Tháng bảy, về thăm lại ngục Đăk Glei

412


29/07/2019 06:08


Ngục Đăk Glei được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận Di tích lịch sử tại Quyết định số 2307/QĐ-VHTT ngày 30/12/1991. Gần 20 năm sau, Dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1164/QĐ-UBND ngày 28/10/2011 với tổng mức đầu tư trên 35,456 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng cho đến nay, dự án được đánh giá đầu tư khá kiên cố, có tính thẩm mỹ cao, cơ bản tái hiện được nguyên mẫu Ngục Đăk Glei do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1932.

Đong đầy cảm xúc

Chiếc xe 7 chỗ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Glei chở chúng tôi đi từ UBND huyện đến Ngục Đăk Glei đúng vào ngày đầu tháng Bảy, bầu trời trong xanh và nhiều đám mây bàng bạc. Tuyến đường, được trải nhựa hoặc đổ bê tông phẳng lỳ nên xe đi rất nhẹ nhàng và nhanh chóng.

Đến đoạn từ Tỉnh lộ 673 lên Ngục Đăk Glei dài chừng 3km, đường rất quanh co và dốc đứng. Hai bên đường là những vườn cà phê catimo, bời lời… của bà con đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở làng Đăk Lây, xã Đăk Nhoong xanh tốt, nép mình dưới những cánh rừng già xa xa ôm lấy khu Di tích.

Anh Đỗ Ngọc Vọng – cán bộ Ban Quản lý – người trực tiếp đưa chúng tôi đến với Ngục Đăk Glei cho biết: Bây giờ mà còn thấy hoang vu thế, huống chi cách đây gần thế kỷ, giữa chốn rừng sâu nước độc “ruồi vàng, bọ chó, gió Đăk Glei” này, các chiến sĩ cách mạng của chúng ta bị giam cầm sống heo hút, cực khổ biết nhường nào.

Nói rồi, anh Vọng mở cổng và dẫn chúng tôi đi sâu vào trong Ngục để được tận mắt nhìn thấy những gì còn sót lại của chiến tranh, sự dã man tàn ác của Thực dân Pháp.

Đứng trước sân nhà làm việc trước đây của bọn cai ngục rộng chừng 100m2 khá bằng phẳng, anh Vọng chỉ cho chúng tôi cách phân biệt những viên đá của Ngục xây ngày trước do những người tù gọt đẽo và những viên đá bây giờ chúng ta dùng để tôn tạo, sửa chữa.

Phía trước ngôi nhà làm việc này là một bếp ăn và một bốt gác của bọn cai ngục cũng được xây dựng bằng đá chẻ do những người tù kỳ công cõng đẽo giữa rừng già.

Đi xuống phía dưới “căng an trí” hay “ngục biệt giam”, càng thấy rõ hơn sự tàn ác, dã man của chế độ nhà tù thực dân xâm lược. Ở đây, không gian vừa u ám, vừa ngột ngạt với đầy gông cùm, xiềng xích… Nhìn hình ảnh các chiến sĩ cộng sản trong ngục tù mới thấy sự kiên trung với lý tưởng của Đảng, quyết hy sinh chứ không chịu khuất phục trước quân thù.

Và càng khâm phục sự hy sinh vô cùng to lớn của các chiến sĩ cộng sản “nếm mật, nằm gai” trước sự tra tấn tàn bạo của quân thù.




Tháng bảy về thăm lại ngục Đăk Glei
Ngục Đăk Glei đang được tôn tạo, phục dựng. Ảnh: QĐ

 

“Sự tích” ngục Đăk Glei

Để mọi người hiểu thêm về Ngục Đăk Glei, ông Nguyễn Văn Hiềng – Giám đốc Ban Quản lý thông tin: Vào khoảng năm 1932, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng đồn Đăk Glei nằm trên tuyến đường 14 để án ngữ khu vực này. Đồn được xây dựng trên đồi Chang T’né, ở độ cao khoảng 1.800m, một bên là thung lũng Đăk Grăk, xung quanh là núi cao hiểm trở. Đồn trưởng người Pháp tên là Bê-li-ô, quê ở đảo Corse, vợ là người bản xứ, tên là Nguyễn Thị Hà, quê ở thành phố Huế, còn lại toàn bộ lính là người DTTS ở các địa phương khác đến.

Đồn Đăk Glei là công trình kiến trúc 1 tầng, mặt bằng hình chữ nhật, rộng 19,85m, sâu 10,2m và có diện tích khoảng 200m2, bao gồm 4 phòng. Nằm đối diện với đồn Đăk Glei qua một khoảng sân rộng chừng 20m là một ngôi nhà một tầng, 2 gian nhỏ, cũng được xây dựng bằng đá, gian bên ngoài là trạm gác, gian còn lại là nhà bếp. Từ đồn Đăk Glei đi xuống dưới sườn đồi khoảng 150m là nhà “ngục biệt giam” rộng khoảng 12m2, được xây dựng ngay sau cuộc vượt ngục của hai nhà cách mạng yêu nước, đó là Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ, xác định vào khoảng từ tháng 2-6/1942.

Nằm ở khoảng giữa nhà ngục với khu đồn là “căng an trí” với các dãy nhà giam có kết cấu bằng tre và gỗ. Mỗi nhà giam có một sạp nằm cho tù nhân, đầu quay vào giữa, chân cùm phía ngoài, buổi tối lính canh đếm chân để kiểm tra số lượng tù phạm. Mỗi sạp nằm khoảng 20 người.

