Nan giải “bài toán” ổn đinh cuộc sống hơn 1000 dân vùng khó

13

www.nguoiduatin.vn

Nhà một nơi hộ khẩu một nẻo

Ngôi làng hơn 238 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu đang sinh sống trên địa giới hành chính của tỉnh Kon Tum, nhưng hộ khẩu lại thuộc tỉnh Quảng Nam. Điều này, khiến người dân gặp muôn vàn khó khăn trong đời sống, sinh hoạt.

Để giải quyết vấn đề này, các ngành chức năng của tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã nhiều lần ngồi lại bàn bạc trong suốt nhiều năm liền, nhưng đôi bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Cũng bởi sự chồng chéo về ranh giới địa lý, người dân đang sinh sống, canh tác trên địa bàn xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) nhưng hộ khẩu thuộc thuộc thôn 3 của xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam), gặp muôn vàn khó khăn.

Vướng mắc về thủ tục hành chính, chưa thống nhất giữa 2 tỉnh nên việc đầu tư về cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm không thể thực hiện. Kéo theo đó, là hệ lụy đời sống kinh tế của người dân mãi “dậm chân tại chỗ”.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Hồ Thị Mai (47 tuổi) chia sẻ: “Gia đình tôi sinh sống trên mảnh đất này từ thời cha ông. Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi và bà con trong làng đều không muốn di dời đi chỗ khác. Tôi mong muốn chính quyền sớm đưa điện, làm đường để bà con thuận tiện trong việc đi lại và sinh hoạt”.

Bà Hồ Thị Ha chia sẻ: “Việc sống ở tỉnh này, hộ khẩu tỉnh khác khiến người dân chúng tôi rất vất vả. Mỗi lẫn làm thủ tục hành chính phải di chuyển quãng đường rất xa từ tỉnh Kon Tum về Quảng Nam. Nhà cửa hư hỏng nhiều khi muốn xây dựng rất khó khăn trong khâu làm thủ tục xin cấp phép. Bên cạnh đó, cơ sở vạt chất thiếu thốn, đường đi lại mùa mưa rất khó khăn, vất vả. Tôi mong chính quyền địa phương tạo điều kiện để người dân được cấp sổ đỏ, hướng dẫn bà con vay vốn, phát triển kinh tế”.

Nan giải “bài toán” ổn định cuộc sống hơn 1.000 dân nơi chồng lấn địa giới- Ảnh 1.

Cuộc sống của người làng gặp rất nhiều khó khăn, vướng thủ tục pháp lý nên chính quyền chưa thể đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề này, ông Trần Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, đây là bài toán nan giải xuyên suốt từ nhiều năm qua. Chính quyền tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã ngồi lại họp bàn, nhưng vì nhiều lý do cả hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Do đó, hiện nay, công tác quản lý của cấp xã gặp nhiều khó khăn bởi một bên quản lý về thủ tục hành chính, còn một bên quản lý về mặt đất đai. Còn người dân thì thiệt thòi đủ đường, vướng quy định của nhà nước, các công trình giao thông không được triển khai, nhà cửa không được xây dựng, xác nhận thủ tục hành chính thì phải di chuyển rất xa từ Kon Tum về Quang Nam. Trẻ em học tập trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất.

Ông Thường chia sẻ: “Để tình trạng này kéo dài triền miên thì cuộc sống của bà con rất vất vả. Người dân sống ở đâu cũng làm ăn, phát triển kinh tế mong có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt hiện nay, các địa phương đều đẩy mạnh mục tiêu quốc gia, phát triển nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững. Nhưng đối với ngôi làng nơi đây, hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số, dù xã muốn triển khai một chương trình mục tiêu nào đó cũng không được vì vướng quy định”.

Nan giải “bài toán” ổn định cuộc sống hơn 1.000 dân nơi chồng lấn địa giới- Ảnh 2.

Đường xá đi lại rất khó khăn, mỗi lần có việc muốn đến làng lực lượng cán bộ rất vất vả. mất nhiều thời gian mới vào đến làng.

