tienphong.vn
TP – Chư Mom Ray là một trong những ngọn núi hùng vĩ nhất vùng Bắc Tây Nguyên, đa dạng động thực vật, là biểu tượng của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Nơi đây còn có những sự tích, câu chuyện huyền bí về sự hình thành của Chư Mom Ray do người dân tộc Jrai truyền tai nhau.
Hiểu lầm mẻ vải
Về Sa Thầy (Kon Tum) trên nền trời nắng ráo, hỏi thăm người dân chúng tôi tìm tới làng Bar Gốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy) với những căn nhà sát bên chân núi Chư Mom Ray. Tới làng bỗng xuất hiện màn sương mù khiến hành trình thêm ly kỳ, thú vị. Căn nhà của già làng A Xứp (62 tuổi) sừng sững giữa làng Bar Gốc. Già chia sẻ, Chư Mom Ray ngày xưa có tên là Chư Nang Brai. Theo tiếng Jrai, Chư có nghĩa là núi, Nang Brai là tên một loại cây được người dân sử dụng dệt ra sợi vải thổ cẩm.
Nhắc về sự tích của Chư Mom Ray, già làng A Xứp bỗng im lặng, nhìn về phía ngọn núi. Trầm ngâm một lúc, già kể, hồi xưa có hai chị em gái mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống nương tựa vào nhau rất thuận hòa. Rồi một ngày nọ, người chị chuẩn bị đồ đạc lên rừng tìm nấm. Trước khi đi, người chị đã dặn dò em kỹ càng phải trông chừng mẻ vải sợi đang phơi. Tuy vậy vừa về đến nhà, chị phát hiện mẻ vải sợi đã mất. Nóng ruột, chị liền lập tức hỏi em. Vốn tính hậu đậu nên người em cũng không biết vì sao số vải này biến mất. Nghi ngờ người em gian dối người chị tức giận mắng em. Dù đã ra sức thanh minh nhưng không được, người em cũng bực tức mà bỏ nhà ra đi. Giữa màn đêm tối, người em không ăn, không uống, cứ đi mãi cho đến khi kiệt sức. Cô gục xuống rồi c h ế t trên một tảng đá to.
Mấy ngày sau, dân làng săn được một con bò rừng rất to, liền mở hội tế thần linh. Đang mổ bụng con bò, ai nấy đều ngỡ ngàng vì thấy bên trong đầy những sợi vải. Biết mình đã trách oan em gái, người chị bật khóc, lao vào rừng tìm em. Cô đi suốt đêm, không ăn không ngủ, qua bao nhiêu dòng suối, ngọn đồi, vừa đi vừa kêu tên em đến khàn cả tiếng. Hàng trăm loại chim, thú rừng cũng kéo đến vì tiếng chị gọi em vang vọng khắp nơi. Tìm mãi không thấy em, chị cũng đuối sức, gục đầu xuống một tảng đá trên ngọn đồi. Trong làn sương khói, chị bất ngờ nghe tiếng em gái vọng ra từ tảng đá: “Chị ơi, em không lấy sợi vải của chị”. Chị khóc nức nở đáp lại: “Chị biết rồi, em tha lỗi cho chị. Về nhà với chị đi em”. Nói đến đây người chị cũng trút hơi thở cuối cùng.
Cũng vì thế mà thân xác của người chị cũng hóa thành tảng đá thứ 2, chồng lên để ôm tảng đá trước. Muông thú trong rừng cũng cất những tiếng kêu, tiếng hót da diết để tiễn biệt. Sau đó, hàng ngày, chúng cứ tha từng viên sỏi, cục đất nhỏ về đắp thành một ngôi mộ. Năm tháng dần qua đi, ngôi mộ ấy cao dần, cao nhất vùng và trở thành 2 ngọn núi hùng vĩ như hiện tại.
Để tưởng nhớ 2 chị em, người dân trong vùng đã đặt tên ngọn núi thành Chư Nang Brai, sau này đổi tên thành núi Chư Mom Ray. Đồng thời, nhắc nhở con cháu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống và luôn phải sống tốt hơn, cân nhắc trước mọi việc làm.
Thần rừng che chở
Tiếp lời, già làng A Xứp cho hay, bà con nơi đây vốn sống du cư nhưng tới sống dưới đỉnh Chư Mom Ray như thể không muốn rời xa vòng tay của rừng. Một trong những lý do đầu tiên khiến người dân gắn bó với mảnh đất này là từ khi cả làng đang di cư, tìm nơi ở mới. Lúc ấy một trận mưa lớn bất ngờ ập xuống, cả làng vài chục người phải tìm đến khoảng rừng với nhiều cây cổ thụ bị rỗng thân như những hang động lớn, chia nhau chui vào trú mưa. Lúc trời quang mây tạnh, mọi người ra bất ngờ thấy khu vực này đất lành chim đậu, ngay lập tức già làng khuyên mọi người dừng chân, dựng nhà để bắt đầu một cuộc sống mới. Cũng bởi thế mà ngôi làng có tên Ba Gốc, vì theo tiếng của người Jrai, Bar có nghĩa là sợi dây, tượng trưng cho sự bao bọc, che chở; Gốc nghĩa là cây rừng, tượng trưng cho sự sinh tồn. Người Jrai xem “Bar Gốc” là sợi dây cuốn quanh gốc cây rừng, được bảo vệ, được thần rừng phù hộ, giúp đỡ.
Theo già A Xứp, gần 30 năm trước, làng không có điện, nghèo đường, nghèo thông tin, sống phụ thuộc vào rừng. Người dân chủ yếu sống tự cung tự cấp, thường đổi những gùi nấm, măng, rau rừng để lấy hàng hóa bên ngoài. Vì được rừng che chở nên bà con trong làng nghĩ không bao giờ rời xa rừng. Cũng nhờ mưa thuận gió hoà mà bà con nơi đây trồng cây gì cũng xanh tốt, đượm hoa trái.
Đến năm 1996, được chính quyền địa phương vận động ra khỏi vùng lõi Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đến một vị trí mới, người dân làng Bar Gốc đã có cuộc di dân lịch sử…
Ông Vũ Đình Dũng – Chủ tịch UBND xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy) cho biết, hiện nay làng Bar Gốc có khoảng 100 hộ với 670 nhân khẩu, đời sống ngày một cải thiện. Chính quyền đã đầu tư mở các lớp dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm, chế biến các món ăn, mong muốn trang bị đầy đủ các kỹ năng cho bà con để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, từng bước biến làng Bar Gốc trở thành điểm du lịch, tham quan của du khách trong, ngoài tỉnh.
Nguồn bài viết:
https://tienphong.vn/huyen-tich-dinh-chu-mom-ray-post1668057.tpo