Động đất ở Kon Tum sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp

9

laodong.vnĐộng đất ở Kon Tum sẽ tiếp tục diễn biến phức tạpBản đồ tâm chấn của trận động đất chiều nay (29.7). Ảnh: Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu.

Theo thông tin mới nhất, trong 2 ngày 28.7 và 29.7, tại huyện Kon Plông (Kon Tum) đã ghi nhận liên tiếp 41 trận động đất. Trận động đất lớn nhất mạnh 5,0 độ richter gây ra rung lắc mạnh tại nhiều tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với với ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu. Ảnh: Vũ LongÔng Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu. Ảnh: Vũ Long

Thưa ông, 2 ngày gần đây, ở Kon Tum liên tiếp xảy ra hàng loạt trận động đất. Qua theo dõi, ông đánh giá như thế nào về các trận động đất này?

– Hôm nay 29.7, Viện Vật lý địa cầu tiếp tục phát 20 tin động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (ngày 28.7, phát 21 tin). Như vậy đến thời điểm hiện tại, đã ghi nhận tổng cộng 41 trận động đất tại Kon Tum, trong đó có 1 trận lớn lên tới 5,0 độ richter. Đây là trận động đất lớn nhất từng xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum kể từ trận động đất vào năm 2022 mạnh 4,7 độ richter.

Vậy, nguyên nhân của các trận động đất này là gì thưa ông?

– Qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước.

Viện Vật lý Địa cầu có những dự báo gì về diễn biến sắp tới của những trận động đất này, thưa ông?

– Theo dự báo sơ bộ của Viện Vật lý Địa cầu, động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới theo một chuỗi nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter. Trong tương lai, động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm.

Động đất thường gây thiệt hại rất lớn, vậy công tác ứng phó với động đất tại Kon Tum là như thế nào thưa ông?

– Việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật hằng năm để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.

Đối với người dân, khi xảy ra động đất, cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất.

Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng chống và đưa ra những thông tin rõ ràng về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.

Viện Vật lý địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong tỉnh Kon Tum và khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, Viện đã triển khai mạng trạm quan sát động đất gồm 11 trạm để tiếp tục nghiên cứu chi tiết động đất kích thích khu vực nhằm đưa ra những kiến nghị phù hợp và kịp thời thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền cũng như người dân tại khu vực này.

Trân trọng cảm ơn ông!


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/moi-truong/dong-dat-o-kon-tum-se-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-1372934.ldo