baokontum.com.vn
11/05/2024 06:04
Sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), có thể nói thành công lớn nhất là đa số hộ nghèo, cận nghèo DTTS đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước mà tự lực vươn lên.
Để mang lại hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện Cuộc vận động theo chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, từng bước đưa Cuộc vận động đi vào cuộc sống của đồng bào DTTS, gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Hộ đồng bào DTTS nghèo ở huyện Ngọc Hồi chăn nuôi bò vỗ béo 3B. Ảnh: D.N
Trong 3 năm, toàn tỉnh đã xây dựng được 866 mô hình, giúp 23.636 hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đảm bảo an sinh xã hội. Tổng kinh phí thực hiện trên 96,802 tỷ đồng (người dân đối ứng gần 31,722 tỷ đồng, còn lại là do Nhà nước và các mạnh thường quân hỗ trợ).
Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 5 mô hình, giúp 936 hộ nghèo, cận nghèo tại 2 xã Mường Hoong, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) và xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy), tổng kinh phí thực hiện 2,265 tỷ đồng (người dân đối ứng 225 triệu đồng, còn lại do Nhà nước và các mạnh thường quân hỗ trợ). 10 huyện, thành phố hỗ trợ xây dựng 861 mô hình, giúp 22.700 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí thực hiện trên 94,537 tỷ đồng (người dân đối ứng gần 31,497 tỷ đồng, còn lại Nhà nước và mạnh thường quân hỗ trợ).
Kết quả, tất cả các tiêu chí đều đạt và vượt so với mục tiêu Cuộc vận động đề ra, như 102 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%) ban hành kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện Cuộc vận động; 15.343 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo (đạt tỷ lệ 74,61%) thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững (vượt so chỉ tiêu đề ra 4,61%).
12.370 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo (đạt tỷ lệ 62,31%) biết áp dụng KHKT vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất (vượt chỉ tiêu đề ra 22,31%).
11.061 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo (đạt tỷ lệ 54,41%) có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của đồng bào DTTS trong tỉnh, có mô hình sản xuất ổn định, nhà ở kiên cố và một số vật dụng thiết yếu như ti vi, xe gắn máy (vượt chỉ tiêu đề ra 29,41%). 5.458 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo (đạt tỷ lệ 24,27%) tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh (vượt chỉ tiêu đề ra trên 15%).
Bà con DTTS xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy dọn dẹp vệ sinh nhà rông, đường liên thôn, xây dựng nếp sống văn minh. Ảnh: DN
Tính đến cuối năm 2023, có 5.549 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo (đạt tỷ lệ 26,2%), vượt chỉ tiêu đề ra hằng năm giảm từ 3-4%; 2.654 hộ đồng bào DTTS thoát cận nghèo (đạt tỷ lệ 18,89%), vượt chỉ tiêu đề ra hằng năm giảm từ 3-4%.
Nhìn chung, đa số hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS đã thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo; thôn làng xây dựng nếp sống văn minh, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu. Nhiều hộ đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc nuôi dạy con cái, tự nguyện đưa con em trong độ tuổi đến trường; thực hiện tốt chính sách dân số KHHGĐ; thay đổi dần cách thức lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, áp dụng KHKT vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho tái sản xuất.
Có thể thấy, Cuộc vận động như một “làn gió mới” thổi tới từng thôn (làng) đồng bào DTTS trong toàn tỉnh, tạo sức lan toả mạnh mẽ, từ đó giúp bà con DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình.
Dương Nương
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/chung-suc-giup-ba-con-dtts-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-40724.html