Ly kỳ chuyện tỷ phú người Rơ Ngao cắp sách đi học trồng cà phê

412

Không chỉ thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ mô hình trồng cây công nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, A Thi (người dân tộc Rơ Ngao ở thôn Kon Tu Dốp, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) còn đi đầu trong mọi phong trào, đặc biệt là giúp nhiều nông dân khác “đánh đuổi” đói nghèo. Nhưng ít ai biết về chuyện đi học trồng cà phê của A Thi như thế nào.

Học cách trồng cà phê

Chúng tôi đến thôn Kon Tu Dốp, hỏi thăm nhà A Thi thì rất nhiều người nhiệt tình chỉ đường, nhưng rồi ai cũng bảo muốn gặp A Thi phải lên rẫy, chứ ban ngày rất hiếm khi anh ở nhà.

Theo chân con trai của A Thi lên rẫy, gặp A Thi và hơn 10 người khác đang tất bật làm cỏ, chuẩn bị bón phân cho cà phê. Hỏi chuyện cà phê, A Thi nói nhà có… 6,5ha thôi, trong đó 5ha đang thu hoạch với sản lượng 65 tấn, cho thu nhập mỗi năm 600 – 700 triệu đồng. “Còn lại 2,5ha mới trồng năm ngoái, mình phải nuôi nó 2 năm nữa, rồi nó mới nuôi mình”, A Thi hài hước nói.

ly ky chuyen ty phu nguoi ro ngao cap sach di hoc trong ca phe hinh anh 1

Anh A Thi – 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019

Với mô hình trồng cây công nghiệp, mỗi năm gia đình A Thi thu được 600 triệu đồng và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động

A Thi nói bón phân phải đúng thời vụ, nếu sớm quá hoặc trễ quá đều làm giảm hiệu quả, mà anh còn tới 11ha cao su chưa bón nữa. Thấy diện tích trồng cây công nghiệp khá nhiều, tôi liền hỏi thu nhập bao nhiêu nữa, A Thi bảo với 8ha cao su đang kinh doanh thì thu nhập khoảng 500 – 600 triệu đồng, diện tích còn lại đang thời kỳ kiến thiết cơ bản.

Nhưng vẫn chưa hết, tỷ phú Rơ Ngao này mỗi năm còn trồng 5,5ha mì, sản lượng vài trăm tấn, kiếm thêm nửa tỷ đồng, chưa kể hàng tấn cá dưới ao và những con nuôi trên cạn nữa…

Với diện tích đất sản xuất hơn 23ha, nhiều loại cây trồng, A Thi phải thuê mướn 22 người làm việc thường xuyên, còn đến mùa vụ thì số lao động phải lên tới hàng trăm. Chỉ với khoản giải quyết việc làm, A Thi đã giúp đỡ người dân rất nhiều, bởi thời gian nông nhàn của người dân nơi đây còn rất lớn.

Nhưng ít ai biết rằng, ông chủ cơ ngơi này bắt đầu lập nghiệp chỉ với 10 triệu đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

A Thi kể: “Ngay sau khi cưới vợ, năm 2003 mình được bố mẹ cho cái rẫy bỏ hoang, vay vốn về trồng mì cũng trúng lắm. Nhưng được 2 năm thì mì rớt giá nên mình chuyển qua trồng cà phê, lúc đầu chưa biết nên phải học. Học cách chọn giống, các loại phân bón phù hợp, tỉa chồi, bấm cành, làm bồn, tưới nước…Sau khi biết rồi, thì tự sáng tạo ra những cách làm riêng của mình để áp dụng cho phù hợp”.

ly ky chuyen ty phu nguoi ro ngao cap sach di hoc trong ca phe hinh anh 2

Cắt cỏ ném xuống ao, mỗi năm A Thi thu hoạch thêm 1,5 tấn cá các loại

Việc trồng cà phê của A Thi lúc đó được dân làng xem như chuyện lạ, bởi trước giờ chưa thấy ai làm, hơn nữa trồng cà phê lâu thu hoạch, có người còn nghĩ cà phê mình có ăn được đâu mà trồng. Đồng bào Rơ Ngao thời đó chỉ quen phát – đốt – chọc – trỉa thôi. Tức là chặt một đám rừng xuống, chờ nó khô đốt cháy thành tro (thay cho phân bón), tiếp đó chọc lỗ thả hạt lúa hoặc hom mì xuống rồi chờ thu hoạch.

Rồi năm sau bà con lại đi tìm đám rừng khác. Còn rẫy cũ thì bỏ hoang, đợi mấy năm sau cây rừng tái sinh để quay lại chặt, đốt… Khi người đông lên, đất đai không đủ làm thì bó tay chịu chết, hoặc ngồi chờ ai thuê gì làm nấy. Một số người “trình độ canh tác” cao hơn thì tìm các khe suốt, bạt đất hai bên lấp xuống, chẻ dòng nước thành hai nhánh rồi làm lúa nước ở giữa.

