baokontum.com.vn
30/07/2024 07:10
Trưa 28/7, lần đầu tiên tôi mới biết thế nào là “rung” và “lắc” khi xảy ra động đất. Bây giờ nhớ lại, điều làm tôi lo lắng là khi các cảnh cửa kính đang rung bần bật, tôi lại không hề biết mình phải làm gì.
Sáng 29/7, Viện Vật lý địa cầu tiếp tục phát 11 tin động đất trên địa bàn huyện Kon Plông. Như vậy đến thời điểm hiện tại, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận tổng cộng 32 trận động đất tại tỉnh ta. Trước đó, ngày 28/7 đã ghi nhận 21 trận.
Trong 21 trận động đất diễn ra ngày 28/7, đáng chú ý nhất là trận thứ 4, xảy ra lúc 11h35, độ lớn 5, cấp độ rủi ro 2, gây rung chấn ở nhiều tỉnh, thành Tây Nguyên, miền Trung, dù cách tâm chấn hàng trăm km.
Đây cũng là trận được ghi nhận lớn nhất từ trước đến nay ở khu vực Kon Plông. Theo báo cáo nhanh của chính quyền địa phương, điểm trường trung học cơ sở, điểm trường mầm non, trạm y tế xã Đăk Ring và phòng làm việc Công an xã Đăk Nên bị nứt tường.
Ngay sau đó, mạng xã hội tràn ngập thông tin kèm các dòng trạng thái về động đất. Các clip đăng kèm cho thấy sự rung lắc mạnh của công trình, sự hoảng sợ của người dân.
Lần đầu tiên tôi mới biết thế nào là “rung” và “lắc” khi xảy ra động đất. Lúc ấy, tôi đang ở phòng làm việc, trên tầng 2 của khu nhà cơ quan. Đột nhiên, hệ thống cửa chính, cửa sổ rung lên bần bật, các tủ hồ sơ cũng rung, bàn làm việc và máy tính chao đảo.
Bàng hoàng mất mấy giây, tôi lao ra khỏi phòng, chạy xuống sân trong vô thức. Khi bình tĩnh lại, trong đầu tôi bật lên hai từ: Động đất. Ít phút sau, thông tin được xác thực.
Các nhà khoa học kiểm tra thực tế tại khu vực xảy ra động đất ở huyện Kon Plông (tháng 8/2022). Ảnh: H.L
Mấy năm trở lại đây, bên cạnh các cảnh báo thiên tai “quen thuộc”, như mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, ở tỉnh ta đã xuất hiện một hình thái mới: Động đất.
Điều đáng nói, số lượng và cường độ các trận động đất ở Kon Plông đang ngày càng tăng. Số liệu thống kê của UBND tỉnh cho thấy, từ năm 1903 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ richter trở lên tại huyện Kon Plông và lân cận; mạnh nhất là trận động đất năm 2015, với cường độ 3 độ richter.
Nhưng từ tháng 4/2021, động đất trên địa bàn tỉnh xảy ra thường xuyên, xu hướng mạnh dần. Năm 2021 ghi nhận 169 trận động đất lớn hơn 2,5 độ. Từ ngày 15-18/4/2022, xảy ra 22 trận, lớn nhất 4,5 độ.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 155 trận động đất lớn hơn 2,5 độ, trong đó có 142 trận ở Kon Tum.
Còn nhớ, sáng 19/4/2022, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Viện trưởng Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, nguyên nhân động đất ngoài liên quan đứt gãy địa chất thì việc tích nước của các thủy điện cũng đáng lưu tâm, vì đây là lý do gây ra động đất ở khu vực thủy điện sông Tranh (Quảng Nam).
Được biết, Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt các trạm quan trắc ở khu vực này để cảnh báo động đất và tìm nguyên nhân.
UBND tỉnh cũng đã nhiều lần ban hành văn bản yêu cầu ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp Viện Vật lý địa cầu rà soát để xác định nguyên nhân; kết hợp với các nhà máy thủy điện, chủ công trình nhạy cảm để chủ động phương án khi tình huống phức tạp xảy ra.
Nhưng với cảnh báo thời gian tới tiếp tục có những trận động đất kích thích có cường độ và mật độ ngày càng lớn, chúng ta cần chủ động, tích cực “làm quen” với động đất, với một phương án ứng phó động đất bài bản, dài hơi và hiệu quả.
Trong đó, về phía các nhà khoa học, cần quan tâm hỗ trợ tỉnh trong việc nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất tại khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.
Những điều cần làm khi xảy ra động đất. Ảnh: HL
Viện Vật lý địa cầu cần rút ngắn thời gian cung cấp thông tin động đất đến các ban ngành, địa phương. Vì theo các chuyên gia, cảnh báo sớm từng nào thì có thêm thời gian ứng phó và ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại từng đó, nếu động đất cường độ lớn hơn.
Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho công trình đập, hồ chứa và khu vực vùng hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi, phát thanh, đèn, cột thủy chí, biển báo) đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương, người dân khu vực chịu ảnh hưởng trong các tình huống khẩn cấp.
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra, đảm bảo ứng cứu ngay từ giờ đầu phát hiện bất thường, đặc biệt là sự cố gây mất an toàn đập, hồ chứa nước.
Đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân để tăng cường mức độ chủ động ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi động đất xảy ra.
Trở lại câu chuyện của chính tôi vào trưa 28/7. Khi ấy, tôi lại không hề biết mình phải làm gì, chỉ bỏ chạy theo bản năng. Từ đó cho thấy, đa phần người dân vẫn chưa biết phải làm gì khi động đất xảy ra, nên đều hoang mang, hoảng loạn. Và đó rõ ràng là một cảnh báo nguy hiểm.
Những quy tắc chung tưởng đơn giản, nhưng không phải ai cũng biết, nhất là đồng bào DTTS. Cần tuyên truyền kỹ và tổ chức diễn tập thì người dân mới biết, hiểu và thực hiện được.
Ví dụ, khi rung lắc đầu tiên thì ẩn nấp dưới bàn ăn, bàn làm việc, để bảo vệ đầu mình không bị đồ vật rơi xuống; ngắt các nguồn gas, lò sưởi, điện ngay khi xảy ra động đất. Tránh chạy ra khỏi nhà khi đang xảy ra động đất.
Một khi đã biết, đã thuộc thì khi động đất xảy ra, ngay lập tức sẽ biết mình phải làm gì cho đúng!
Hồng Lam
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/lam-gi-khi-dong-dat-42136.html