baokontum.com.vn
Ngày 21/10, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các giải pháp tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.
Văn bản số 3774/UBND-KTTH của UBND tỉnh nêu rõ, các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình số 2359/Ctr-UBND ngày 22/7/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 16/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự năng động sáng tạo và tiên phong của lãnh đạo các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Quán triệt quan điểm vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách trong giải quyết công việc theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Không để xảy ra tình trạng không giải quyết các thủ tục có liên quan do chậm trễ về mặt thời gian khi nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính. Thường xuyên, chủ động rà soát khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh để kịp thời giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính do nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường đối thoại với người dân và doanh nghiệp. Ảnh: HL
Tăng cường triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của tỉnh đến với doanh nghiệp, tạo sự nhất quán trong triển khai từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Qua đó, đem lại niềm tin cho doanh nghiệp vào sự kiên quyết, nỗ lực của chính quyền các cấp trong quá trình đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để cắt giảm thời gian trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; thường xuyên rà soát, kịp thời cập nhật, công khai đầy đủ thủ tục hành chính, phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giúp tiết giảm thời gian, chi phí. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng “mối quan hệ” để có được những ưu đãi đặc biệt, chính sách riêng gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Thực hiện tốt các nội dung về công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, trong đó không tiến hành thanh tra, kiểm tra quá 1 lần tại một doanh nghiệp trong 1 năm (trừ trường hợp thanh tra lại). Công khai danh sách doanh nghiệp, nội dung và thời gian thanh, kiểm tra trên website của đơn vị để doanh nghiệp có thể theo dõi.
Phát huy vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, đặc biệt tại các vị trí tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Nhất là trong thực hiện Kết luận số 1883-KL/TU ngày 10/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan, đơn vị địa phương trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Chỉ số PCI), Chỉ số xanh cấp tỉnh (Chỉ số PGI); triển khai hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Kon Tum (DDCI) năm 2024.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: HL
Tiếp tục tham mưu tổ chức hiệu quả Chương trình cà phê “Doanh nghiệp – Doanh nhân”, Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp; kịp thời tiếp nhận, giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Từ đó tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch.
Nghiên cứu thành lập hoặc trình cấp có thẩm quyền thành lập Tổ tư vấn pháp lý /Quầy tư vấn pháp lý đặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ công tác.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào ngành, nghề, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tiếp xúc, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh; đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường để tạo động lực thúc đẩy, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác trong tỉnh.
Tích cực tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý, tham mưu đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm thành phần hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Phối hợp chặt chẽ với Cục thuế tỉnh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính trong quá trình tham gia và rút khỏi thị trường.
Hồng Lam
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/thoi-su-chinh-tri/tang-cuong-cai-cach-hanh-chinh-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-43600.html