Tăng cường phòng tránh tai nạn đuối nước

8

baokontum.com.vn

01/06/2024 07:08

Để chủ động các giải pháp phòng, tránh tai nạn đuối nước, nhất là trong dịp hè sắp đến, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.

163409T%C4%83ng%20c%C6%B0%E1%BB%9Dng%20tuy%C3%AAn%20truy%E1%BB%81n%20v%E1%BB%81%20ph%C3%B2ng%20tr%C3%A1nh%20%C4%91u%E1%BB%91i%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20tr%E1%BA%BB%20em%20qua%20nhi%E1%BB%81u%20m%C3%B4%20h%C3%ACnh%20thi%E1%BA%BFt%20th%E1%BB%B1c

Tăng cường tuyên truyền về phòng tránh đuối nước trẻ em qua nhiều mô hình thiết thực. Ảnh: HT

 

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Lễ khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và Phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2024 nhằm giúp các em nhỏ, học sinh nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc rèn luyện thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe và phòng, chống tai nạn đuối nước, nhất là vào dịp hè.

Tại Lễ phát động, em Phạm Bảo Ngân- lớp 7A (Trường THCS Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum) bộc bạch: Hàng năm chúng em biết rất nhiều trường hợp trẻ em, học sinh bị tai nạn đuối nước. Nhất là vào mùa hè, thời điểm này các bạn thường tự ý rủ nhau ra ao, hồ, sông, suối để tắm mà không có sự giám sát của người lớn nên đã xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc. Chúng em hiểu nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước là do thiếu kỹ năng cơ bản về bơi, an toàn trong môi trường nước, kỹ năng phòng, chống đuối nước. Vì vậy, ngoài tham gia các câu lạc bộ bơi lội, em còn học kỹ năng bơi tại trường và qua các tiết ngoại khóa khác.

Ông Trần Thanh Tùng- Cơ sở dạy bơi Hà Anh Diệp Bảo (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) cho biết: Dịp hè là thời điểm các em học sinh đăng ký tập luyện bơi lội nhiều nhất, đây là tín hiệu vui cho phong trào bơi lội của tỉnh. Chúng tôi mở các lớp dạy từ cơ bản đến nâng cao như bơi ếch, bơi bướm, bơi ngửa. Trong quá trình kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp các em nâng cao thể lực, kỹ thuật, hiểu được nguyên lý dưới nước để thành thạo các kỹ năng, biện pháp và cách xử lý khi xảy ra tai nạn dưới nước.

Thường xuyên tổ chức các giải đấu bơi lội ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Ảnh: HT

 

Ông Nguyễn Xuân Truyền- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL khẳng định: Thời gian qua, môn bơi lội không chỉ được khuyến khích giảng dạy trong trường học mà còn được đưa vào các giải thi đấu thể dục thể thao phong trào ở lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, qua các kỳ Hội khỏe Phù Đổng các cấp đã xuất hiện rất nhiều các vận động viên trẻ có thành tích cao về bơi lội trong khối THCS và THPT. Điều này cho thấy, nhà trường và các địa phương đã từng bước quan tâm, đầu tư phát triển môn bơi lứa tuổi học sinh trên địa bàn.

Ngoài đẩy mạnh phong trào bơi lội, nhiều cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú về phòng tránh đuối nước, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng tránh tai nạn đuối nước, nhất là tai nạn đuối nước cho trẻ.

Thành phố Kon Tum là một trong những địa phương của tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền về phòng tránh đuối nước trong trẻ em. Thời gian qua, UBND thành phố tích cực chỉ đạo các xã, phường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thường xuyên thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở về phòng, chống đuối nước trẻ em; cảnh báo về các địa điểm, khu vực nguy hiểm, tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước đối với trẻ em; hướng dẫn các trường học triển khai thực hiện xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước, tổ chức các hoạt động dạy bơi an toàn cho trẻ em.

Cô Lê Thị Mai Thơm- Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Thạch Thảo (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) cho biết: Hàng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch, triển khai tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức về phòng chống đuối nước cho trẻ em, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng sơ cứu trong các trường hợp khi bị đuối nước cho các đoàn thể, giáo viên, nhân viên nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp có trách nhiệm theo dõi, lồng ghép vào chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ trong các tiết dạy để trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho trẻ. Đồng thời, nhà trường phối hợp với một số thôn, làng có nhiều ao hồ, sông suối tiềm ẩn nguy cơ (như thôn Kon Tum Kơ Pơng, Kon Rơ Wang, Kon Klor) để tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ học sinh biết cách quản lý, giám sát hướng dẫn trẻ em đảm bảo an toàn phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trong dịp nghỉ hè.

Bà Phạm Thị Thúy Diễm- Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum) thông tin: Trên địa bàn xã Ngọc Bay có rất nhiều suối, ao hồ tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao. Vì thế, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn của xã phối hợp với các thôn, làng tiến hành rà soát các khu vực sạt lở, nguy hiểm để cắm biển cảnh báo;  tuyên truyền để phụ huynh nâng cao cảnh giác, không để trẻ tự ý đi tắm sông suối.

Ông Nguyễn Xuân Truyền cho biết thêm: Để công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em đạt hiệu thiết thực rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhà trường, gia đình và xã hội. Thời gian tới, ngành TDTT tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm duy trì và phát triển rộng khắp các phong trào tập luyện TDTT nói chung và môn bơi lội nói riêng, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các em. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi, từng bước kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước, đối với trẻ em, học sinh.       

Hoàng Thanh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/tang-cuong-phong-tranh-tai-nan-duoi-nuoc-41136.html