baokontum.com.vn
03/08/2024 06:02
Tảo hôn không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em, mà còn làm giảm chất lượng dân số và là rào cản đối với các mục tiêu phát triển KT-XH. Nhận thức rõ điều đó, huyện Kon Plông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn trên địa bàn.
Kon Plông là huyện nghèo, với 98% dân số là đồng bào DTTS. Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật, nhất là Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) của một bộ phận người dân còn hạn chế; nhiều tập tục lạc hậu còn tồn tại trong đời sống, sinh hoạt, trong đó, có nạn tảo hôn.
Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có 150 trường hợp tảo hôn. Để giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn trên địa bàn, các cấp, ngành của huyện Kon Plông đã triển khai nhiều giải pháp như: Tăng cường hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật HN&GĐ đến người dân; tuyên truyền lồng ghép các nội dung về tảo hôn trong các buổi sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư và sinh hoạt thường kỳ của các đoàn thể. Tổ chức các hội nghị tư vấn, nói chuyện chuyên đề về vấn đề tảo hôn; treo pano, áp phích tại nhà văn hóa các xã, thị trấn và khu vực đông người qua lại. Thường xuyên gặp gỡ các đối tượng đang có ý định tảo hôn để can thiệp, ngăn chặn kịp thời; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng về vận động, tư vấn, truyền thông công tác DS-KHHGĐ và phòng, chống tảo hôn cho đội ngũ tuyên truyền viên ở thôn làng; xây dựng các mô hình, CLB để tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục về HN&GĐ, nghiêm túc thực hiện chính sách, pháp luật.
Tuyên truyền trực tiếp đến các hộ dân. Ảnh: T.H
Xã Hiếu có 9 thôn với 962 hộ, trong đó hộ đồng bào DTTS chiếm 94%. Đời sống kinh tế khó khăn, kiến thức pháp luật còn nhiều hạn chế. Do vậy, nạn tảo hôn vẫn tồn tại trong đời sống của bà con, làm cho nhiều hộ gia đình đã khó khăn lại càng nghèo khó hơn.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, xã Hiếu có 22 trường hợp tảo hôn. Để từng bước ngăn chặn, xóa bỏ nạn tảo hôn, xã Hiếu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân được coi là giải pháp trọng tâm. Công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên, liên tục với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Nội dung tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức như: thông qua hệ thống loa truyền thanh, pano, áp phích, trong các cuộc họp, các mô hình, CLB. Trong các buổi tuyên truyền tập trung nêu rõ những hệ lụy, tác hại của tảo hôn, như trẻ em được sinh ra từ những cặp vợ chồng tảo hôn dễ mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, suy giảm sức khoẻ; những bà mẹ trẻ mất đi cơ hội học tập, làm việc ở môi trường tốt hơn; kinh tế gia đình khó khăn.
Bên cạnh đó, xã Hiếu còn phát động các phong trào vận động người dân xóa bỏ nạn tảo hôn; thường xuyên phổ biến các hình thức xử phạt nếu vi phạm về tảo hôn; phối hợp chặt chẽ với các ban ngành đoàn thể, cán bộ thôn, người có uy tín để tuyên truyền, vận động cũng như nắm bắt tình hình để ngăn chặn kịp thời các trường hợp có biểu hiện tảo hôn.
Một trong những cách làm điển hình của xã Hiếu là tổ chức cho người dân ký cam kết không tảo hôn gắn với phổ biến pháp luật, xây dựng các nhóm giải pháp để nâng cao nhận thức cho người dân về Luật HN&GĐ với hơn 36 cuộc tư vấn mỗi năm.
Tổ chức hội nghị tư vấn, nói chuyện chuyên đề về vấn đề tảo hôn. Ảnh: TH
Ông A Thảo – Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu cho biết: Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tình trạng tảo hôn trên địa bàn giảm qua từng năm. Nếu như năm 2021, toàn xã có 14 trường hợp tảo hôn, thì năm 2022 giảm còn 8 trường hợp. Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn xã không có trường hợp tảo hôn nào.
Ông A Ning – Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kon Plông cho biết: Để giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn trên địa bàn, thời gian tới, huyện Kon Plông tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện công tác giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người DTTS, già làng, trưởng thôn, người có uy tín tại cộng đồng trong tuyên truyền, vận động; đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn vào hương ước, quy ước của thôn và coi đây là tiêu chuẩn để xếp loại gia đình văn hóa, thôn văn hóa.
Thu Hiền
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/kon-plong-no-luc-giam-thieu-tinh-trang-tao-hon-42150.html