu còn khó khăn hơn. Đây là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự chủ động vận động của các tổ chức, cá nhân.
Thiên Hương
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/xay-dung-thuong-hieu-nang-cao-gia-tri-nong-san-43916.html