www.baogiaothong.vn
Nhiều hành vi chăn dắt trẻ đi ăn xin tinh vi
Sáng 24/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Băn khoăn về khái niệm mua bán người trong dự luật, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) kiến nghị đưa các hành vi đã rõ như sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm, nô lệ tình dục, hiến tạng, các hành vi bắt cóc, cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, đầu độc nạn nhân, buộc nạn nhân phải đi ăn xin… bổ sung vào khái niệm mua bán người.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định).
Đại biểu đoàn Bình Định chỉ ra, trong thực tế có rất nhiều hành vi mua bán người núp bóng dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, nên cần nhận diện để làm rõ yếu tố phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu.
Về lý do cần luật hóa hành vi này, theo đại biểu Hạnh, trước đây trong một giám sát của Quốc hội đã đề cập đến hành vi chăn dắt trẻ em đi ăn xin, nhưng mới chỉ giao cho ngành lao động, thương binh và xã hội để thực hiện các hoạt động an sinh chứ chưa có quy định pháp luật để xử lý.
Đại biểu Hạnh cũng băn khoăn về nội hàm khái niệm “vì mục đích vô nhân đạo khác” tại khoản 10 Điều 2 của dự thảo luật.
“Theo tôi, cần xem xét kỹ khái niệm này vì việc buộc nạn nhân phải đi ăn xin hay sử dụng nạn nhân làm thí nghiệm cũng đều là những hành vi cụ thể. Những hành vi này vô nhân đạo, theo từ điển tiếng Việt có nghĩa là tàn ác, dã man, không có chút lòng yêu thương, quý trọng con người”, ông Hạnh nói.
Người khuyết tật cần tăng cường tuyên truyền về mua bán người
Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) chỉ ra, trước đây nạn nhân của mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Nhưng những năm gần đây, có rất nhiều nạn nhân là nam giới trong độ tuổi thanh thiếu niên.
“Với thủ đoạn lừa việc nhẹ, lương cao, đối tượng mua bán người đã đưa nhiều nạn nhân là nam giới trong độ tuổi thanh thiếu niên qua biên giới, nhất là sang Campuchia để cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nóng nhất là vào năm 2022”, đại biểu Thanh nói.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum).
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022 cả nước xảy ra 43 vụ mua bán người, số đối tượng mua bán người là 113 đối tượng, tăng 10,26% về số vụ và tăng 44,87% về số đối tượng mua bán người so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, nạn nhân bị đối tượng mua bán người sử dụng vào mục đích vô nhân đạo khác, như buộc nạn nhân phải đi ăn xin, sử dụng nạn nhân vào các mục đích khác.
Ngoài số nạn nhân thuộc lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng thì người khuyết tật cũng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các hành vi này.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nhóm đối tượng là người khuyết tật vào nhóm cần được tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục dự kiến quy định tại khoản 5 Điều 7.
Cụ thể, đại biểu Thanh đề nghị bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 7 và quy định như sau: “Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên, người khuyết tật và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người”.
Nguồn bài viết:
https://www.baogiaothong.vn/dbqh-tre-bi-chan-dat-di-an-xin-la-nan-nhan-mua-ban-nguoi-192240624134402962.htm