Nâng tầm giá trị cà phê Việt –  Bài 2: Mở rộng Chương trình tái canh cà phê

267

baotintuc.vn
Chú thích ảnh Chương trình tái canh cà phê gắn với phát triển bền vững ở tỉnh Đăk Lắk được Công ty Nestle Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên hỗ trợ hơn 26 triệu cây giống cà phê cho 51.000 hộ nông dân sản xuất. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Hàng trăm nghìn ha cà phê được “trẻ hóa”

Tỉnh Lâm Đồng có diện tích cà phê tái canh nhiều nhất khu vực Tây Nguyên. Toàn tỉnh đã tái canh hơn 66.300 ha cây cà phê. Phần lớn các diện tích cà phê sau tái canh cải tạo cho năng suất cao, ổn định trên 4 tấn/ha, nhiều mô hình có năng suất 7 – 8 tấn/ha. Các giống cà phê vối sử dụng để tái canh, ghép cải tạo cho kích thước hạt (nhân) lớn và đồng đều hơn so với các giống cũ; một số giống có chất lượng nước uống thơm ngon như Xanh Lùn, Lá Xoài làm tăng giá trị cà phê nhân và chất lượng cà phê pha chế.

Gia đình bà Cao Thị Năm, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng tái canh 5ha cà phê từ năm 2014, vừa cải tạo giống vừa áp dụng mô hình trồng xen canh để tăng thu nhập cho gia đình. Đồng thời, gia đình bà tham gia Nescafe Plan từ năm 2017, tham gia vào các biện pháp can thiệp nông nghiệp tái sinh bằng cách trồng cây lạc dại che phủ đất, giảm thiểu việc tưới nước, không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ… Niên vụ 2021-2022, gia đình bà Năm thu được 3 tấn cà phê nhân và 2 tấn quả mắc ca tươi, tổng lợi nhuận hơn 200 triệu đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm S-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh triển khai chương trình tái canh cà phê sớm, tổ chức sản xuất ngay thông qua xử lý đất, phòng trừ nấm bệnh và tái canh theo phương thức cuốn chiếu. Trong tái canh cà phê, tỉnh Lâm Đồng rà soát, xác định diện tích nào cần tái canh, không lúng túng trong thực hiện mà tái canh cụ thể, khoa học; chỉ đạo các cấp, ngành thành lập Ban chỉ đạo phát triển chương trình tái canh cà phê; đồng thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nông nghiệp tổ chức giải ngân vốn tái canh một cách thuận lợi cho nông dân, hợp tác xã.

Ngoài ra, tỉnh xác định từng tiểu vùng sinh thái có bộ giống cà phê thích hợp, khi tái canh cà phê đến đâu thì thành công đến đó. Với những giải pháp triển khai và kết quả đạt được là tiền đề để chương trình tái canh cà phê của tỉnh Lâm Đồng đạt kết quả mong đợi trong giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện Đề án, đến nay, tỉnh Đăk Lắk có 24.441 ha diện tích cà phê tái canh, bình quân hàng năm tái canh khoảng 4.800 ha. Đây là chủ trương đúng đắn giúp cải tạo, tái canh diện tích cà phê già cỗi cho năng suất thấp, nâng cao năng suất vườn cây sau tái canh.

Gia đình ông Lê Tấn Dũng (xã Hòa An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đăk Lắk) trồng 1 ha cà phê từ năm 2000. Do sản lượng thấp nên năm 2018, gia đình ông Dũng tái canh toàn bộ diện tích. Được Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) hỗ trợ phân bón, kỹ thuật, vườn cây cà phê tái canh của ông Dũng phát triển tốt, từ 2,5 tấn/ha khi chưa tái canh tăng lên hơn 3,5 tấn/ha cà phê nhân như hiện nay. 

Tỉnh Đăk Lắk đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025, đảm bảo 100% diện tích tái canh được sử dụng giống tốt và áp dụng đúng quy trình tái canh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương thúc đẩy tập quán canh tác bền vững; trong đó, chú ý đến các vấn đề giảm thiểu mức sử dụng nước tưới, phân bón, hóa chất, cải thiện cảnh quan nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên tự nhiên.

Toàn tỉnh Kon Tum hiện đã tái canh, ghép cải tạo được khoảng 1.700 ha diện tích cà phê. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, năng suất tái canh cà phê những năm gần đây được tăng lên so với các năm trước do người dân được tập huấn thông qua các chương trình như đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến nông. Nhờ đó, các thương hiệu cà phê từng bước được khẳng định như cà phê rang xay DakMart đạt OCOP 5 sao (Mỗi xã một sản phẩm); cà phê đặc biệt Sáu Nhung (OCCOP 4 sao); cà phê bột nguyên chất Coffee Đăk Mar (OCOP 3 sao).

Giai đoạn 2012-2022, tỉnh Đắk Nông đã triển khai chương trình tái canh cây cà phê với diện tích gần 26.000 ha, đạt hơn 18,3% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh (trong đó: tái canh hơn 21.000 ha; ghép cải tạo đạt gần 4.500 ha). Đến nay, một số diện tích cà phê tái canh đã được người dân sử dụng giống mới, chất lượng cao, chú trọng thâm canh.

Mở rộng Chương trình tái canh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê vùng Tây Nguyên từ năm 2014-2021 được 129.008,4 ha (đạt trên 107,5% kế hoạch). Hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, chất lượng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, góp phần vào chương trình phát triển cà phê bền vững.

Việc tái canh đã không làm giảm năng suất và sản lượng cà phê Việt Nam mà còn tăng năng suất và sản lượng. Năng suất cà phê Việt Nam năm 2011 là 23,5 tạ/ha đã tăng lên 28,2 tạ/ha năm 2021 và sản lượng tăng từ 1,27 triệu tấn lên 1,81 triệu tấn.

Để đạt được kết quả đáng khích lệ này là do được chỉ đạo có hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, sự triển khai tích cực, đồng bộ của các địa phương, dự án VnSAT, sự chủ động phối kết hợp của Hiệp hội cà phê – Ca cao Việt Nam với người trồng cà phê và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê.

Tiếp nối thành công của đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiếp tục phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025. Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh cà phê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Mục tiêu của Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 – 2025 là phấn đấu trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê; trong đó, trồng tái canh 75 nghìn ha, ghép cải tạo 32 nghìn ha. Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Thu nhập/ha cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 – 2 lần so với trước khi tái canh.

Có thể nói, hiệu quả từ chương trình tái canh cà phê đã và đang góp phần cơ cấu lại ngành hàng cà phê, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bài 3: Hình thành chuỗi liên kết bền vững


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/kinh-te/nang-tam-gia-tri-ca-phe-viet-bai-2-mo-rong-chuong-trinh-tai-canh-ca-phe-20230405153350625.htm