“Trong nhiều cuộc họp ở xã, có lãnh đạo tỉnh tham dự, người dân bày tỏ mong muốn phát triển kinh tế để thoát nghèo mà cơ sở vật chất điện, đường không có, nên mãi không thể thoát nghèo. Thật sự ý kiến, nguyện vọng của người dân là chính đáng, nhưng nhiều lãnh đạo tỉnh “đau đầu” không biết trả lời thế nào. Vấn đề này lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhiều lần đề xuất, ý kiến lên chính phủ nhưng chưa nhận được phản hồi”, ông Thường nói.

Gian nan tìm lời giải

Theo ông Thường, 238 hộ với hơn 1.000 dân thôn 3 xã Trà Vinh đã định cư, canh tác từ lâu đời trên diện tích này. Nhưng theo bản đồ địa giới hành chính năm 1991, vùng đất 6.200ha này lại thuộc tỉnh Kon Tum.

Năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) có Chỉ thị 364 giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã. Theo chủ trương này, ranh giới hành chính giữa hai tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và Kon Tum được xác lập sau nhiều lần tách, nhập.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Nam, quá trình đo đạc có sai sót (do máy móc sơ sài, sai số lớn, bản đồ hiện trạng sử dụng đất được vẽ trong phòng và không kiểm tra lại thực địa), nên đường địa giới hành chính theo chỉ thị này không trùng khớp thực tế quản lý, canh tác, sinh sống tại địa phương.

Trong khi đó, tỉnh Kon Tum lại cho rằng địa giới hành chính với Quảng Nam được xác định từ lâu (ngày 15/4/1950), do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập đơn vị kháng chiến hành chính, tiếp tục quản lý sau khi lập tỉnh Gia Lai – Kon Tum (ngày 20/9/1975) đến nay. Tuy nhiên, do công tác quản lý nhà nước về địa giới của 2 địa phương không tốt, nên sau 1975 một số đồng bào dân tộc thiểu số của xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My) sang xâm canh, xâm cư tại xã Đăk Nên (huyện Kon Plông) quản lý, dẫn đến hiện trạng như bây giờ.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Phạm Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cho biết: “Vừa rồi có buổi làm việc giữa 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam nhưng hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu 2 tỉnh báo cáo những khó khăn vướng mắc, sau đó Bộ Nội vụ sẽ vào chủ trì làm việc với 2 tỉnh để chọn ra phương án tối ưu nhất để trình Thủ tướng xem xét”.

Nan giải “bài toán” ổn định cuộc sống hơn 1.000 dân nơi chồng lấn địa giới- Ảnh 3.

Trong các cuộc đối thoại với chính quyền, người dân mong muốn được sinh sống trên chính mảnh đất ông cha để lại.

Theo ông Nam, tại cuộc họp, ông Nguyễn Công Tạ, Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh, đề xuất đưa 3.000ha đất khu vực người dân thôn 3 đang sinh sống về xã Trà Vinh, trong tổng số hơn 6.200ha chồng lấn để không gây xáo trộn cuộc sống của người dân.

Nhưng lãnh đạo tỉnh Kon Tum không đồng thuận, vì theo Chỉ thị 364, địa giới hành chính đã được xác định năm 1991. Ngoài ra, vùng đất này vẫn có dân của xã Đăk Nên đang canh tác. Nếu chuyển một nửa diện tích đất cho Quảng Nam, dân xã Đăk Nên sẽ thiếu đất canh tác.

Tỉnh Kon Tum đề xuất nếu tỉnh Quảng Nam đồng ý, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp nhận 238 hộ chuyển giao cho xã Đăk Nên quản lý và tạo điều kiện người dân sớm ổn định cuộc sống, hoặc tỉnh Quảng Nam xây dựng khu tái định cư tại xã Trà Vinh để vận động đưa các hộ dân đang sinh sống ở xã Đăk Nên về. Trường hợp tỉnh Quảng Nam không đồng tình cả hai phương án, 2 địa phương sẽ báo cáo Bộ Nội vụ, trình cấp thẩm quyền quyết định.

Hồ Nam


Nguồn bài viết:
https://www.nguoiduatin.vn/nan-giai-bai-toan-on-dinh-cuoc-song-hon-1000-dan-noi-chong-lan-dia-gioi-204240711120729236.htm