baokontum.com.vn
01/06/2024 07:09
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đăk Hà đã tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và cộng đồng tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo mọi điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện.
Hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Hà đều thực hiện tốt việc hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ; tổ chức các hoạt động phát triển toàn diện, chăm sóc cho trẻ. Toàn huyện có 7/11 xã, thị trấn phù hợp với trẻ em và 80% trẻ đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc trẻ phát triển toàn diện.
Theo bà Phạm Thị Thương – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, huyện đã bám sát các hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên và các quy định của Luật Trẻ em; ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng và trường học về bảo vệ các quyền cơ bản cho trẻ em. Đặc biệt, chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng của người dân trong bảo vệ quyền trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em.
Trẻ em trong vùng DTTS luôn được quan tâm chăm sóc. Ảnh: Q.T
Để trẻ được tham gia vào các vấn đề của trẻ em, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể xây dựng các mô hình, câu lạc bộ về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tính đến năm 2023, toàn huyện có 30% trẻ em từ 7 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp; 85% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ.
Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, huy động sức mạnh toàn dân tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục; tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ. Đến nay, 100% trẻ em 5 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội; trên 98% trẻ em hoàn thành cấp Tiểu học; 98,9 tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp Trung học cơ sở; 100% trường học có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em.
Công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ được huyện, các địa phương và ngành y tế quan tâm. Nhiều chương trình chăm sóc, tiêm chủng, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai hiệu quả. Nhờ đó, có 80% trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện; trên 98% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được uống vitamin A, tẩy giun.
Trẻ em được dạy bơi để rèn luyện kỹ năng sống. Ảnh: QT
Ông Nguyễn Hoài Vũ – Trưởng Phòng LĐ,TB&XH huyện Đăk Hà cho biết: “Nhằm tạo sân chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ em, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình phúc lợi, sân chơi, bãi tập, nhà văn hóa; xây dựng câu lạc bộ quyền trẻ em, tạo sân chơi lành mạnh, an toàn bổ ích cho trẻ em. Hiện có 100% xã, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi trong trường học dành cho trẻ em. Các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao được đẩy mạnh, đa dạng hóa dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện cho trẻ được giao lưu, rèn luyện, phát huy năng khiếu, sở trường và có cơ hội bày tỏ nguyện vọng của bản thân”.
Song song với các chương trình, hoạt động cho trẻ, huyện Đăk Hà đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhiều hoạt động thăm, tặng quà, hỗ trợ đột xuất, rủi ro cho các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực được can thiệp và trợ giúp kịp thời; không có trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, giải pháp của chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; đảm bảo 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, hỗ trợ kịp thời; duy trì 11/11 xã, thị trấn được UBND huyện công nhận xã, thị trấn phù hợp với trẻ em; từng bước giảm khoảng cách chênh lệch và điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em, trẻ em giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em” – bà Phạm Thị Thương cho biết thêm.
Quốc Tuấn
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/dak-ha-quan-tam-giup-tre-em-phat-trien-toan-dien-41151.html