Với cách làm này, nói chung bà con chỉ tự túc được lương thực (có năm vẫn thiếu ăn), chứ sản xuất hàng hóa, làm ra của cải thì không đáng kể. Còn nhớ thời đó, cán bộ phải lặn lội xuống từng làng, vận động người dân trồng cây công nghiệp, sản xuất hàng hóa, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy này, nhà máy kia.
Trở lại chuyện A Thi học cách trồng cà phê. A Thi cứ kể hết chuyện buổi học này tới lớp học khác, chẳng khác gì hành trình gian truân tìm con chữ của học trò vùng cao, vùng hẻo lánh là bao. Nghe chuyện A Thi đi học trồng cà phê rất đơn giản nhưng ngẫm thấy đó là cả một câu chuyện ly kỳ để làm nên tỷ phú người Rơ Ngao hôm nay.

Nhưng dân nghe được mà không làm được. Còn A Thi làm được là nhờ biết lấy ngắn nuôi dài. Anh vẫn trồng lúa, trồng mì để có cái ăn và nuôi cây công nghiệp, mấy năm đầu cao su chưa khép tán vẫn trồng cây ngắn ngày.

Bước sang năm thứ 4 thì cà phê cho thu hoạch chính, lại được giá nên A Thi rất phấn khởi, bắt đầu yêu thích các loại cây công nghiệp lâu năm.

Anh quyết định mang hết số tiền có được mua thêm đất mở rộng diện tích cà phê, trồng thêm cao su. Đến nay vẫn còn một số diện tích chưa thu hoạch, nhưng tổng thu nhập của gia đình A Thi đã lên tới 2 tỷ đồng/năm.

Trăm nghe không bằng một thấy. Nhìn A Thi làm được, mọi người bắt đầu chuyển động. Lấy ngắn nuôi dài, dần biến những quả đồi trọc lóc ở Pô Kô do việc trồng lúa rẫy, trồng mì trước đây thành những vườn cà phê, cao su xanh ngút ngàn. Thu nhập của bà con cũng tăng gấp mấy lần, đời sống dần khá lên…

Nhà nông phải giữ đất

Ngoài việc làm giàu cho mình, anh A Thi còn thường xuyên giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nguồn vốn, cây giống, cũng như cách tính toán làm ăn sao cho hiệu quả. Trong những năm qua, anh đã giúp 3.800 cây giống (cà phê, cao su…) cho người dân trong xã và sẵn sàng hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất chứ không giấu giếm cho riêng mình.

Chị Y Lan (hàng xóm của A Thi) cho biết: “A Thi cho mình cây giống cà phê, còn lên tận rẫy hướng dẫn mình làm nữa, cái gì không biết thì chỉ rất tận tình. Mỗi khi mình cần vốn làm ăn hoặc cần tiền cho con đi học, A Thi lại cho vay mà không tính lãi. Người tốt như A Thi thật hiếm có”.

ly ky chuyen ty phu nguoi ro ngao cap sach di hoc trong ca phe hinh anh 3

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn cà phê của A Thi chi chít quả, khác hẳn với những vườn cà phê khác trong vùng

Khi địa phương phát động các phong trào, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, A Thi luôn là người tiên phong hưởng ứng, rồi vận động người dân tham gia. Thấy đường sá chật hẹp, bà con đi lại khó khăn, A Thi liền hiến hàng nghìn mét vuông đất rẫy để mở rộng đường.

Người chưa hiểu lấy làm lạ. A Thi bảo cái này nhà nước và nhân dân cùng làm, không có vốn đền bù, hơn nữa làm đường trước hết để mình đi, chứ ai đi mà đền bù. Vậy là người có tiền góp tiền, người có đất hiến đất. Rồi làng khác học theo, xã khác học theo, góp phần đưa Pô Kô ngày càng khang trang đẹp đẽ, tạo ra cái đòn bẩy để tiếp tục phát triển.

ly ky chuyen ty phu nguoi ro ngao cap sach di hoc trong ca phe hinh anh 4

Với A Thi, từ trên đồi cao xuống dưới ao tưới đều có thể kiếm ra tiền

Là hội viên tâm huyết với công tác Hội và phong trào nông dân, A Thi luôn vận động người dân muốn thoát nghèo thì phải giữ đất để sản xuất, sản xuất phải theo hướng dẫn của các bộ chuyên môn.

“Mình làm nông thì phải có đất, lúc đầu có ít thì dành dụm mua thêm, mở rộng dần dần. Còn chưa có tiền mà bán đất xây nhà to, mua xe đẹp thì không nên. Mấy cái đó ngày càng mất giá trị, chứ không đẻ ra tiền như đất được…”, anh Thi nói.

Ông Phạm Tấn Lực – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Tô nhận xét, anh A Thi là một trong những hội viên tiêu biểu, tích cực đi đầu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

“Những năm qua, với mô hình trồng cây công nghiệp, anh A Thi đã giúp nhiều hội viên có việc làm và thu nhập ổn định, đặc biệt là giúp cho nhiều nông dân khác biết cách làm ăn. Còn A Thi thì tâm sự: “Mình lớn lên trong cái đói, cái nghèo nên hiểu được sự nhọc nhằn của nó. Bởi vậy khi mình khá rồi thì phải giúp đỡ người khác, kể cả cho mượn vốn làm ăn. Phải cùng nhau giảm đói, giảm nghèo, làm cho làng xã ngày càng giàu hơn, đẹp hơn”, ông Phạm Tấn Lực.

Văn Hà