Cùng với quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách khá toàn diện, các giá trị văn hoá truyền thống cũng đã được chú trọng gìn giữ. Giữa nhịp sống đô thị, trong lòng thành phố Kon Tum vẫn còn những không gian mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Ba Na, Giarai, những ngôi làng truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người, những nhà rông, cầu treo, những sản phẩm văn hoá truyền thống độc đáo chỉ có ở Tây Nguyên, những lễ hội cồng chiêng, lễ hội mừng lúa mới; các di tích lịch sử, kiến trúc tôn giáo… Tất cả hoà chung thành một khối, tạo nên một đô thị Kon Tum vừa trẻ trung hiện đại, lại vừa ẩn chứa những nét văn hoá đặc trưng riêng biệt…
Ngục Kon Tum: Từ đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum, đi về hướng Tây Nam khoảng 1km, di tích lịch sử quốc gia ngục Kon Tum hiện lên nghiêm trang trước mắt du khách với những hàng bách, hàng xà cừ cao vút. Nhà ngục được thực dân Pháp xây dựng để giam giữ tù chính trị, các chiến sỹ cách mạng của ta trong thời kỳ năm 1930-1931.
Ảnh: Duy Đông
Về với di tích lịch sử Quốc gia – Ngục Kon Tum, du khách sẽ được thăm quan quần thể di tích, bao gồm nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, cụm tượng đài “Bất khuất” và hai ngôi mộ tập thể nằm bên bờ sông Đăk Bla lộng gió. Khu di tích đã trở thành nơi thăm viếng của nhân dân và các đoàn khách trong và ngoài nước khi đến Kon Tum.
Chùa Bác Ái: Toạ lạc trên ngọn đồi trước đây vốn là rừng già hoang vu, được khởi công xây dựng vào năm 1932, vật liệu xây dựng chùa chủ yếu được làm bằng mầm trỉ, mè tre, vách đất, mái lợp ngói vảy. Khi hoàn thành chùa được đặt tên là Tổ Đình Bác Ái. Dưới thời vua Bảo Đại, chùa được sắc phong “Sắc tứ Bác Ái tự” và tặng hai câu đối, hiện được khắc sơn son thiếp vàng bên hai cột trước Đại Hùng bửu điện:
“Kon Tum thắng cảnh Đại Nam nhất thống dĩ lai
Bác Ái danh lam Bảo Đại bát niêm y thỉ”
Ảnh: Minh Đức
Chùa Tổ Đình Bác Ái cũng được Nam Phương hoàng hậu cúng đại hồng chung vào năm 1933. Hiện nay, chùa tọa lạc trên khuôn viên toả mát hương cây trái, là nơi mà nhiều du khách cũng như Phật tử bốn phương tìm về.
Toà Giám mục Kon Tum: Tên gọi đầy đủ là Chủng viện thừa sai Kon Tum. Được xây dựng vào năm 1935. Toà Giám mục là sự kết hợp hài hoà giữa lối kiến trúc phương Tây với lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống. Trừ hàng trụ dưới sàn nhà làm bằng xi măng cốt thép, còn lại toàn bộ ngôi nhà được xây dựng bằng các loại gỗ quý, có độ bền cao với thời gian. Nằm khuất sau hai rặng sứ luôn rợp bóng mát, Toà Giám mục mang dáng vẻ yên bình như chính nhịp sống của người Tây Nguyên. Qua cánh cổng nhỏ, du khách có thể chậm rãi rảo bước và cảm nhận mùi thơm dìu dịu của những bông hoa sứ.
Ảnh: Văn Phát
Một trong những điểm nhấn tại Toà Giám mục Kon Tum đó là căn nhà truyền thống, có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc bản địa đang sinh sống trên địa bàn. Các hiện vật, bản đồ trưng bày trong chủng viện đều rất giá trị, được chạm khắc bằng gỗ tỉ mỉ. Đây là một nơi không thể bỏ qua khi du khách đến Kon Tum tìm hiểu lịch sử, văn hóa, đời sống người dân vùng đất mến khách này
Nhà thờ Chánh tòa (Nhà thờ Gỗ): Do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, tọa lạc giữa trung tâm thành phố. Công trình được xây theo phương pháp thủ công, kết hợp giữa phong cách Roman và kiểu nhà sàn của người Ba Na.
Ảnh: Minh Đức
Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum, người dân gọi gần gũi là Nhà thờ Gỗ, bởi vật liệu chính làm nhà thờ được làm từ gỗ. Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ có đường nét phóng khoáng thể hiện được cái chất của người Tây Nguyên, hồn nhiên và khỏe mạnh. Không bê tông cốt thép, không một chút vôi vữa, nét độc đáo của ấn tích này là tất cả trần và các bức tường của Nhà thờ đều được xây bằng đất trộn rơm – kiểu làm nhà của người miền Trung, dù một thế kỷ trôi qua vẫn vững vàng, bền đẹp với thời gian. Bên trong nhà thờ, được trang trí theo hoa văn của các dân tộc ở Tây Nguyên, gần gũi với đời sống hàng ngày mà vẫn gợi cảm giác thiêng liêng, trang trọng.
Ảnh: Quang Định
Cầu treo Kon Klor: Cầu nối liền hai bờ của dòng Đăk Bla, đứng giữa cầu, du khách sẽ thấy tâm hồn mình như thoáng đạt hơn, dưới chân cầu là dòng sông mải miết chảy, xung quanh là làng mạc và những bãi mía, ruộng ngô, đồng lúa. Cầu treo Kon Klor là điểm du lịch lý thú đối với du khách gần xa khi đến Kon Tum. Bên cạnh cầu treo là nhà rông văn hóa Kon Klor – thuộc phường Thắng Lợi, Nhà rông văn hóa truyền thống lớn nhất Tây Nguyên.
Ảnh: Quang Định
Làng Kon K’Tu: Cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 8km về phía Đông, dân cư sinh sống ở đây chủ yếu là người dân tộc Ba Na. Nhiều người Ba Na rất kiêu hãnh với Kon K’Tu không vì làng giàu có về vật chất mà bởi làng vẫn giữ được những nét cổ kính, hùng vĩ và hoang sơ. Hiện nay, dân làng vẫn duy trì được những đội cồng chiêng, đội múa xoang. Làng vẫn giữ nguyên vẹn lễ hội truyền thống. Đặc biệt, đến Kon K’Tu, du khách sẽ có cơ hội khám phá nét văn hóa nguyên gốc của nhà sàn. Sau khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại thì du khách quốc tế và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đến Kon K’Tu ngày càng nhiều, hiện trung bình mỗi ngày Kon K’Tu đón trên 50 khách du lịch nước ngoài và hàng trăm khách trong nước đến tham quan.
Ảnh: Duy Đông
Sông Đăk Bla: Điểm đặc biệt của thành phố Kon Tum cũng như của tỉnh Kon Tum là có dòng sông Đăk Bla như một dải lụa mềm chảy vắt ngang qua thành phố Kon Tum, sông Đăk Bla không những đem lại nguồn nước và nguồn phù sa trù phú cho sản xuất nông nghiệp của nhân dân mà còn là một trong những hành trình khám phá du lịch của mọi du khách gần xa khi đến với Kon Tum.
Văn Phát