cand.com.vn
Sáng 30/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Dự kiến lựa chọn 1 trong 2 chuyên đề để Quốc hội giám sát
Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031 và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước. Năm 2025 cũng là năm cuối nhiệm kỳ, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.
Cụ thể: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định giám sát tối cao 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2025.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Hai chuyên đề dự kiến giám sát đều trúng và “nóng”
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) ủng hộ giám sát chuyên đề 1 và cho rằng, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm nguồn nước, không khí nói riêng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới trong các phiên thảo luận tổ, hội trường cũng như thảo luận về tình hình phát triển KTXH. “Nếu đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025, theo tôi là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng” – đại biểu nêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) ủng hộ giám sát về ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) lại cho rằng cần thiết giám sát tối cao chuyên đề 2, bởi nguồn nhân lực, cán bộ là gốc rễ của vấn đề; vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao đang đặt ra một cách bức xúc. “Giám sát chuyên đề này là giám sát quá trình phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, sử dụng. Từ đầu nhiệm kỳ, tôi đề nghị tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, nếu làm được thì tạo chuyển biến rất căn bản” – đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Đề nghị quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) đề nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát và có chính sách hỗ trợ phù hợp về nguồn lực cho các cơ quan của Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội để thực hiện tốt công tác giám sát theo chức trách, nhiệm vụ. Ngoài việc triển khai thực hiện các cuộc giám sát theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu đề nghị cần quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ để các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật. Về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội quan tâm đúng mức đến việc giám sát kết quả giải quyết đối với vụ việc cụ thể.
Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) phát biểu tại phiên họp.
Cho rằng cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giám sát, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đề nghị, khi xây dựng chương trình giám sát thì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn một số nội dung phù hợp để giao cho đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh giám sát hoặc cho phép đoàn đại biểu Quốc hội lựa chọn một số vấn đề, một số nội dung cụ thể trong các chuyên đề giám sát phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế và tình hình cụ thể của từng địa phương.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, trên cơ sở các phát biểu và kết quả phiếu xin ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2025.
Nguồn bài viết:
https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-xuat-quoc-hoi-giam-sat-ve-bao-ve-moi-truong-hoac-phat-trien-su-dung-nguon-nhan-luc–i732809/