congly.vn
Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray với tổng số 96 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, được giao quản lý hơn 56 nghìn héc ta rừng. Đa số lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị sống và làm việc tại rừng, các địa bàn xa khu dân cư, giao thông đi lại khó khăn.
Hiện lương bình quân của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chỉ từ 3,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng. Do áp lực công việc, gắn với trách nhiệm nặng nề, nguồn thu nhập không đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nên từ năm 2018 đến nay, Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã có 33 cán bộ viên chức xin chuyển việc và nghỉ việc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị.
Giữ rừng gặp khó khi nhiều cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng xin nghỉ việc.
Anh Lê Văn Nghĩa, Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum, cho biết anh làm công việc quản lý, bảo vệ rừng, túc trực 24/24 trên địa bàn. So với thu nhập hàng tháng không đủ đáp ứng được nhu cầu ăn ở, sinh hoạt hằng ngày.
“Trong mùa khô, 100% chúng tôi phải ở lại địa bàn không được về thăm gia đình, người thân, không có đủ chi phí sống và tiền gửi về cho gia đình. Mong muốn của chúng tôi là được quan tâm của các cấp, ngành có nhiều chính sách đãi ngộ với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách”, anh Nghĩa nói.
Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum cho biết, những cán bộ bảo vệ rừng, nhà nước quy định là ngày làm việc 8 tiếng, 16 tiếng còn lại được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, 16 tiếng còn lại của lực lượng bảo vệ rừng thì phải ở tại chỗ, tại rừng không được di chuyển về nhà, trong khi đó nhà nước chưa tính toán để hỗ trợ cho người lao động, do vậy rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, để tạo thêm thu nhập ngoài giờ, anh em yên tâm công tác.
Công việc vất vả nhưng mức lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lực lượng giữ rừng xin nghỉ việc.
Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ngọc Hồi, được giao quản lý hơn 23.400 ha, diện tích rừng trải dài trên địa bàn 5 xã của huyện Ngọc Hồi và giáp với biên giới hai nước bạn Lào và CampuChia.
Địa bàn trải dài, diện tích lớn, với 46 cán bộ nhân viên và người lao động quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, có 36 người thuộc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, đơn vị có 4 người lao động làm công tác giữ rừng xin nghỉ việc, xin chuyển công tác.
An Lê Văn Thế, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết, bản thân đã công tác 15 năm trong nghề nhưng lương và các phụ cấp không được cao so với cống hiến. Với mức đời sống như thế này, có gia đình, vợ con nên không đủ trang trải.
“Nhiều lúc nản muốn bỏ việc, chuyển công tác về gần với gia đình vì không thể sống đủ với những đồng lương ít ỏi này. Mong rằng các cơ quan ban ngành cần có chính sách, cải thiện tiền lương để anh em cống hiến cho công việc, giữ lại màu xanh cho rừng”, anh Thế mong muốn.
Ông Trần Ngọc Thanh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết, đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng chủ yếu hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, tại các chốt, trạm… đường xá đi lại rất khó khăn, phương tiện giao thông liên lạc cũng rất khó khăn. Trong khi đó chính sách đãi ngộ cho lực lượng này còn nhiều khó khăn. Vì thế đơn vị vẫn đang thiếu hụt nhân sự để bảo vệ rừng, và chưa thể thu hút, tuyển dụng khi lương thấp, người ứng tuyển không có.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, trong công tác quản lý bảo vệ rừng hiện nay là có rất nhiều khó khăn, hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, công tác đấu tranh với các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp có rất nhiều đối tượng manh động. Lực lượng bảo vệ rừng làm việc 24/24 giờ trong ngày, nhưng chế độ đãi ngộ người làm công tác bảo vệ rừng rất thấp, chưa đáp ứng, chưa tương xứng với tâm huyết quản lý bảo vệ rừng. Chi cục cũng đã kiến nghị với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn về chế độ chính sách, đãi ngộ làm sao để cho cán bộ bảo rừng có điều kiện đủ để trang trải cuộc sống.
Từ năm 2018 đến nay, đã có 403 công chức, viên chức và người lao động làm công tác bảo vệ rừng xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác.
Thống kê của Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, từ năm 2018 đến nay, đã có 403 công chức, viên chức và người lao động làm công tác bảo vệ rừng xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác. Trong đó, lực lượng Kiểm lâm 6 người; các BQL rừng đặc dụng, phòng hộ: 222 người và các công ty Lâm nghiệp: 175 người. Điều này gây áp lực rất lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng tại Kon Tum.
Trước thực trạng nhiều cán bộ, người làm công tác quản lý bảo vệ rừng không còn mặn mà với nghề xin nghỉ việc, xin chuyển công tác, tỉnh Kon Tum cũng đã có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có chính sách đặc thù cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng lập phương án khoán rừng và đất lâm nghiệp, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước để cán bộ công nhân viên nhận khoán phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, gắn bó với diện tích rừng, đất rừng nhận khoán và yên tâm công tác.
Nguồn bài viết:
https://congly.vn/nhieu-can-bo-lam-cong-tac-quan-ly-bao-ve-rung-xin-nghi-viec-428560.html