Vì không được xây dựng kiên cố, nên khu vực “căng an trí” hiện không còn dấu tích công trình. Do có sự khác nhau giữa các tư liệu ghi chép, nên số lượng nhà giam có thể là 2 hoặc 3 cái.

Mặc dù không phải là nhà tù lớn, nhưng do có vị trí nằm giữa vùng địa hình hiểm trở, xa các khu dân cư tập trung đông đúc, xung quanh chỉ có một vài làng của đồng bào DTTS, giao thông liên lạc khó khăn, nên thực dân Pháp đã giam giữ tại đây nhiều chiến sĩ cách mạng cốt cán của Đảng ta như: Lê Văn Hiến, Chu Huy Mân, Trần Văn Trà, Lê Bá Từ, Hà Phú Hương, Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Tất Thắng…

Trước những chuyển biến của tình hình thế giới và những hoạt động chuẩn bị xây dựng và củng cố lực lượng hướng tới Tổng khởi nghĩa của Việt Minh, tháng 2/1942, lợi dụng sự mất cảnh giác của kẻ địch, 2 đồng chí Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ đã được tổ chức bố trí vượt ngục. Với sự mưu trí, dũng cảm và được sự giúp đỡ của đồng bào DTTS huyện Đăk Glei và tỉnh Quảng Nam, cuộc vượt ngục đã thành công.

Ngay sau khi phát hiện cuộc vượt ngục, thực dân Pháp siết chặt chế độ giam cầm tại Ngục Đăk Glei. Chúng cho xây thêm nhà ngục kiên cố bằng đá để giam giữ chính trị phạm. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Nắm vững thời cơ đó, được sự ủng hộ và giúp đỡ của đồng bào các dân tộc huyện Đăk Glei, các chiến sĩ Cộng sản đã vùng dậy phá bỏ xiềng xích và trở về hoạt động, tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Trùng tu Ngục Đăk Glei

Ông Nguyễn Văn Hiềng – Giám đốc Ban Quản lý cho biết: Dự án bao gồm 3 hạng mục hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước và Di tích, phần phụ trợ, giao thông. Trong đó, hạng mục Di tích, phần phụ trợ, giao thông, UBND huyện Đăk Glei phê duyệt gần 24,26 tỷ đồng nhưng do kế hoạch vốn bố trí hàng năm rất ít, nên hạng mục này UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu thầu chia ra làm nhiều gói thầu xây lắp và nhiều giai đoạn khác nhau, với nguồn vốn gần 20,889 tỷ đồng và kế hoạch vốn đã bố trí tiếp tục giải ngân sau khi phê duyệt quyết toán 190,35 triệu đồng từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu phát triển văn hóa năm 2017 được kéo dài sang năm 2018.

Cụ thể, gói thầu số 1 là phần Di tích gốc khu A, B, C, gồm: trùng tu đồn, nhà ngục, nhà bếp, trạm gác và phục dựng “Căng an trí” trên 3,906 tỷ đồng; gói thầu số 2 là phần phụ trợ và giao thông khu B, khu C, gồm: nhà bảo vệ, sân vườn, đường đi bộ, hàng rào, điện, nước trên 3,693 tỷ đồng; gói thầu số 3 là phần tượng composite gồm 36 tượng, trong đó khu A 19 tượng, khu C 17 tượng trên 2,974 tỷ đồng; gói thầu số 4 là phần phụ trợ khu A giai đoạn 1, gồm: bậc cấp phía đông, biển báo và sân vườn trên 1,061 tỷ đồng; gói thầu số 7 là phụ trợ khu A, gồm: nhà ban quản lý, nhà trực, tường kè, hàng rào, sân vườn gần 1,983 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt gói thầu số 5 về hệ thống cấp điện trên 3,228 tỷ đồng và gói thầu số 6 về hệ thống cấp nước trên 2,202 tỷ đồng.

Do nguồn vốn hạn hẹp và giải ngân theo từng gói thầu, nên các gói thầu nói trên được thi công từ ngày 1/12/2012 và đến ngày 7/2/2018 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Hiện còn một số công việc của hạng mục khu A chưa đầu tư khoảng hơn 2 tỷ đồng, bao gồm: bãi đỗ xe, thang bộ, đường dốc phía tây và hệ thống thoát nước chung… sẽ được triển khai thi công trong thời gian tới.

Mặc dù thời gian thi công có kéo dài, nhưng các hạng mục công trình này đến nay vẫn hoạt động và phát huy hiệu quả tốt, đảm bảo việc phục dựng bảo tồn cơ sở vật chất ban đầu của khu Di tích, phát huy những giá trị của Di tích được bền lâu và có giá trị về mặt lịch sử của đất nước.




1564386073 445 Tháng bảy về thăm lại ngục Đăk Glei
Ngục Đăk Glei trở thành điểm du lịch thu hút nhiều du khách. Ảnh: QĐ

 

Về thăm lại Ngục Đăk Glei trong những ngày tháng Bảy tri ân này, chúng tôi vô cùng cảm kích trước những hy sinh vô bờ bến của các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược do Đảng ta lãnh đạo. Các bậc cách mạng tiền bối đã đổ máu xương của tuổi trẻ, thậm chí không ít người nằm lại nơi “Rừng xà nu” này để cùng với núi rừng Tây Nguyên bất khuất làm nên những chiến công rực rỡ trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

TRẦN VĂN PHÚC

Đi tới nguồn bài viết