Quốc hội thảo luận về kinh tế- xã hội

7

baokontum.com.vn

Ngày 26/10, các ĐBQH tỉnh cùng ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên và thành phố Cần Thơ thảo luận Tổ về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Các ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh, Tô Văn Tám và Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu 10 ý kiến tham gia thảo luận.

Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, đại biểu Phạm Đình Thanh quan tâm và thống nhất đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn để làm rõ về nguyên nhân: Giải ngân vốn đầu tư công tăng chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (năm 2023 là 51,38%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn năm trước. Theo đại biểu tình trạng này tiếp diễn đã nhiều năm nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

174851IMG 1729931273523 1729931666679

Đại biểu Phạm Đình Thanh phát biểu. Ảnh: HN

 

Về nhiệm vụ, giải pháp các tháng cuối năm và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, ngoài những nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn Chính phủ đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số vấn đề cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số ngành, địa phương như sau:

Thứ nhất, theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội thì hiện nay “Đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”. Thế nhưng, việc cho phép nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo Điều 248 của Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 đến nay vẫn còn vướng mắc, chưa triển khai được. Vì Luật Đất đai cho phép nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nhưng phải thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan; trong khi đó, Quy chế quản lý rừng hiện hành không cho phép thực hiện chính sách này. Do đó, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo sửa đổi Quy chế quản lý rừng và các văn bản pháp luật khác có liên quan đảm bảo phù hợp, thống nhất quy định giữa các văn bản, để thực hiện chính sách đã được quy định tại Điều luật, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức thực hiện, nhằm khai thác, phát huy tốt nhất lợi thế hiện có để phát triển dược liệu.

Thứ hai, thực hiện chủ trương về xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nay đã có rất nhiều xã, huyện ở các địa phương (trong đó có các địa phương ở vùng Tây Nguyên) hoàn thành mục tiêu nông thôn mới. Cùng với việc đạt xã nông thôn mới thì các xã này cũng đã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn, xã khu vực II, khu vực III. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều hộ gia đình (đặc biệt là hộ người đồng bào dân tộc thiểu số) còn khó khăn, chưa đảm bảo thu nhập bền vững; do đó, khi thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã đặc biệt khó khăn, xã khó khăn (chính sách hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế; các chính sách an sinh xã hội, chính sách về giáo dục và một số chính sách khác) người dân đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao, cần tiếp tục được Nhà nước quan tâm hỗ trợ.

Vấn đề này các địa phương đã báo cáo đến Chính phủ và đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có ý kiến tại Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 01/4/2024 của Văn phòng Chính phủ. Đề nghị Chính phủ sớm xem xét ban hành Nghị định quy định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác đốivới địa bàn các xã khu vực III, khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đúng theo kết luận của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Thông báo số 133/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ (Theo nội dung thông báo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thành việc lập hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2024). Cử tri ở các địa phương đang rất mong chờ Chính phủ ban hành Nghị định này.

Thứ 3, về y tế, để các địa phương phấn đấu đạt mục tiêu năm 2025 có 15 bác sĩ/10.000 dân, năm 2030 là 19 bác sĩ/ 10.000 dân và đến năm 2050 là 35 bác sĩ/10.000 dân (theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050), đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xem xét hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền một số nội dung sau:

Có cơ chế đặc thù để đào tạo bác sĩ là người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và có chính sách thu hút bác sĩ nhằm khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở tại các tỉnh miền núi, vùng cao hiện nay.

Tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện chính sách cử tuyển đào tạo bác sỹ; trong đó, sớm xem xét phê duyệt chỉ tiêu cử tuyển bác sĩ đa khoa năm 2024 theo đề xuất của các địa phương đã trình Chính phủ.

Bổ sung thêm đối tượng là viên chức ngành y tế công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được cử đi đào tạo trình độ đại học như chính sách đã được quy định tại khoản 1, Điều 5 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ.

Bổ sung quy định phù hợp để tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với các đối tượng nêu trên, đảm bảo tương xứng với công sức và đặc thù công việc của họ, nhất là đối với viên chức làm công tác quản lý, phục vụ; viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp dân số tại các cơ sở y tế công lập.

Qua khảo sát thực trạng ở các tỉnh Tây Nguyên, đội ngũ bác sĩ, nhất là tuyến cơ sở còn thiếu nhiều. Riêng tỉnh Kon Tum hiện nay mới đạt khoảng 10 bác sĩ/10.000 dân; chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, rất khó khăn về nguồn để bổ sung.

Trong thời gian tới, nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng ở Trung ương và các chính sách đặc thù ưu tiên, ưu đãi phù hợp thì không thể thực hiện đạt các mục tiêu đã được xác định tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Và, cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng lực khám, chữa bệnh; kiểm soát tốt các dịch bệnh theo nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã xác định trong Báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp này.

175009IMG 1729931273525 1729931676193

Đại biểu Nguyễn Văn Hùng phát biểu. Ảnh: HN

 

Đại biểu Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu, thông tin 3 ý kiến về các giải pháp phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá.

175100IMG 1729931273524 1729931751996

Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu. Ảnh: HN

 

Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến về công tác xây dựng luật và văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành; công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái luật; cần có giải pháp xử lý căn cơ, quyết liệt đối với hàng giả, hàng nhái.

Hồ Nam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/thoi-su-chinh-tri/quoc-hoi-thao-luan-ve-kinh-te-xa-hoi-43682.html